RSS Feed for Phát triển điện điện mặt trời ở Morocco, kinh nghiệm cho Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 22:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển điện điện mặt trời ở Morocco, kinh nghiệm cho Việt Nam

 - Morocco có vị trí địa lý thuận lợi, đứng thứ 9 thế giới về tiềm năng phát triển điện mặt trời khi có 710.000 km2, có số giờ nắng từ 2.800 đến 3.400 giờ/năm, có khả năng kỹ thuật đạt công suất 20.000 MW điện mặt trời. Với thế mạnh này, trong những năm qua, Morocco biến tiềm năng của tự nhiên thành nguồn năng lượng tiến bộ. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Việt Nam cũng có một số điều kiện tương đồng với Morocco về tiềm năng năng lượng tái tạo, với số giờ nắng cao và trên 3.200km bờ biển. Và đây là mô hình tốt, cần nghiên cứu để góp phần phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Hiện trạng và xu hướng phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam
Cần một khung chính sách lâu dài cho năng lượng tái tạo
Cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời

TS. TRẦN VĂN, ĐBQH KHÓA XII, XIII

Đầu tháng 7 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức Quốc hội Morocco của Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu, Thủ tướng Morocco Saadeddine El Othmani đã mời Đoàn đến thăm và nghiên cứu mô hình Tập đoàn Masen - một doanh nghiệp chủ lực trong phát triển năng lượng tái tạo, lĩnh vực mà Morocco đặc biệt chú trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững.

Chiến lược dài hạn

Masen đang chủ trì chương trình phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu tạo thêm 3.000MW năng lượng sạch vào năm 2020 và 6.000MW vào năm 2030, và 52% tổng công suất nguồn điện vào năm 2030. Với cam kết sử dụng hợp lý nguồn năng lượng tái tạo, Masen đã biến năng lượng tự nhiên thành năng lượng của tiến bộ. Mô hình phát triển của Masen là sự tích hợp giữa bền vững về tài chính và hệ sinh thái. Những địa phương có dự án của Masen được bảo đảm về phát triển bền vững và Masen luôn quan tâm đến việc giảm khí thải hiệu ứng nhà kính, cũng như các yêu cầu bảo vệ môi trường khác theo những cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, ngay cả khi lượng khí thải greenhouse gas (GG) của Morocco bình quân đầu người tương đối thấp, chỉ khoảng 1,7 tấn CO2 quy đổi (tCO2) so với bình quân đầu người của thế giới là 5 tấn CO2 năm 2011.

Tại Hội nghị Biến đổi khí hậu - COP21 năm 2015 ở Paris, Morocco đã đưa ra mục tiêu giảm 13% lượng khí thải GG vào năm 2030.

Chiến lược phát triển dài hạn xây dựng trên bốn đối tượng: (1) An ninh năng lượng, (2) Tiếp cận năng lượng rộng rãi, (3) Bảo vệ môi trường, (4) Vị thế khu vực và quốc tế của Morocco. Chiến lược này xoay quanh bốn định hướng chính là: (1) Đa dạng hóa nguồn năng lượng hỗn hợp, (2) Phát triển năng lượng tái tạo, (3) Tập trung vào sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng và (4) Hợp tác khu vực.

Bằng các chương trình phát triển năng lượng tái tạo, Masen đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế Morocco thông qua tăng cường năng lực sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường tiềm năng nghiên cứu và chuyển giao, sáng tạo khoa học - công nghệ. Tại Tổ hợp điện mặt trời Ouarzazate, Masen dành 200ha cho hoạt động R&D.

Masen có nhiệm vụ tích hợp phát triển năng lượng tái tạo trên cơ sở công nghệ và chuẩn mực quốc tế cao nhất, tăng cường năng lực khoa học - kỹ thuật đất nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hỗ trợ các địa phương, vùng có dự án phát triển theo hướng bền vững kết hợp hài hòa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Chiến lược Năng lượng Quốc gia, Masen phối hợp cùng Tổng cục Năng lượng và Nước sạch (ONEE) quản trị hệ sinh thái năng lượng của Vương quốc Morocco. Hiện nay, Masen là đối tác chủ yếu trong phát triển, cung cấp tài chính và quản lý tất cả các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện măt trời, điện gió và thủy điện.

Kết hợp nguồn vốn nhà nước và tư nhân

Khi được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hỏi về các dự án cụ thể, Chủ tịch Masen đã giới thiệu về dự án Tổ hợp điện mặt trời Noor Ouarzazate, nơi Masen đóng vai trò chủ đạo trong việc huy động các nguồn vốn từ khu vực tư nhân và Nhà nước để thực hiện dự án, đồng thời phối hợp với Nhà nước trong phát triển hạ tầng ngoài hàng rào như hệ thống truyền tải, phân phối điện, đường giao thông đến hàng rào dự án, hệ thống hồ đập chứa nước cung cấp cho dự án và sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

Tại dự án Tổ hợp điện mặt trời Noor Ouarzazate giai đoạn 1 (hay còn được gọi là Noor-1), công nghiệp địa phương đóng góp tới 30% tổng giá trị đầu tư của dự án. Từ giai đoạn 2, tỷ lệ này sẽ tăng lên 35% và tăng dần sau đó.

Noor-1, trải rộng trên diện tích 450ha, có công suất thiết kế 160MW với tổng mức đầu tư 3,9 tỷ USD, đã phát điện lên lưới từ ngày 5.2.2016, cung cấp 370GWh điện/năm. Nhà máy sử dụng công nghệ muối tan chảy để có thể lưu trữ điện được trong 3 tiếng.

Giai đoạn 2 (hay Noor-2) có công suất lắp đặt 200MW, khả năng lưu trữ điện trong 7 giờ, diện tích 680ha, cung ứng 600GWh/năm, dự kiến được hoàn thành cuối năm 2017.

Tiếp đó sẽ là Noor-3, công suất lắp đặt 150MW trên diện tích 750ha, khả năng lưu trữ điện 8h, cung cấp 500 GWh điện/năm.

Giá điện thành phẩm của Noor-1 là 0,19 USD/kWh - nhưng với sự điều phối của Masen, tối ưu hóa lãi vay, chi phí sản xuất, giá thành tích hợp, hòa chung của các nguồn điện có thể ở mức 4 - 5 Cent/kWh. 

Tổ hợp điện mặt trời Noor Ouarzazate của Masen. 

Trả lời câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà về công nghệ sử dụng, Chủ tịch Masen cho biết, tại Nhà máy Noor 1, 2 và 3, Morocco đã và sẽ sử dụng công nghệ động cơ nhiệt, thu nhiệt lượng từ mặt trời bằng các gương cong Parabol để đun nóng nước, tạo ra hơi để chạy tua bin phát điện. Còn tại các nhà máy Noor Ouarzazate IV công suất 70MW, Masen sử dụng công nghệ quang điện Photovoltaic, bằng các tấm pin mặt trời.

Masen cho biết, họ cùng các đối tác quốc tế có uy tín luôn tìm kiếm và đưa ra các mô hình phát triển có tính cạnh tranh cao, chuỗi giá trị sản xuất phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Morocco.

Morocco có vị trí địa lý thuận lợi, đứng thứ 9 thế giới về tiềm năng phát triển điện mặt trời khi có 710.000 km2 có số giờ nắng từ 2.800 đến 3.400 giờ/năm, có khả năng kỹ thuật đạt công suất 20.000 MW điện mặt trời. Việt Nam cũng có một số điều kiện tương đồng với Morocco về tiềm năng năng lượng tái tạo với số giờ nắng cao và trên 3.200km bờ biển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá đây là mô hình tốt cần nghiên cứu để góp phần phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, nhất là ở các địa phương có tiềm năng về thế mạnh do vị trí địa lý như các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động