Ứng dụng hạt nhân trong khai thác, chế biến dầu khí bằng công nghệ Việt Nam
14:43 | 14/09/2020
Phát triển chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn: Nhu cầu cần và đủ
Về gói thầu quốc tế: Cửu Long JOC là liên doanh điều hành các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí theo hợp đồng dầu khí Lô 15.1 ngoài khơi Việt Nam, do các bên Việt Nam (PVN, PVEP) và bên nước ngoài (ConocoPhillips, KNOC, SK, Geopetrol) ký kết. Hiện nay Cửu Long JOC đứng vị trí thứ 2 ở Việt Nam về sản lượng và doanh thu xuất khẩu dầu thô (sau Liên doanh Dầu khí Việt Xô).
Sư Tử Trắng là mỏ khí và condenstate lớn của Cửu Long JOC. Với vị trí quan trọng, có liên quan đến nhiều kế hoạch phát triển khí lớn trong tương lai gần, dự án phát triển mỏ Sư Tử Trắng là dấu móc quan trọng được Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam và các đối tác nước ngoài đánh giá như một công trình trọng điểm quốc gia, có ảnh hưởng đến toàn bộ chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam.
Để có cơ sở khoa học cho việc đầu tư phát triển mỏ Sư Tử Trắng, vừa qua, Cửu Long JOC gọi thầu quốc tế gói thầu “Cung cấp nhân lực, công cụ, thiết bị, chất đánh dấu cho việc bơm chất đánh dấu trên mỏ khí condensate Sư Tử Trắng”. Tham dự thầu gói này có cả nhà thầu có tên tuổi trên thế giới. CANTI tham gia dự thầu với tư cách là nhà thầu độc lập sử dụng công nghệ trong nước.
Với bề dày kinh nghiệm, cùng đội ngũ cán bộ có năng lực và làm việc chuyên nghiệp đã tạo nên uy tín, sự tin cậy cho đối tác, sau một thời gian chấm thầu, ngày 22/8 vừa qua, Cửu Long JOC chính thức công bố CANTI trúng thầu và mời thương thảo hợp đồng.
Gói thầu có trị giá không lớn, nhưng nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với CANTI, bởi đơn vị này không thể thua ngay trên sân nhà và nó tiếp tục khẳng định năng lực trên trường quốc tế trong lĩnh vực đánh dấu. Việc ký kết hợp đồng giữa CANTI và Cửu Long JOC là bước phát triển sâu sắc hơn nữa sự hợp tác giữa hai bên.
CANTI cam kết luôn thực hiện đúng hợp đồng, phối hợp với các bên và nhà điều hành cùng hỗ trợ tối đa để dự án đạt kết quả tốt nhất.
Mô hình mỏ Sư Tử Trắng.
Về gói thầu trong nước: Soi gamma (Gamma Scanning) là một công cụ chẩn đoán cho phép kiểm tra tình trạng bên trong tháp mà không bị gián đoạn hoạt động. Kỹ thuật sử dụng một chùm tia gamma chuẩn trực xuyên qua thành tháp. Bằng cách đo đạc cường độ của bức xạ truyền qua tháp, người ta có thể xác định mật độ của vật liệu bên trong tháp. Sử dụng kỹ thuật soi gamma truyền qua, có thể phát hiện được các vấn đề của tháp như: Lệch khay, hư hỏng cơ học, hiện tượng tách nước, ngập khay, kiểm soát mức, tạo bọt, phân phối lỏng hơi chất lỏng, giữ chất lỏng...
Kỹ thuật soi gamma truyền qua, ứng dụng trong chế biến dầu khí, đã được các nước công nghiệp phát triển trên thế giới áp dụng và trở thành một dịch vụ thường xuyên. Bởi nó có ưu điểm là khảo sát không phải dừng sản xuất, thời gian khảo sát nhanh, cho kết quả chính xác và giá thành không cao.
Biết được lợi thế của phương pháp, ngay từ khi Việt Nam có nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Dung Quất, CANTI đã tập trung nghiên cứu và thiết lập quy trình công nghệ cho kỹ thuật này.
Trong những năm qua, CANTI đã giúp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khắc phục được nhiều sự cố, trong quá trình sản xuất, được các cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật của Nhà máy đánh giá cao về năng lực kỹ thuật cũng như tính chuyên nghiệm của CANTI.
Vừa qua, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, gọi thầu rộng rãi trong nước dịch vụ Soi gamma. Với kinh nghiệm, năng lực về kỹ thuật soi gamma, cùng với cam kết đảm bảo chất lượng và đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhà máy, CANTI đã vượt qua nhà thầu trong nước, ngày 25/8 vừa qua, đơn vị này chính thức được thông báo trúng thầu và tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng. Hợp đồng có thời hạn 1 năm, bất kỳ lúc nào nếu nhà máy có yêu cầu trong vòng 48h CANTI phải có mặt tại nhà máy để thực hiện hợp đồng và sẽ được gia hạn tiếp, nếu trong thời gian thực hiện hợp đồng CANTI đảm bảo chất lượng dịch vụ và đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhà máy.
Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, CANTI đã tiến hành dịch vụ đầu tiên, kiểm tra tình trạng bên trong của một tháp trong nhà máy. Mặc dù, yêu cầu triển khai gấp, gặp tình huống khó, nhưng với bản lĩnh của những người làm công tác nghiên cứu vừa triển khai dịch vụ, đội ngũ cán bộ khoa học của CANTI đã tìm ra nguyên nhân trục trặc kỹ thuật của tháp.
Kết quả khảo sát đã hoàn toàn thuyết phục các cán bộ kỹ thuật nhà máy, trong đó có cả chuyên gia người nước ngoài, góp phần giúp Nhà máy khắc phục, duy trì hiệu quả trong sản xuất./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM