RSS Feed for Tính toán giá mua điện từ các dự án khí hóa chất thải rắn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 09:12
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tính toán giá mua điện từ các dự án khí hóa chất thải rắn

 - Trong buổi tiếp ông Sebastian Rose - Giám đốc quản lý bán hàng cấp cao của Công ty Intec (Liên bang Đức), ngày 11/6/2018, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét tính toán giá bán điện cho các dự án sử dụng công nghệ khí hóa chất thải rắn phát điện và các công nghệ xử lý chất thải rắn phát điện khác.

Tái chế gas thừa để sản xuất điện
Chính thức cấm sử dụng công nghệ nhiệt điện hiệu suất thấp

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Giám đốc quản lý bán hàng cấp cao của công ty Intec Sebastian Rose - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, tại buổi tiếp này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng nghe trình bày chi tiết về công nghệ khí hoá chất thải rắn phát điện của Intec.

Nguyên lý hoạt động của công nghệ này là hỗn hợp rác sau khi được phân loại tách các chất vô cơ và kim loại, phần hữu cơ còn lại tiếp tục được tuyển chọn, sấy khô sau đó qua quá trình cracking chuyển thành khí, khí được dẫn qua hệ thống làm sạch, quay động cơ phát điện.

Hiệu suất chuyển đổi năng lượng khoảng 1,2-1,5 MW/tấn rác nguyên liệu, tiêu hao năng lượng tự dùng thấp. Tỷ lệ sử dụng đất khoảng 6 ha/1.000 tấn rác.

Ưu điểm của công nghệ khí hóa là xử lý được nhiều loại rác bao gồm cả rác thải đã phân loại và chưa phân loại gồm rác thải sinh hoạt, rác thải phụ phẩm nông nghiệp, rác thải y tế, chất thải nguy hại, rác thải công nghiệp (nhựa, nylon, PVC, dầu mỡ thải, cao su, phế liệu từ gỗ, giấy), bùn thải nhà máy xử lý nước thải…

Theo phân tích, công nghệ này thích hợp với đặc tính chưa được phân loại tại nguồn của rác thải tại Việt Nam (độ ẩm cao, thường lẫn nhiều tạp chất vô cơ không cháy). Toàn bộ quá trình sản xuất hoàn toàn khép kín, độ ồn < 59 dBA, không phát sinh dioxin, furan, chất độc hại và nước thải ra môi trường, tỷ lệ chôn lấp <5%. Tuy nhiên, công nghệ này cần được thử nghiệm, đánh giá hiệu quả trước khi áp dụng thực tế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh ý tưởng, đề xuất đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ khí hoá chất thải rắn phát điện. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam hiện đang rất cần các công nghệ xử lý rác hiện đại, phù hợp để bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, phần lớn công nghệ hiện đại đều rất tốn kém, chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cùng với đó, những công nghệ xử lý rác thải hiện đại không thực sự phù hợp với Việt Nam khi yêu cầu nguồn rác thải phải được phân loại cụ thể.

"Quan điểm lựa chọn công nghệ xử lý rác của Việt Nam, trước hết phải bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường, đồng thời phải rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế" - Phó Thủ tướng khẳng định.

Hiện nay, rác thải tại Việt Nam cơ bản là xử lý theo hình thức chôn lấp, do đó rất nguy hại cho môi trường. Trong khi đó, việc thử nghiệm các công nghệ khác theo mô hình của nhiều nước trên thế giới cũng không thành công do đặc thù nguồn rác không được phân loại của Việt Nam. Một nguyên nhân khác là do các công nghệ hiện đại này thường có chi phí rất cao.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thẩm định, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật công nghệ khí hóa chất thải rắn phát điện của Intec.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét tính toán giá bán điện cho các dự án sử dụng công nghệ khí hóa chất thải rắn phát điện và các công nghệ xử lý chất thải rắn phát điện khác.

Về phía doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị cần làm việc cụ thể với các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó xây dựng dự án cụ thể, thí điểm triển khai thực hiện. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý doanh nghiệp nghiên cứu khả năng nội địa hoá dây chuyền, thiết bị để giảm chi phí đầu tư.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động