RSS Feed for PVN trong lộ trình phát triển ngành công nghiệp hóa dầu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 03:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PVN trong lộ trình phát triển ngành công nghiệp hóa dầu

 - Ngày 11/4, tại Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Hội Dầu khí Việt Nam đã tổ chức chương trình tọa đàm “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lộ trình phát triển ngành công nghiệp hóa dầu Việt Nam”. Trong buổi tọa đàm, nhiều tham luận, nhiều ý kiến đã được đưa ra nhằm tìm ra định hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới của ngành công nghiệp hóa dầu Việt Nam.

Lọc hóa dầu Việt Nam: Triển vọng tăng trưởng và cơ hội đầu tư
“Mô hình công ty cổ phần là tất yếu khách quan”
PVN có thể rút ngắn con đường phát triển bằng cơ chế

Khai mạc buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San nhấn mạnh: “Buổi tọa đàm mong muốn được nghe những ý kiến đóng góp, những trải nghiệm của các chuyên gia đầu ngành, giúp BSR nói riêng và các công ty trong ngành định hình được sự phát triển và ngành dầu khí Việt Nam trong tương lai. Đồng thời, đưa ra những giải pháp tích hợp phát triển khâu hóa dầu của NMLD Dung Quất, giúp BSR trở thành nơi trọng điểm của ngành lọc hóa dầu khu vực Đông Nam Á”.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San phát biểu khai mạc tại chương trình tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên đã trình bày về Chiến lược phát triển của BSR giai đoạn 5 năm sau cổ phần hóa. Theo đó, sau khi tiến hành IPO thành công và từng bước chuyển đổi mô hình công ty từ công ty TNHH MTV sang mô hình công ty cổ phần; trong 5 năm tới, từ 2018 đến năm 2022, BSR đặt mục tiêu tổ chức hoạt động sản xuất an toàn, ổn định, hiệu quả, làm chủ công nghệ và bền vững. Ngoài ra còn cơ bản hoàn thiện dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất vào năm 2020 và tiến hành kết nối vào năm 2021. Về phát triển sẽ theo định hướng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lọc dầu là chủ đạo; sản phẩm luôn đáp ứng tiêu chuẩn quy định và thân thiện với môi trường; tối ưu năng lực hiện có, đẩy mạnh nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất để nâng cao tính hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững.

Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên trình bày Chiến lược phát triển của BSR giai đoạn 5 năm sau cổ phần hóa tại buổi tọa đàm.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí đã trình bày tham luận với chủ đề “Tương lai của công nghiệp hóa dầu”. Trong tham luận này, Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức đã phân tích về các đặc điểm của ngành công nghiệp hóa dầu như: lợi nhuận tốt, nguyên liệu từ khí rẻ, nhu cầu của thị trường bùng nổ tại thị trường châu Á. Tuy nhiên, sẽ đi kèm với nhiều rủi ro như lợi nhuận dao động, tỉ lệ phá sản cao, biến động giá nguyên liệu mạnh...

Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức cũng khuyến cáo các đơn vị hoạt động trong ngành hóa dầu tại Việt Nam cần cập nhật và phổ biến xu hướng, dự báo, thông tin công nghệ, chính sách; Đề xuất chính phủ chính sách thu hút đầu tư hóa dầu. Chủ động tìm đối tác phù hợp trong việc chia sẻ kinh nghiệm tích hợp lọc-hóa dầu/hóa dầu thô; công nghệ, sản xuất và tiêu thụ; hợp tác phải đầu tư linh hoạt.

Giáo sư Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất, đối với những dự án mới cần tính toán nghiêm túc các điều kiện thực tế trong nước và khu vực về quy mô, nguyên liệu, thị trường, chất lượng sản phẩm, cấu hình chế biến… Các dự án mới phải là dự án chế biến sâu, kết hợp lọc dầu và hóa dầu một cách phù hợp nhất với yêu cầu của thị trường trong nước và khu vực để bảo đảm thu được lợi nhuận cao nhất có thể.

Giáo sư Hồ Sĩ Thoảng trình bày tham luận tại buổi tọa đàm.

Buổi tọa đàm cũng đã nghe những ý kiến góp ý sâu sắc của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Các ý kiến xây dựng, phát triển cho ngành công nghiệp chất lượng cao của Việt Nam qua dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, dự án Cá Voi Xanh, dự án lọc dầu Long Sơn… Các vấn đề về nguồn vốn đầu tư, nguồn nguyên liệu, sự điều hành quản lý để hoạt động hiệu quả, thị trường phân phối… đã được đề cập xung quanh buổi tọa đàm. 

Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành lọc hóa dầu Việt Nam.

Kết luận chương trình, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San đã đánh giá hóa dầu là một lĩnh vực quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Hóa dầu cũng là nền tảng của nhiều quá trình sản xuất công nghiệp, cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế Việt nam như xăng dầu, phân bón, hóa chất, nhựa, xơ sợi…

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San nhấn mạnh: “Vai trò của ngành hóa dầu rất quan trọng, vì vậy chúng ta cần có những tính toán kỹ lưỡng để thúc đẩy sự phát triển của ngành này, góp phần xây dựng đất nước”.

TRANG NHUNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động