RSS Feed for Ứng dụng khoa học công nghệ tại Truyền tải điện Phú Yên | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 05:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ứng dụng khoa học công nghệ tại Truyền tải điện Phú Yên

 - Trong thời gian qua, Truyền tải điện Phú Yên (Công ty Truyền tải điện 3 - PTC3) đã triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, đưa trang thiết bị hiện đại vào công tác quản lý vận hành nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý, vận hành lưới điện


Ứng dụng AI để giám sát hành lang lưới điện truyền tải

Lưới truyền tải điện do PTC3 quản lý trải dài khắp 9 tỉnh Nam miền Trung - Tây Nguyên, địa hình phức tạp, khí hậu đặc thù vùng miền, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sự cố do cháy dưới hành lang tuyến vào mùa khô. Trước đây, PTC3 đã đề ra nhiều giải pháp để ngăn ngừa cháy, phòng cháy dưới hành lang như: Công tác tuyên truyền vận động người dân, cử công nhân canh gác những ví trí có nguy cơ cháy cao… Một trong những giải pháp tích cực đó là lắp camera theo dõi tại những vị trí xung yếu, có nguy cơ cháy cao, tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp chưa mang tính chủ động cao, bởi lẽ việc phát hiện đám cháy phải thông qua hệ thống giám sát từ màn hình giám sát bằng mắt thường.

Hình ảnh demo camera Al nhận biết khói đám cháy gần hành lang đường dây.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác nhận dạng và tự động báo cháy giúp giám sát một phạm vi rộng, hoạt động liên tục 24/7, tự động cảnh báo tín hiệu về điện thoại di động thông minh để người vận hành biết, thay thế cho các camera giám sát thông thường đòi hỏi phải thường xuyên theo dõi màn hình 24/7 để phát hiện bất thường. Xác định giải pháp công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo, có những tính năng vượt trội giúp công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải chủ động trong việc phòng chống cháy, PTC3 đã giao cho Phòng Kỹ thuật Công ty và Truyền tải điện Phú Yên nghiên cứu ứng dụng camera AI nhận dạng, cảnh báo cháy 3 bộ tại các vị trí xung yếu thường xuyên xảy ra hỏa hoạn dọc các tuyến đường dây 220 kV trên địa bàn tỉnh.

Với đặc thù lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Phú Yên đi qua nhiều khu vực bị chia cắt, công nhân kiểm tra định kỳ lưới điện phải di chuyển rất xa, mất nhiều thời gian và sức lực. Đường dây đi qua nhiều vùng đồi núi, nương rẫy, nhiều vùng canh tác mía của người dân địa phương, nền nhiệt cao vào mùa hè, do vậy việc sửa dụng camera AI cho công tác phòng cháy hành lang tuyến là hết sức cần thiết.

Sau khi lắp đặt và theo dõi với camera AI làm việc trong bán kính khoảng 300 m cho thấy, camera AI nhận diện chính xác các đám cháy, khói xảy ra với độ tin cậy đáp ứng yêu cầu, gửi tín hiệu cảnh báo bằng các tin nhắn, âm thanh, hình ảnh xác thực giúp người vận hành chủ động hơn trong việc phát hiện sớm các đám cháy dưới hành lang đường dây, đặc biệt là vào ban đêm bằng tín hiệu âm thanh cảnh báo trên điện thoại di động, từ đó đơn vị quản lý vận hành phối hợp với các đơn vị liên quan có giải pháp xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa sự cố có thể xảy ra…

Sau khi thử nghiệm thành công, các camera AI đã và đang được PTC3 lắp đặt để thực hiện nhiệm vụ cảnh bảo cháy. PTC3 đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng AI flatform để theo dõi giám sát, phụ kiện, thiết bị trên các đường dây truyền tải và giám sát phương tiên vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Công nghệ xử lý bề mặt dây dẫn - giảm tổn thất điện năng truyền tải

Xuất phát từ yêu cầu thực tế phải xử lý trường hợp dây dẫn điện đường dây 220 kV Tuy Hòa - Nha Trang có tổn thất điện năng tăng cao bất thường. Nguyên nhân do đặc tính đặc thù đường dây 220 kV Tuy Hòa - Nha Trang đi qua địa hình và môi trường ven biển và ven quốc lộ 1A sau thời gian vận hành dây dẫn bị bám nhiều bụi, đất làm cho bề mặt dây dẫn gồ ghề phát sinh ra vầng quang gây tổn thất tăng cao.

Việc vệ sinh dây dẫn bằng thủ công do công nhân phải đi ra dây để vệ sinh không tối ưu vì mất nhiều thời gian, tốn nhiều nhân lực và gây nguy cơ mất an toàn cho con người, cũng như hạn chế trong thời gian cắt điện. Mặt khác, phương án hạ dây dẫn xuống để thi công cũng được tính đến nhưng rất phức tạp vì ở nhiều cung đoạn đường dây giao chéo với đường bộ và các công trình điện khác phải đền bù giải phóng mặt bằng, cũng như thời gian cắt điện nên phương án này không khả thi. Để giải quyết vấn đề trên, Công ty Truyền tải điện 3 đã giao nhiệm vụ cho Truyền tải điện Phú Yên thực hiện nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị để vệ sinh bề mặt dây dẫn.

Kiểm tra tính năng của thiết bị vệ sinh dây dẫn tại hiện trường. (Ảnh chụp tháng 5/2021).

Truyền tải điện Phú Yên đã nghiên cứu, chế tạo và đưa vào thử nghiệm thành công thiết bị vệ sinh bề mặt dây dẫn, sau một số lần thử nghiệm và hiệu chỉnh, ngày 22/6/2021, Truyền tải điện Phú Yên đã đưa vào vận hành thử nghiệm máy xử lý bề mặt dây dẫn trên đường dây 220 kV Tuy Hòa - Nha Trang. Đây là thiết bị công nghệ ứng dụng trong việc vệ sinh, xử lý bề mặt dây dẫn dẫn điện cao áp lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Ông Trần Đình Thọ, Phó giám đốc Truyền tải điện Phú Yên cho biết: “Thiết bị xử lý bề mặt dây dẫn với trọng lượng nhẹ, dễ thao tác lắp đặt, điều khiển Wifi (3G, 4G) trên smartphone, có khả năng di chuyển tiến, lùi; cảm biến di chuyển chậm và vượt qua được các chướng ngại vật như tạ chống rung, ống nối, ống vá và có thể làm việc trên các loại dây dẫn ACSR 185-550 mm2 (đánh sạch lớp tạp chất bám dính trên bề mặt, không ảnh hưởng đến phần nhôm của dây dẫn). Kết quả sau khi thực hiện, dây dẫn được làm sạch lớp bụi, đất bám chặt trên bề mặt, làm nhẵn bề mặt dây dẫn. Kết quả sau khi vệ sinh, đã tiến hành đo, kiểm tra lại vầng quang đoạn dây dẫn được xử lý bằng máy Corocam, kết quả số điểm phát vầng quang trên dây dẫn đã giảm xuống đến mức bình thường nên tổn thất đã được giảm xuống. Thiết bị đưa vào sử dụng giúp người công nhân giải quyết công việc hiệu quả, nhanh chóng và an toàn hơn”.

Việc ứng dụng thiết bị công nghệ xử lý bề mặt dây dẫn, camera AI để phân tích hình ảnh từ camera giám sát lưới điện truyền tải là nỗ lực của Truyền tải điện Phú Yên nhằm thực hiện quá trình thông minh hóa công tác quản lý vận hành; phù hợp với quan điểm, định hướng chuyển đổi số của EVNNPT. Việc Truyền tải điện Phú Yên nhanh chóng nắm bắt xu thế, đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động của đơn vị giúp cán bộ, nhân viên kỹ thuật và lãnh đạo đơn vị đưa ra các quyết định chính xác, nhanh chóng, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; qua đó, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động truyền tải.

“Trong tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Phú Yên diễn biến phức tạp, việc di chuyển bị hạn chế, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, việc Truyền tải điện Phú Yên nghiên cứu, ứng dụng các thiết bị thông minh vào công tác truyền tải điện góp phần đảm bảo mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa giúp quản lý vận hành tốt lưới điện” - Ông Tô Đình Trung, Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động