Rà soát, xây dựng lại chiến lược ngành cơ khí Việt Nam
07:28 | 12/04/2014
>> Xác định lại các sản phẩm cơ khí trọng điểm cần hỗ trợ
>> Cần tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí
Theo báo cáo, năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành đạt 227.911 tỷ đồng, tăng 6 lần so với giá trị sản xuất công nghiệp ngành Cơ khí đạt được năm 2000; năm 2013, ước đạt 251.185 tỷ đồng. Ngành Cơ khí đang trở thành một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của đất nước. Năm 2013, giá trị xuất khẩu cơ khí đạt 13,18 tỷ USD, chủ yếu là nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, một số mục tiêu được đề ra trong Chiến lược vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2010 đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước chưa hoàn thành; năm 2012, ngành Cơ khí mới chỉ đáp ứng được trên 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước...
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về thuế, nhà xưởng, khuyến khích phát triển cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc, công cụ hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp... bởi nhu cầu đối với các sản phẩm này trên thị trường hiện đang rất lớn. Cùng với đó là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của ngành Cơ khí. Ngoài ra, một số ý kiến của doanh nghiệp cơ khí kiến nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu tiên, đón đầu sự phát triển của ngành, nhất là các vấn đề liên quan đến đấu thầu, ưu đãi thuế, tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển trung tâm cơ khí đa dụng...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vị trí quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển ngành Cơ khí, đặc biệt là cơ khí chế tạo. Nhìn lại 10 năm qua, ngành đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả trong phát triển ngành Cơ khí. Giá trị của cơ khí chế tạo, xuất khẩu liên tục tăng; sức cạnh tranh của các sản phẩm cơ khí ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu, tiềm năng, lợi thế, những kết quả đạt được của ngành Cơ khí còn chưa được như mong muốn, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Là một quốc gia nông nghiệp, song các sản phẩm cơ khí máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn ít.
Định hướng phát triển ngành Cơ khí trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm việc rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch của ngành Cơ khí; xác định lĩnh vực, sản phẩm cơ khí ưu tiên, nhất là sản xuất máy phục vụ phát triển nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy hải sản, chế biến thủy sản, các thiết bị cho vận tải... Cùng đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, phù hợp với thực tiễn trên tinh thần khuyến khích và hỗ trợ, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, thuế thu nhập, thuế VAT cho doanh nghiệp và thuế bảo hộ sản phẩm trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Xây dựng các chính sách tín dụng phù hợp nhằm phát triển thị trường cho ngành Cơ khí; thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị, năng lực thiết kế, chế tạo, đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý việc kiện toàn bộ máy, tổ chức của Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo đối với sự phát triển của ngành Cơ khí; yêu cầu Ban chỉ đạo tập trung vào nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách; phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp cơ khí và cơ quan quản lý Nhà nước của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam trong quá trình xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngành cơ khí phát triển nhanh trong điều kiện mới.
NangluongVietnam.vn
SỰ KIỆN BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Đâu là sự khác biệt giữa Crimea và Kosovo?
"Canh bạc" toàn cầu của Hoa Kỳ đang thu nhỏ
Người Nga đang nghĩ gì về Tổng thống Putin?
Nguồn gốc của "căn bệnh Thái Lan"
Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Chủ tịch Kim Jong-Un qua lời kể của người "vú em"
Kịch bản về một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử