RSS Feed for Phát hiện hàng trăm lỗi kỹ thuật tại các cơ sở hạt nhân châu Âu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 11:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát hiện hàng trăm lỗi kỹ thuật tại các cơ sở hạt nhân châu Âu

 - Bản báo cáo điều tra mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân tại châu Âu được tiến hành sau thảm họa rò rỉ hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) hồi tháng 3 năm ngoái, đã chỉ ra hàng trăm lỗi kỹ thuật tại các cơ sở này, ước tính mất khoảng 25 tỷ euro (35 tỷ USD) để sửa chữa.

>> Điện hạt nhân Đức: 50 năm trước và 10 năm tới
>> IAEA muốn kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân
>> Đông Á, Đông Nam Á sẽ chịu thảm họa hạt nhân nếu xảy ra sóng thần

Kết quả điều tra cho thấy toàn bộ 143 cơ sở hạt nhân trên khắp châu Âu đều cần được nâng cấp về khả năng hứng chịu thảm họa.

Trong khi đó, các nhóm phản đối hạt nhân tỏ ra không thỏa mãn với những thông tin cảnh báo được đưa ra trong bản báo cáo. Cơ quan điều hành an toàn hạt nhân châu Âu lên tiếng yêu cầu Hội đồng điều tra cần chấn chỉnh ngôn ngữ trong bản báo cáo để không gây ảnh hưởng tới tâm lý của người dân.

143 cơ sở hạt nhân ở châu Âu hoạt động trong tình trạng thiếu an toàn. Ảnh Petr Adameki

Lỗi kỹ thuật tại các nhà máy hạt nhân của Pháp

Bản báo cáo khẳng định cần có những biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn cho 47 nhà máy điện hạt nhân với 111 lò phản ứng cùng hơn 100.000 người dân sinh sống trong bán kính 30 km quanh khu vực các nhà máy trên toàn châu Âu trước nguy cơ đối mặt với thảm họa nghiêm trọng.

Trước những hậu quả đáng tiếc từng được ghi nhận sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Đảo Ba dặm và Chernobyl, giới chuyên gia hối thúc các nhà điều hành cần đề ra nhiều biện pháp để bảo vệ nhà máy điện hạt nhân trước tác động của thiên tai và lỗi kỹ thuật.

Theo như thông tin từ bản báo cáo, 4 lò phản ứng tại 2 quốc gia giấu tên phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để khôi phục các chức năng an toàn trong trường hợp mất điện.

Ngay cả Pháp - nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu với 59 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp gần 80% nhu cầu điện năng thì các chuyên gia đều tìm ra được hàng loạt lỗi kỹ thuật tại tất cả 58 lò phản ứng.

Ngay trong đầu tháng 10, một sự việc đáng tiếc xảy ra khi hơi nước thoát ra từ nhà máy điện hạt nhân Fessenheim tại phía đông nước Pháp – một trong những lò phản ứng lâu đời nhất của nước này, đã làm bỏng 2 người, đồng thời khơi dậy làm sóng biểu tình phản đối điện hạt nhân diễn ra trong một thời gian dài tại Pháp.

Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim nằm tại khu vực biên giới sát với Đức và Thụy Sĩ, chính thức hoạt động vào năm 1977, lấy nước làm mát từ sông Rhine. Tuy nhiên, các nhóm biểu tình cho rằng vị trí của nhà máy nằm ngay trong vùng chịu ảnh hưởng mạnh của hoạt động địa chấn và lũ lụt.

Trong khi đó, bản báo cáo cũng chỉ ra rằng phần lớn các nhà máy điện hạt nhân tại Anh đều không có một phòng điều hành khẩn cấp dự phòng trong trường hợp phòng điều hành chính buộc phải đóng cửa do nhiễm nồng độ phóng xạ cao.

Cơ quan Năng lượng Anh cũng đã lên tiếng bác bỏ khi cho rằng bản báo cáo không đưa ra được những bằng chứng để chứng minh các cơ sở hạt nhân tại nước này hoạt động thiếu an toàn.

"Chính phủ hứa thực thi các biện pháp cải thiện mức độ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân. Chúng tôi đang phối hợp với Văn phòng Điều hành hạt nhân để đảm bảo các nhà điều hành triển khai mọi biện pháp giảm thiểu rủi ro và tiếp tục cải thiện độ an toàn cho nhà máy", phát ngôn viên của Cơ quan Năng lượng Anh cho biết.

Đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân

Ngoài việc phần lớn các nhà máy điện hạt nhân của châu Âu đều không trải qua những cuộc kiểm tra nghiêm ngặt thường xuyên thì vấn đề công nghệ lỗi thời, khả năng ứng phó với khủng bố, lỗi kỹ thuật từ con người và cả việc nằm trên vị trí dễ gặp thiên tai là những đề tài gây tranh luận bấy lâu nay tại châu Âu.

Rebecca Harms - chủ tịch tổ chức Liên minh Tự do châu Âu và Đảng Xanh cho rằng: "Ủy ban giám sát nên cân nhắc việc đóng cửa các lò phản ứng đã quá lỗi thời và thiếu an toàn cũng như chỉ rõ mức độ thiếu an toàn trong từng cơ sở".

Hồi tháng 6, toàn bộ 143 nhà máy điện hạt nhân tại châu Âu đã tiến hành đánh giá lại mức độ an toàn thông qua tiêu chí "khả năng trụ vững" trước thảm họa từ con người hoặc thiên nhiên.

Sau thảm họa hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản hồi tháng 3 năm ngoái, chính phủ nhiều nước đã bắt đầu xem xét lại chiến lược năng lượng hạt nhân của nước mình. Trong đó, Đức đã đưa ra quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân vào năm 2022, để chuyển sang công nghệ xanh, các nhà máy điện khí và than phát tán ít khí thải hơn.

Không chỉ Pháp, nhiều quốc gia khác cũng đang tăng cường đầu tư vào năng lượng điện hạt nhân bất chấp thảm họa Fukushima.

Trong thảm họa ngày 11/3/2011, dưới tác động của trận động đất mạnh 9 độ richter và sóng thần, các hệ thống làm mát của nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản đã bị ngừng hoạt động. Thảm họa thiên nhiên cũng đã làm tan chảy 3 lò phản ứng của nhà máy này.

MINH THU (Nguồn: Infonet.vn)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động