Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam
16:38 | 31/07/2014
“Nâng cao giá trị kinh tế Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau”
Công bố Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN
Hiện nay, VPI có 3 Phó giáo sư, 40 tiến sỹ, 194 thạc sỹ trong tổng số 681 lao động và cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị đã từng bước được hiện đại hóa, đầu tư đồng bộ, VPI đã thực sự trở thành tổ chức khoa học và công nghệ hoàn chỉnh, đồng bộ, về quy mô, tính tổng hợp đứng đầu khu vực Đông Nam Á, có khả năng triển khai nghiên cứu phát triển và cung cấp dịch vụ khoa học - kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi công nghiệp dầu khí.
Các kết quả nghiên cứu khoa học của VPI trong thời gian qua đã định hướng cho công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trong nước; làm sáng tỏ các cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng dầu khí các bể trầm tích trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Viện đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về tính chất dầu thô, khí, condensate Việt Nam; nghiên cứu lựa chọn công nghệ, xúc tác, nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, chống ăn mòn phục vụ cho việc hoạt động ổn định và nâng cao hiệu quả của các nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí, giải quyết nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực an toàn và bảo vệ môi trường cũng như kinh tế và quản lý dầu khí...
Về định hướng nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, VPI đặt mục tiêu làm chủ các công nghệ tiên tiến, cải tiến, sáng tạo một số công nghệ bản quyền, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, nâng cao hiệu quả đầu tư cho các dự án thăm dò khai thác dầu khí của Tập đoàn. Đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình mô phỏng, nghiên cứu phân tích, quản lý khai thác để tư vấn cho Tập đoàn và tiến tới tư vấn, xây dựng báo cáo ODP, FDP hoàn chỉnh cho các nhà thầu dầu khí. Lập, tư vấn, triển khai các dự án EOR, phát triển và đưa vào khai thác các mỏ phức tạp, mỏ nhỏ, mỏ cận biên trong nước và dự án nước ngoài. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ gia tăng thu hồi dầu (EOR), chú trọng đến các nghiên cứu công nghệ mới (nano…) và có các giải pháp độc quyền. Triển khai nghiên cứu công nghệ khai thác dầu khí nước sâu và Tư vấn công nghệ, lập kế hoạch các dự án khai thác dầu khí nước sâu. Nghiên cứu đánh giá tổng thể các tài nguyên dầu khí phi truyền thống ở Việt Nam như gas hydrate, shale gas, CBM phục vụ cho công tác quy hoạch các hoạt động thăm dò và nghiên cứu định hướng khai thác…
Trong lĩnh vực hóa chế biến dầu khí, Viện nắm bắt xu hướng thị trường, công nghệ thế giới, đề xuất dự án hiệu quả; làm chủ các công nghệ hiện có, ứng dụng công nghệ mới để tư vấn vận hành các nhà máy chế biến dầu khí an toàn, ổn định; cải tiến, sáng tạo công nghệ bản quyền để tạo lợi thế cạnh tranh về công nghệ. Tư vấn cho Tập đoàn trong việc ứng dụng công nghệ xử lý môi trường, công nghệ sản xuất sạch, quản lý rủi ro, giải pháp ứng phó sự cố tràn dầu, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường dầu khí, tiến tới phát triển các sản phẩm, công nghệ bản quyền trong xử lý môi trường…
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của ngành Dầu khí, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, đồng thời yêu cầu người đứng đầu các đơn vị phải nhận thức đầy đủ về vai trò của khoa học công nghệ, xây dựng chương trình sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học công nghệ.
Cùng đó, Chủ tịch Tập đoàn yêu cầu Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu các vấn đề gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, nâng cao giá trị các sản phẩm dầu khí, đẩy mạnh sản xuất, nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ… Đồng thời, Viện cần xây dựng cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài, đào tạo cán bộ, chuyên gia giỏi cho Ngành; tăng cường đội ngũ nghiên cứu, đào tạo cán bộ lãnh đạo có năng lực, trí tuệ, bản lĩnh; đề xuất cơ chế thí điểm luân chuyển cán bộ đến các đơn vị sản xuất. Bên cạnh đó, Viện cần tăng cường công tác quảng bá hình ảnh và thương hiệu ra thị trường quốc tế, đề xuất Tập đoàn xem xét cơ chế khuyến khích cán bộ có công trình khoa học và bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
NGUYỄN TÂM (tổng hợp)