RSS Feed for Giải quyết vấn đề tro, xỉ nhiệt điện than ở ĐBSCL | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 12:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải quyết vấn đề tro, xỉ nhiệt điện than ở ĐBSCL

 - Ngày 3/10/2017, tại Thành phố Cần Thơ, Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp tổ chức hội thảo sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì hội thảo.

Bộ TNMT thông tin về tro, xỉ than nhiệt điện
Phát triển bền vững cho hiện tại và tương lai!

Báo cáo tham luận của Bộ Xây dựng tại hội thảo cho biết, ở khu vực ĐBSCL hiện có 3 cụm nhiệt điện chính thức sử dụng công nghệ đốt than phun (PC) - đó là Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), Nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng) và Nhiệt điện Sông Hậu (Hậu Giang). Trong đó, Nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3 đã vận hành từ năm 2016, với tổng công suất 1.445MW, mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ.

Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 và 2, Sông Hậu 1 và 2. Riêng Nhà máy Duyên Hải 3 (mở rộng) sẽ được nâng công suất lên 5.505MW. Mỗi năm các nhà máy này tiêu thụ khoảng 16,52 triệu tấn than và thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao. Còn từ sau năm 2020 - 2030 sẽ có thêm 9 nhà máy hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 54,68 triệu tấn than và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.

Với lượng tro, xỉ, thạch cao này, theo Bộ Xây dựng, chúng ta phải dành quỹ đất rất lớn để làm bãi chứa và nguy cơ nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế. Do đó, cơ quan này cho rằng việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao là yêu cầu hiện hữu cấp thiết.

Theo tính toán của Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện chi phí làm bãi chôn lấp (bao gồm bờ bao, san ủi…) ước tính khoảng 1 triệu đồng/m2, còn chi phí xử lý tro, xỉ và vận hành bãi chôn khoảng 120.000 đồng/tấn chất thải. Như vậy, với lượng thải hàng chục triệu tấn nêu trên thì chi phí đầu tư có thể lên đến cả nghìn tỉ đồng mỗi năm. Đó là chưa tính tới các hệ lụy về môi trường, xã hội tại khu vực.

Do vậy, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, cần định hướng phát triển xử lý, sử dụng tro, xỉ nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng được xây dựng theo 2 hướng: Thứ nhất, những loại tro, xỉ có hàm lượng than chưa cháy thấp sẽ sử dụng làm phụ gia cho xi măng, bê tông cốt thép. Thứ hai, những loại tro, xỉ có hàm lượng than chưa cháy lớn sẽ xử lý giảm than chưa cháy để sử dụng cho xi măng, bê tông hoặc không xử lý để sử dụng cho sản xuất bê tông không cốt thép, gạch nung, gạch không nung, san lấp.

Nếu vấn đề trên được giải quyết, sẽ làm giảm áp lực cho các nhà máy nhiệt điện về vấn đề bãi chứa, công chôn lấp các chất thải xỉ, tro, thạch cao. Đồng thời tạo ra nguồn vật liệu dồi dào để sản xuất vật liệu xây dựng.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động