Tiến hành đánh giá an toàn các hồ, đập thủy điện trên cả nước
00:33 | 15/06/2014
>> Phát triển bền vững thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai
>> Quy trình vận hành liên hồ chứa đảm bảo lợi ích các bên
>> Thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ thủy điện ở nam Trung Bộ
Trong văn bàn này, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá an toàn hồ, đập thủy điện báo cáo Chính phủ.
Việc kiểm tra công tác nghiệm thu chất lượng các công trình xây dựng theo quy định thuộc Nghị định 15/2013 của Chính phủ đã được Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai thực hiện.
Theo tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, số công trình đã được kiểm tra công tác nghiệm thu khoảng 1.300 công trình, trong đó có 37 công trình cấp đặc biệt và cấp 1 đã được Bộ Xây dựng trực tiếp thực hiện. Thông qua việc kiểm tra công tác nghiệm thu đã phát hiện một số tồn tại, sai sót trong công tác khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng và kịp thời có văn bản chấn chỉnh.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiểm tra và nghiệm thu chất lượng 46 công trình trọng điểm, đã tổ chức trên 70 đợt kiểm tra hiện trường; tổ chức nhiều cuộc họp xử lý, giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh. Các công trình có tầm quan trọng quốc gia và mức độ ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng như: Nhà máy Thủy điện Sơn La đã được tổ chức tư vấn độc lập quốc tế đánh giá chất lượng công trình hoàn thành, trước khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chính thức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến nay, cả nước có gần 7.000 công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi; trong đó, không kể các dự án thủy lợi có kết hợp làm nhà máy phát điện, trên cả nước có trên 268 công trình thủy điện đã vận hành khai thác và 205 công trình thủy điện đang thi công xây dựng. Số còn lại là các công trình thủy lợi đã đưa vào vận hành hoặc đang thi công xây dựng.
Kết quả kiểm tra tại các công trình thủy điện lớn (công suất lắp máy trên 30MW), cơ bản chất lượng đảm bảo, an toàn sau khi tích nước. Cá biệt có hiện tượng thấm ở các đập bê tông đầm lăn, động đất kích thích ở Thủy điện Sông Tranh 2. Tại các công trình thủy điện nhỏ (công suất lắp máy từ 30MW trở xuống), các khiếm khuyết xảy ra phần lớn là ở đối tượng công trình này (sự cố điển hình: Vỡ đập khi tích nước tại Thủy điện Iakrel 2, vỡ đập trong thi công tại Thủy điện ĐăcMek 3, vỡ tràn tại Thủy điện Đăk Rông 3, vỡ đường ống áp lực tại Thủy điện Đăm bol - Đạ tẻl…).
Tại các công trình thủy lợi lớn (dung tích hồ trên 3 triệu m3 hoặc đập cao trên 15m), phần lớn là đập đất đồng chất, cơ bản an toàn. Có một số hiện tượng giảm chất lượng như: Nứt, thấm, lún đập; hư hỏng thân tràn. Tuy nhiên mức độ hư hỏng không nặng và không phổ biến. Công trình thủy lợi nhỏ (dung tích hồ từ 3 triệu m3 hoặc đập cao từ 15m trở xuống), cơ bản là đập đất đồng chất, xây dựng cách đây 30-40 năm. Chất lượng và an toàn của đối tượng công trình này có vấn đề, dễ bị tràn và vỡ đập (ví dụ: Vỡ đập gây ngập lụt của hồ chứa Ông Già, đập Đồng Đáng, đập Khe Mơ, đập Vàng Anh, đập Hố Hô …).
Thực hiện Nghị quyết số 62/2013 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và Nghị quyết số 11 ngày 18/02/2014 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch rà soát kiểm tra, đánh giá tổng thể an toàn các hồ đập trong cả nước.
Việc kiểm tra, đánh giá an toàn hồ, đập thủy điện sẽ được Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Chính phủ vào trung tuần tháng 8/2014.
NangluongVietnam.vn