RSS Feed for Tổng công ty Điện lực miền Nam: Một năm vượt khó thành công | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 00:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng công ty Điện lực miền Nam: Một năm vượt khó thành công

 - Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn trong năm 2021 nhưng đã hết sức nỗ lực vượt khó, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam.
Tổng công ty Điện lực miền Nam: Năm mới, kỳ vọng mới Tổng công ty Điện lực miền Nam: Năm mới, kỳ vọng mới

Phát huy những thành tích xuất sắc đạt được trong năm 2018, bước sang năm 2019, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn, về áp lực giải phóng công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo, nhưng được sự chỉ đạo sâu sát từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cùng với truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn thử thách của tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã có cuộc bứt phá ngoạn mục, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đảm bảo cấp điện ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.


Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và dai dẳng ở các tỉnh thành phía Nam làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng của EVNSPC. Nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch đã làm nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế đứt gãy. Để cùng cả nước chống dịch, EVNSPC đã thực hiện 5 đợt giảm tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Số tiền giảm lên đến 1.203 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến cân đối tài chính của Tổng công ty. EVNSPC luôn đảm bảo cung cấp điện cho 326 cơ sở, các điểm cách ly tập trung, 416 cơ sở y tế, bệnh viện điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và 1.204 trạm, chốt kiểm soát dịch.

Tổng công ty xác định nhiệm vụ hỗ trợ phòng chống dịch bệnh không đơn giản là công tác sản xuất, kinh doanh mà là ý thức trách nhiệm xã hội sự tận tâm và hy sinh của người lao động ngành điện cùng toàn miền Nam vượt qua những ngày gian khó. Toàn bộ CBCNV đã được tiêm chủng Covid-19 đủ 2 mũi (99,87%), trong đó nhóm lao động tiếp xúc trực tiếp với khách hàng đã được ưu tiên. Các CBCNV cũng được hướng dẫn phòng bệnh, thực hiện nghiêm túc các quy định về cách ly giữa các khâu trực điều độ, vận hành hệ thống điện và các khâu phải tiếp xúc với bên ngoài. Tổng công ty đã lên kịch bản phương án thay thế lực lượng khi cần thiết phải cách ly, phong tỏa.

Năm 2021, EVNSPC mua điện với tổng sản lượng là 79,666 tỷ kWh. Lượng điện thương phẩm của Tổng công ty đạt 76 tỷ 434 triệu kWh, tăng 1,32% so với thực hiện năm 2020. Các số liệu được tóm tắt trong bảng sau:

Chỉ tiêu, chỉ số

Đơn vị

Số lượng

Tăng, giảm so với 2020

Điện mua của EVN

tỷ kWh

66,420

-4,79%

Điện mua trên thị trường điện

tỷ kWh

6,574

-19,6%

Điện mặt trời mái nhà khách hàng

tỷ kWh

6,672

1.067,5%

Điện mua từ các nhà máy <30MW

tỷ kWh

1,369

17,83%

Sản lượng ngày lớn nhất

triệu kWh

248,05

17,83%

Công suất lớn nhất (17/05/21)

GW

13,690

14,17%

Sản xuất điện

triệu kWh

74,5

0,14%

Tổn thất điện năng

%

3,86%

-0.03%

So với năm 2020 đã có sự dịch chuyển về cơ cấu điện thương phẩm như sau: Tỷ trọng thành phần điện công nghiệp xây dựng, khách sạn - nhà hàng giảm trong khi tỷ trọng các thành phần khác như nông lâm thủy, quản lý tiêu dùng lại tăng nhẹ. Việc dịch chuyển cơ cấu điện thương phẩm thể hiện tác động của giãn cách xã hội chống Covid-19, trong đó các cơ sở sản xuất phải tạm ngừng, ngành du lịch và dịch vụ gần như không hoạt động.

Công tác điều hành hệ thống điện trong năm 2021 phải vượt qua nhiều biến động của hệ thống điện quốc gia nói chung và của EVNSPC nói riêng. Phụ tải diễn biến thất thường, phức tạp, sai lệch so với dự báo. Nhu cầu sử dụng điện có lúc giảm mạnh. Trong khi đó tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) tăng cao, có thời điểm lên tới 60% nhu cầu phụ tải, gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn”, đặc biệt là vào các ngày lễ và cuối tuần tại một số thời điểm nắng nóng mùa hè.

EVNSPC đã đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện, thực hiện nghiêm túc các quy định về vận hành trong hệ thống điện, vận hành tối ưu trong thời gian thực đối với các nguồn điện năng lượng tái tạo trong trường hợp phụ tải giảm thấp hoặc quá tải lưới điện khu vực. Mặc dù có những thất thường của phụ tải và nguồn, Tổng công ty đã thực hiện tốt công tác mua điện và tham gia thị trường điện.

Trong năm 2021, công tác dịch vụ khách hàng tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, áp dụng các quy trình kinh doanh mới, giảm thời gian tiếp cận điện năng theo chỉ đạo của Tập đoàn. Tổng công ty đã nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ điện, tạo thuận lợi cho khách hàng. Tỷ lệ thu tiền điện không dùng tiền mặt đạt 93,5% (cao hơn 13,5% so với kế hoạch EVN giao) với các phương thức thanh toán đa dạng như chuyển khoản, ví điện tử, QR code, Mobile Money.

Tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện và các hồ sơ theo phương thức điện tử ở EVNSPC đạt 97,31%. Năm 2021 đã có 273.029 yêu cầu cung cấp dịch vụ được thực hiện qua Cổng Dịch vụ Quốc gia. Thời gian thủ tục cấp điện lưới trung áp giảm còn trung bình 2,87 ngày. Thời gian thủ tục cấp điện qua lưới hạ áp cho khách hàng sinh hoạt khu vực đô thị còn 2,46 ngày, khu vực nông thôn là 3,08 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 3,18 ngày.

Thu tiền điện trong năm 2021 gặp những thách thức chưa từng có do những khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra. Các điểm thu tiền điện, điểm nạp tiền vào tài khoản để thanh toán trực tuyến cũng bị yêu cầu ngưng/hạn chế hoạt động nên người dân gặp khó khăn trong thanh toán. Doanh nghiệp cũng không còn tiền vì nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được quy định “3 tại chỗ” hoặc “2 địa điểm - 1 cung đường” nên phải ngưng sản xuất, không có doanh thu để trả lương và thanh toán tiền điện.

Nhờ đa dạng hóa các phương pháp thu tiền điện, Tổng công ty đã vượt qua khó khăn, đảm bảo doanh thu năm 2021 đạt 137,65 ngàn tỷ đồng, tăng 3,36% so với năm 2020. Giá bán điện bình quân đạt 1.800,93 đ/kWh, cao hơn năm 2020 và cao hơn giá dự kiến của Tập đoàn. Kết quả SXKD toàn EVNSPC lãi vượt kế hoạch so với Tập đoàn giao. Tổng công ty luôn bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

Công tác đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn trong năm cũng gặp nhiều khó khăn. Các khó khăn là thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn, giá vật tư, vật liệu tăng so với dự toán... Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam đã tạo ra các khó khăn mới trong triển khai các thủ tục đầu tư, công tác cung cấp vật tư thiết bị và thi công trên công trường do phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Tổng công ty Điện lực miền Nam và các đơn vị đã nỗ lực vượt bậc, đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công tác đầu tư xây dựng.

Trong năm 2021, Tổng công ty ước thực hiện được 7,732 tỷ đồng kế hoạch đầu tư xây dựng, đạt 113,8% kế hoạch EVN dự kiến điều chỉnh, hoàn thành đóng điện 20 công trình lưới điện 110 kV và 397 công trình lưới điện trung, hạ thế. Đó là 90 km đường dây 110 kV xây mới, 515 MVA công suất tăng thêm của trạm 110 kV, 444 km đường dây 22 kV xây mới, 732 km đường dây 22 kV cải tạo và hàng ngàn km đường dây hạ thế mới hay cải tạo. Các thành quả trong công tác đầu tư xây dựng đã đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện của các địa phương phục vụ khách hàng và giải phóng nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả.

Lưới điện được mở rộng thêm để hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo. Đặc biệt, 2.500 hộ dân ở vùng lõm thuộc các tỉnh Tây Nam Bộ chưa có điện nay đã được cung cấp điện.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới các kế hoạch triển khai ứng dụng CMCN 4.0, Tổng công ty đã tích cực sáng tạo xây dựng và đã có sản phẩm được triển khai áp dụng. Công ty Công nghệ Thông tin đã hoàn thành nghiên cứu và đưa vào ứng dụng giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để phân loại các bài viết và nhận diện khuôn mặt để ứng dụng vào chương trình Giám sát an toàn. Trung tâm Điều hành SCADA đã hoàn thành giải pháp thực hiện đồng bộ dữ liệu thông tin thiết bị đóng cắt về server OMS, chu kỳ 5 phút/lần.

Tổng công ty tổ chức thực hiện hoàn thành 100% các nhiệm vụ triển khai Chủ đề năm 2021 “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” của EVN giao. Các nghiệp vụ được triển khai mạnh mẽ trên nền tảng di động trong toàn Tổng công ty bao gồm: Digital Office, BI-EVNSPC; EVNSPC Home; Kiểm tra chất lượng điện năng; Kiểm tra lưới điện; Quản lý an toàn; Ứng dụng Nhánh rẽ khách hàng để cảnh báo mất điện phục vụ sửa chữa điện; App CSKH; App khảo sát chiết tính… Các ứng dụng đã mang lại hiệu quả tốt trong cải tiến nghiệp vụ, nâng cao trải nghiệm cho người dùng là CBCNV cũng như khách hàng sử dụng điện.

Năm 2022 sẽ là năm đầu tiên hồi phục sau làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 của cả nước. Tổng công ty vẫn xác định năm 2022 sẽ vận hành trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp cả trong nước và quốc tế. Kỳ vọng sản xuất công nghiệp và các hoạt động khác của nền kinh tế sẽ dần hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2022.

Dự báo nhu cầu điện tăng trưởng không cao trong khi nguồn NLTT chiếm tỷ trọng lớn. Tăng trưởng điện thương phẩm của EVNSPC sẽ ở mức thấp từ 1 - 3% ở các tháng đầu năm và cao hơn ở mức từ 5 - 8% trong các tháng cuối năm. Mức tăng trưởng cả năm từ 5 - 7%. Cân đối tài chính của Tổng công ty chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào biến động khó dự báo.

Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam đặt ra mục tiêu tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phòng chống dịch Covid- 19; Đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án theo đúng tiến độ được duyệt; Thực hiện các nhiệm vụ được giao để vận hành thị trường điện theo lộ trình được Tập đoàn chỉ đạo và phê duyệt; Nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, năng suất lao động và đảm bảo an toàn lao động; Đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn; Tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đặc biệt là đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty Điện lực miền Nam./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động