“Nâng cao giá trị kinh tế Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau”
10:14 | 30/07/2014
>> Công ty Khí Cà Mau đạt mốc sản lượng 10 tỷ m3
>> PVFCCo hoàn thành vượt mức kế hoạch 6 tháng đầu năm
>> Ký nghiệm thu cuối cùng dự án Nhà máy đạm Cà Mau
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (giữa), Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN Nguyễn Xuân Sơn (bên trái) đến thăm khu dự án Khí Cà Mau. Ảnh Petrotimes
Sau hơn 10 năm xây dựng và đi vào hoạt động, đến nay Cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã đi vào hoạt động ổn định, góp phần thay đổi diện mạo cho nền kinh tế của vùng, đóng góp hàng năm trên 50% ngân sách cho Cà Mau, cùng với nhiều chục tỷ đồng được sử dụng vào mục đích an sinh xã hội. Công trình đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc hợp tác với láng giềng cùng khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khí thiên nhiên từ mỏ PM3-CAA, Hoa Mai, Cái Nước…; tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tạo công ăn việc làm, cải thiện và tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước và địa phương. Đồng thời, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước; giảm phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài về phân bón.
Đặc biệt thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” đang ngày càng trở nên gần gũi và được đông đảo nông dân biết đến, tin tưởng sử dụng nhờ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, dịch vụ khách hàng tốt. Đến nay, sản phẩm đã đạt được nhiều giải thưởng giá trị, uy tín, góp phần tích cực công tác bình ổn thị trường phân bón theo chủ trương của Chính phủ.
Cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước...
Khen ngợi tinh thần lao động sáng tạo của các cán bộ, công nhân viên, kỹ sư các nhà máy, đồng thời Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng, Cụm dự án vẫn còn nhiều tiềm năng, do đó cần tiếp tục nỗ lực khai thác, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa.
Ngoài việc đánh giá cao nỗ lực cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Phó Thủ tướng cũng lưu ý, PVCFC cần đặt ra lộ trình sản xuất để thích ứng với thay đổi của giá vật tư đầu vào, giải quyết tốt quyền lợi giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Phó Thủ tướng cho biết, khi cổ phần hóa, bước đầu Nhà nước có thể nắm cổ phần chi phối, sau đó sẽ giảm dần tỷ trọng này.
Tính đến hết tháng 12/2013, sản lượng khí khai thác từ mỏ PM3 đạt trên 8,9 tỉ m3; sản lượng điện hòa lưới quốc gia gần 44 tỉ kWh; sản lượng đạm urê hạt đục trên 1,6 triệu tấn.
Trong đó, dự án Khí Cà Mau có công suất thiết kế 2 tỉ m3 khí/năm, tổng mức đầu tư 4.573 tỉ đồng (299,37 triệu USD), nhận khí từ mỏ PM3 đến Cà Mau. Tổng chiều dài đường ống là 325km, bao gồm 298km đường ống dưới biển và 27 km đường ống trên bờ. Dự án Khí Cà Mau được đưa vào vận hành từ năm 2008 đến nay đã cung cấp gần 10 tỉ m3 khí liên tục, ổn định phục vụ cho nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 và nhà máy Đạm Cà Mau; tổng doanh thu hơn 34.700 tỉ đồng.
Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 có tổng công suất thiết kế 1.500 MW, tổng mức đầu tư 14.049 tỉ đồng (883,43 triệu USD), có khả năng cung cấp trên 8 tỉ kWh/năm. Dự án hoàn thành và đưa vào vận hành tháng 12/2008 cung cấp 48 tỉ kWh, kịp thời góp phần hạn chế thiếu hụt về điện năng cho cả nước, tổng doanh thu đạt hơn 72.000 tỉ đồng.
Nhà máy Đạm Cà Mau (Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC) với công suất thiết kế 800.000 tấn/năm; sau hơn 2 năm đi vào hoạt động đã cung cấp hơn 1,7 triệu tấn phân đạm cho sản xuất nông nghiệp cả nước, tổng doanh thu đạt hơn 13.800 tỉ đồng. Đặc biệt dự án này có giá trị quyết toán là 700 triệu USD, thấp hơn 200 triệu USD so với kế hoạch xây dựng ban đầu.
Các sản phẩm của Cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã góp phần phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Cà Mau nói riêng và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
NangluongVietnam.vn