RSS Feed for TP. Hồ Chí Minh phê duyệt Chương trình Năng lượng xanh đến năm 2015 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 05/01/2025 11:36
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

TP. Hồ Chí Minh phê duyệt Chương trình Năng lượng xanh đến năm 2015

 - UBND TP. Hồ Chí Minh vừa phê duyệt Chương trình Năng lượng xanh thành phố đến năm 2015. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm ánh sáng mặt trời, sức gió, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo), đồng thời khuyến khích việc sử dụng các dạng năng lượng mới, thân thiện với môi trường.


Tiềm năng lớn, phát triển chưa tương xứng

Theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn, tiềm năng năng lượng mặt trời ở TP. Hồ Chí Minh là khá lớn. Số giờ nắng trung bình trên địa bàn thành phố trong một tháng dao động từ 100 đến 300 giờ. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ (tháng 3) và đối với mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ (tháng 10). Nhờ vậy, cường độ bức xạ mặt trời trung bình của thành phố là khá cao, trung bình khoảng 1.581 kW giờ/m2/năm, cao nhất là 6,3 kW giờ/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kW giờ/m2/ngày vào tháng 7.

Bên cạnh đó, gió cũng là dạng năng lượng sạch mà thành phố có tiềm năng không kém năng lượng mặt trời. Theo số liệu điều tra từ năm 2003 tới 2007, tốc độ gió trung bình hằng năm của các trạm quan trắc dao động từ 2,2 m/s, có vị trí đạt tới 4,82 m/s. Tại trạm Vũng Tàu (nằm rất gần với huyện Cần Giờ), tốc độ gió trung bình đạt 3,1 m/s, cực đại đạt tới 5,4 m/s.

Như vậy, vùng có tiềm năng ứng dụng năng lượng gió là ở huyện Cần Giờ, nhất là đảo Thạnh An, là xã đảo duy nhất của thành phố. Ðảo này hiện chưa có điện lưới quốc gia, là nơi có tiềm năng ứng dụng năng lượng gió lớn nhất ở thành phố, nơi có thể xây dựng các nhà máy điện gió để bổ sung nguồn điện cho lưới điện thành phố.

Từ lâu, nguồn năng lượng xanh được sản xuất từ gió và mặt trời được xem là thân thiện với môi trường và ít gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội, có khả năng tái tạo, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp, an toàn cho người sử dụng. Tuy vậy, hiện việc phát triển các nguồn năng lượng sạch nói trên ở thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân cơ bản là do việc đầu tư này không hiệu quả về kinh tế khi suất đầu tư còn rất cao, nên các doanh nghiệp ít mặn mà, trong khi nguồn vốn của ngành Điện và ngân sách của thành phố còn hạn chế.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố chỉ có khoảng 3MW điện được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, chỉ có một nhà máy sản xuất điện từ rác thải (Nhà máy Gò Cát), gồm ba tổ máy với tổng công suất 2,7MW; cụm phát điện bằng pin mặt trời ở xã đảo Thạnh An có công suất 97,65kWp.

Khuyến khích phát triển

Ðể hiện thực hóa chủ trương ưu tiên việc phát triển và sử dụng các dạng năng lượng sạch, thành phố đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ công suất điện từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo chiếm hơn 1% công suất tiêu thụ điện toàn thành phố, tương đương 48MW (Theo quy hoạch, đến năm 2015 công suất tiêu thụ điện toàn thành phố là 4.800MW).

Trong đó: đến năm 2015 có khoảng 7 hộ gia đình hoặc tòa nhà, trụ sở cơ quan sử dụng hệ thống điện mặt trời với công suất khoảng 20kWp, tiết kiệm 23.554 kW giờ/năm; có khoảng 100 bộ đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng xanh và đèn LED; từ nay đến năm 2015, mỗi năm số lượng bình nước nóng năng lượng mặt trời được sử dụng trong các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách, nhà hàng, khách sạn, tòa nhà... tăng 3%/năm.

Còn về năng lượng gió, đến năm 2015 phấn đấu đạt 3MW và xây dựng được nhà máy điện gió công suất 200MW tại huyện Cần Giờ. Với nguồn rác thải, phấn đấu công suất điện sản xuất được từ các nhà máy điện sử dụng rác đạt 43MW... Ðể đạt được những mục tiêu nói trên, các sở, ngành liên quan sẽ xây dựng các chính sách ưu tiên, khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư và phát triển. Trong đó, có kế hoạch triển khai các đề án thử nghiệm việc ứng dụng các mô hình sử dụng năng lượng xanh trong đời sống hằng ngày.

Ði vào các giải pháp, GS, TS Lê Chí Hiệp (Phó chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ Năng lượng TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần cụ thể hóa hơn nữa các chính sách phát triển năng lượng xanh để tránh việc có nhiều cách hiểu khác nhau khi vận dụng chính sách trong thực tế, có được vậy thì mới hấp dẫn được các nhà đầu tư.

Cùng với đó, ngoài việc phải công khai thông tin quy hoạch phát triển, Nhà nước cũng cần hỗ trợ thật cụ thể và chi tiết cho việc đầu tư phát triển năng lượng xanh. Theo GS, TS Lê Chí Hiệp, giải pháp phổ biến để định hướng và khuyến khích phát triển các dạng năng lượng xanh là chính sách thuế linh động và phù hợp.

Theo Công ty Nhiên liệu sinh học Phương Ðông cho rằng, cần có tính toán được hiệu quả kinh tế và xã hội, nhất là phải chứng minh được hiệu quả kinh tế khi phát triển các dự án năng lượng xanh. Ðiều này sẽ giúp tránh được hai xu hướng không tốt là xin ngân sách để đầu tư không hiệu quả và vận động nhưng không doanh nghiệp nào tham gia. Ngoài ra, để khuyến khích việc sử dụng các dạng năng lượng sạch thì thành phố cần sốt sắng hơn trong việc vận động Chính phủ thông qua nhiều chính sách, vốn ngoài thẩm quyền của thành phố.


Trương Mạnh Hoài (Nguồn: nhandan)
 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động