RSS Feed for Người tiêu dùng với tiết kiệm năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 19:46
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Người tiêu dùng với tiết kiệm năng lượng

 - Tiết kiệm năng lượng không chỉ quan trọng đối với môi trường, với hiện tượng biến đổi khí hậu, một vấn đề của toàn thế giới, tới an ninh năng lượng, tới phát triển nền kinh tế của đất nước, là vấn đề thiết thân đối với bản thân người tiêu dùng, trong đó, người tiêu dùng có vai trò hết sức quan trọng.

Cần Thơ tiết kiệm điện: Từ khẩu hiệu tới hành động

ĐỖ GIA PHAN, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Năng lượng và tiết kiệm năng lượng quan trọng là thế đối với người tiêu dùng, ngược lại, người tiêu dùng cũng có vai trò rất quan trọng đối với vấn đề tiết kiệm năng lượng. Vì người tiêu dùng là tất cả mọi người, họ là người tiêu dùng năng lượng và cũng là người trực tiếp thưc hành tiết kiệm năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng chủ yếu là tiết kiệm điện. Tiết kiệm là biện pháp hiệu quả nhất, kinh tế nhất, nhanh nhất để giải quyết vấn đề thiếu điện ở nước ta, giành điện cho phát triển sản xuất, giải quyết những nhu cầu năng lượng cho người tiêu dùng ở những nơi khó khăn. Tiết kiệm năng lượng là biện pháp đơn giản nhất để giảm chi tiêu cho mọi người.

Tổ chức Quốc tế Người tiêu dùng (CI) nhận xét về người tiêu dùng Việt Nam là có nhiều biểu hiện của tiêu dùng lãng phí, và khuyến nghị cần đẩy mạnh cuộc vận động tiêu dùng tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm tiêu dùng năng lượng. Vì vậy CI đã có nhiều dự án nhằm vận động người tiêu dùng nâng cao nhận thức và tích cực tham gia thực hành tiết kiệm năng lượng.

Nhận thức vẫn chưa đầy đủ

Thực tế, ý thức và sự hiểu biết về tiết kiệm năng lượng trong người tiêu dùng nước ta tuy có được nâng cao nhưng chưa đầy đủ và ở mức thấp. Nhiều người tiêu dùng chưa quan tâm đến tiết kiệm năng lượng với ý nghĩa rộng lớn của nó như, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giành năng lượng cho người khác cùng sử dụng. Ngay cả việc tiết kiệm ngân sách cho gia đình, nhiều người cũng không mấy quan tâm vì không phải người nào trong gia đình cũng phải trả tiền điện.

Hiện nay, giá điện đã được điều chỉnh đến múc khá cao và có chế độ giá lũy tiến để khuyến khích tiết kiệm điện, nhưng đối với một số gia đình, nhất là những gia đình khá giả, tiền điện chiếm phần không lớn trong ngân sách gia đình họ, nên biện pháp này cũng không có mấy tác dụng. Phần lớn người tiêu dùng chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm điện trong giờ cao điểm. Đối với các dạng năng lượng khác như xăng dầu, gas, và cả nước sạch nữa, tình hình cũng tương tự. Có những vòi nước chảy chan hòa ngay giữa đường đi lối lại mà nhiều người đi qua cũng không có ai khóa lại. Với nhận thức còn hạn chế, cho đến nay, người tiêu dùng mặc dầu đã có đóng góp cho viêc tiết kiệm năng lượng, nhưng kết quả chưa xứng đáng với tiềm năng của họ.

Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tiết kiệm năng lượng là điều mấu chốt cho việc thưc hành tiết kiệm năng lượng. Cho đến nay, việc vận động tiết kiệm năng lượng tuy đã được triển khai nhưng chưa được thường xuyên và rộng khắp, nhiều nơi, nhiều lúc còn nặng hình thức, thiếu thực chất, số liệu tổng kết báo cáo còn thiếu cụ thể, còn mang nặng tư tưởng thành tích, không có tính thuyết phục. Trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, thiết bị điện tiết kiệm năng lượng được quảng cáo tràn lan với ngững ngôn từ phô trương quá sự thật, làm cho người tiêu dùng dị ứng, không tin. Nhiều thiết bị gọi là tiết kiệm năng lượng được bày bán công khai nhưng thực chất chỉ là trò lừa bịp, hoặc thiết bị dùng để ăn cắp điện chứ không hề có tác dụng tiết kiệm điện. Hành vi phạm pháp, lừa dối người tiêu dùng này cần được ngăn chặn và thông tin kịp thời để giáo dục và bảo vệ người tiêu dùng.

Các cơ quan thông tin đại chúng, công cụ hết sức quan trọng trong cuộc vận động tiết kiệm năng lượng cũng chưa làm thật tốt công việc của mình. Việc giáo dục người tiêu dùng về tiết kiệm năng lượng chưa được các cơ quan này quan tâm đầy đủ. Gần đây có chương trình vận động tiết kiệm điện trên truyền hình, nhưng chưa được thường xuyên, hình thức thì quá đơn điệu, nhàm chán, kém hấp dẫn, nội dung thì nghèo nàn, sơ lược, chưa động được đến trái tim người tiêu dùng nên tác dụng cũng rất hạn chế. Ngay bản thân một số người làm truyền thông, kiến thức về năng lượng cũng còn hạn chế như, không phân biệt được kW và kWh, một loại kiến thức phổ thông mà ai từng học qua phổ thông đều đã học qua.

3 giải pháp hiệu quả

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam luôn coi việc tuyên truyền, giáo dục, vận động người tiêu dùng thực hành tiết kiệm trong tiêu dùng, đặc biệt là tiết kiệm điện là trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Hội đã triển khai nhiều chương trình bảo tồn và tiết kiệm năng lượng, tham gia nhiều dự án trong nước và quốc tế về tiết kiệm năng lượng. Đã tổ chức nhiều cuộc điều tra, nhiều hội thảo tập huấn về tíêt kiệm điện, tham gia nhóm năng lượng của APEC, tham gia nhiều hội thảo quốc tế về năng lượng. Hội đã lập đề án về dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị tiêu dùng điện, và đã tích cực hợp tác với Bộ Công Thương trong việc triển khai dự án này.

Đối với người tiêu dùng, Hội đã mở nhiều lớp tấp huấn cho các hội thành viên ở các tỉnh và thành phố và người tiêu dùng, nhằm nâng cao hiểu biết, xây dựng ý thức về tiết kiệm năng lượng, phổ biến kỹ năng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp và người dân cần chú trọng 3 biện pháp trọng tâm để vận động người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả.

Thứ nhất, tăng cường việc thông tin và giáo dục người tiêu dùng, gắn việc giáo dục về tiết kiệm năng lượng với vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Tiết kiệm năng lượng chủ yếu là tiết kiệm điện, nhưng không nên bỏ qua các dạng năng lượng khác. Giáo dục về môi trường cần khai thác ý thức trách nhiệm với xã hội gắn liền với quyền lợi gia đình và cá nhân. Cần tạo ra dư luận xã hội để mọi người thấy và có ý thức bảo vệ môi trường, là người có văn hóa, biết tự trọng, qua đó tạo ra thói quen cư xử thân thiện với môi trường, như không vứt rác, tiêu dùng năng lượng tiết kiệm. Không nên tuyên truyền, giáo dục quá thiên về khía cạnh kinh tế trong tiết kiệm năng lượng như trên đã phân tích. Việc tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng về tiết kiệm năng lượng cần làm thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi, trên tất cả các phương tiện thông tin, kể cả trên các mạng xã hội.

Thứ hai, việc thông tin quảng cáo về các thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm cần chính xác, tin cậy, phù hợp với thực tế. Ví dụ đèn compact tiết kiệm điện thực chất không có tuổi thọ dài như quảng cáo thì không nên giới thiệu theo tuổi thọ lý thuyết để tránh mất lòng tin của người tiêu dùng. Mặt khác, các nhà sản xuất cũng cần cải tiến chất lượng sản phẩm của mình để phù hợp với nội dung quảng cáo. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến nhất như truyền hình, phát thanh… cần có chuyên mục định kỳ thường xuyên về hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cần nhấn mạnh tiết kiệm không có nghĩa là không dùng mà dùng với hiệu quả cao nhất, thỏa mãn nhu cầu với chi phí thấp nhất.

Thứ ba, cần quản lý chặt việc buôn bán và kiên quyết tịch thu các loại thiết bị gọi là thiết bị tiết kiệm, mà thực chất là ăn cắp điện, cần nhanh chóng triển khai việc tính tiền điện theo giờ cao điểm và thấp điểm trong khu vực dân cư để góp phần chống quá tải trong giờ cao điểm. Gần đây, nhiều vụ tai nạn về điện và nhất là cháy nổ do điện đã gây nên cái chết thương tâm cho nhiều người. Đây là những tai nạn có thể phòng tránh được nếu có ý thức và kỹ năng sử dụng điện an toàn. Vì vậy, đi đôi với việc tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng, cần kết hợp giáo dục về kiến thức và kỹ năng an toàn sử dụng điện, đặc biệt cần giáo dục về phòng cháy nổ do điện.

Một số hiểu biết cần thiết cho người tiêu dùng

Lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện. Các thiết bị điện, thế hệ càng mới khả năng tiết kiệm điện càng cao. Khi chọn lựa thiết bị điện quay, nên chọn động cơ có công suất thích hợp. Với bóng đèn, nên sử dụng đèn ống gầy và đèn compact thay cho bóng đèn tròn, vì với độ sáng như nhau, bóng đèn tròn tiêu thụ điện gấp 3-4 lần.

Thiết kế nhà ở, lắp đặt thiết bị hợp lý, khoa học. Biện pháp này cũng góp phần tiết kiệm điện rất lớn. Ví dụ: Máy bơm đặt ở vị trí thích hợp sẽ giúp bơm nước nhanh đầy hơn. Nên thiết kế, bố trí nhà ở để có thể tận dụng được năng lượng tự nhiên, như bố trí cửa sổ thoáng mát để tận dụng ánh sáng mặt trời và ít phải dùng thiết bị làm mát, nếu có thể nên dùng bình đun nước nóng dùng năng lượng mặt trời thay vì dùng bình nước nóng đun bằng điện, ga…

Trong nhà nên quét vôi hoặc sơn tường bằng màu sáng, tận dụng chóa đèn thích hợp, thường xuyên vệ sinh bóng đèn để tăng độ chiếu sáng…

Xây dựng thói quen sử dụng hợp lý đồ điện trong gia đình. Xây dựng thói quan tắt đèn, quạt… trước khi ra khỏi phòng, tắt thiết bị điện khi chưa dùng đến… xây dựng cho mọi người trong gia đình thói quen sử dụng  hợp lý các thiết bị điện.

Tủ lạnh: Hạn chế mở tủ để đỡ tốn điện. Nhiệt độ bên trong tủ lạnh nên để ở chế độ từ 3 - 6 độ C. Với chế độ đông lạnh thì để - 15 độ C đến -18 độ C. Cứ lạnh hơn 10 độ C là tốn thêm 25% điện năng. Nên thường xuyên kiểm tra gioăng cao su, nếu bị hở thì bộ phận nén khí của tủ lạnh sẽ phải làm việc nhiều nên rất tốn điện.

Máy điều hòa nhiệt độ: Hãy đặt nhiệt độ điều hòa ở mức trên 25 độ C. Cứ đặt cao hơn 1 độ C thì sẽ tiết kiệm được 10% điện năng. Thường xuyên lau chùi bộ phận lọc thì sẽ tiết kiệm được từ 5 - 7% điện năng. Nếu đặt máy xa tường sẽ tiết kiệm được khoảng 20 - 25% điện năng. Nên tắt máy điều hòa nếu vắng nhà 1 giờ trở lên.

Quạt: Nên cho quạt chạy ở tốc độ thích hợp để tiết kiệm điện, vì quạt càng chạy nhanh càng tốn điện. Nhớ rút phích cắm quạt sau mỗi lần sử dụng.

Máy tính: Màn hình máy tính có độ sáng càng cao, màu càng đậm thì càng tốn điện. Nên tắt máy tính nếu như không có ý định dùng trong vòng 15 phút. Hãy chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính để vừa bảo vệ được máy, vừa giảm được lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian tạm dừng sử dụng máy.

Bàn là: Không dùng bàn là trong phòng có bật máy điều hoà nhiệt độ hoặc là quần áo còn ướt. Lau sạch bề mặt kim loại của bàn là sẽ giúp bàn là hoạt động có hiệu quả hơn. Sau khi tắt điện, còn có thể là được một bộ quần áo nữa vì nhiệt độ của bàn là giảm chậm.

Máy giặt: Chỉ dùng máy giặt khi có đủ lượng quần áo để giặt và chỉ dùng chế độ giặt nước nóng khi thật cần thiết.

Lò vi sóng: Không bật lò vi sóng trong phòng có điều hoà nhiệt độ, không đặt gần các đồ điện khác để khỏi ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các đồ điện này.

Ti vi: Không nên để màn hình ở chế dộ sáng quá để đỡ tốn điện. Không nên tắt ti vi bằng điều khiển từ xa mà nên tắt bằng cách ấn nút ở máy. Không xem ti vi khi đang nối với đầu video. Nên chọn kích cỡ ti vi phù hợp với diện tích nhà vì ti vi càng to càng tốn điện.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động