RSS Feed for Tổng công ty Điện lực miền Bắc ‘Online’ cùng ‘thượng đế’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 21:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng công ty Điện lực miền Bắc ‘Online’ cùng ‘thượng đế’

 - Nhân dịp chuẩn bị chào đón Xuân mới Canh Tý - 2020, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung phỏng vấn Nữ Tổng giám đốc (đầu tiên) của Tổng công ty Điện lực miền Bắc - Đỗ Nguyệt Ánh về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh 2019 và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 2020.

Điện ‘đi trước một bước’ trong thách thức


Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Lời đầu tiên, xin cảm ơn bà đã ưu tiên cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam cuộc phỏng vấn nhân dịp kết thúc (năm đầu tiên) trên cương vị Tổng giám đốc. Trước hết, xin bà cho biết cảm nhận của mình sau một năm trên cương vị Tổng giám đốc của EVNNPC?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: 2019 là năm đầu tiên tôi được giao làm Tổng giám đốc, cũng là năm Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tròn nửa thế kỷ được giao nhiệm vụ cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc. Đồng thời, 2019 cũng là năm đầu tiên EVNNPC hoạt động và được hoàn thiện theo mô hình tổ chức: Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, và Kiểm soát viên theo Luật doanh nghiệp. Sau khoảng 1 năm đi vào hoạt động đã chứng minh rằng: Mô hình này đã phát huy được sức mạnh tập thể, trí tuệ của từng cá nhân Hội đồng Thành viên và Ban Tổng giám đốc trong quản lý, chỉ đạo và điều hành, tách bạch rõ vai trò quản lý, giám sát của Hội đồng Thành viên với vai trò điều hành của Tổng giám đốc.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc trả lời phỏng vấn báo chí.  


Ngành Điện lực Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019 trong điều kiện còn nhiều khó khăn, trong đó, EVNNPC đã có những đóng góp không nhỏ. Xin bà cho biết những con số cụ thể?

Bà Đỗ Nguyệt ÁnhNăm 2019, cũng giống như các đơn vị khác của EVN, hệ thống lưới điện của EVNNPC phải chịu nhiều diễn biến bất lợi và đột biến của thời tiết như những đợt nắng nóng cực đoan của mùa hè; mưa, bão lớn gây sạt lở, ngập lụt đã làm thiệt hại nặng nề cho lưới điện 110kV và lưới điện trung, hạ thế, làm gián đoạn cung cấp điện tại một số tỉnh. Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của EVN và sự nỗ lực của các đơn vị, chúng tôi đã chủ động hóa giải các hậu quả của thiên tai, thực hiện tốt việc đảm bảo cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Đến nay, EVNNPC đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% số xã; cấp điện cho 98,73% số hộ nông thôn miền Bắc. Sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đã tăng thêm 5,76 tỷ kWh, đã đạt mức hơn 70 tỷ kWh. Năng suất lao động năm 2019 tính theo điện thương phẩm đạt 2,94 triệu kWh/người/năm, tính theo số khách hàng đạt 434 khách hàng/người/năm, đạt 102,5% kế hoạch EVN giao.

Sản lượng điện bán ra của EVNNPC trong năm 2019 đã tăng 8,96% so với năm 2018, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP bình quân cả nước. Như vậy, công tác dịch vụ khách hàng đòi hỏi phải được cải thiện, thưa bà?

Bà Đỗ Nguyệt ÁnhĐúng vậy, trong năm 2019, toàn bộ 14 chỉ tiêu dịch vụ khách hàng của EVNNPC đều đạt so với quy định. Điểm đánh giá độ hài lòng khách hàng đạt 8,08 điểm, tăng 0,07 điểm so với năm 2018 và cao hơn 0,07 điểm so với kế hoạch EVN giao.

Trong năm 2019, chúng tôi đã giải quyết cấp điện cho 2.387 khách hàng trung áp, thời gian thực hiện các thủ tục trung bình là 5,48 ngày, giảm 0,52 ngày so với kế hoạch (6 ngày) của Tổng công ty và giảm 1,52 ngày so với quy định của EVN.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tích cực triển khai và hoàn thiện hàng loạt các giải pháp trong mua - bán điện theo hướng áp dụng công nghệ số. Cụ thể, Tổng công ty đã áp dụng việc thông báo tiền điện qua Zalo cho khoảng 2,2 triệu khách hàng, tiết kiệm được 6,37 tỷ đồng chi phí nhắn tin SMS thông thường.

Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đã đạt 45,86%, vượt 5,86% kế hoạch EVN giao. Trong đó, tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng đạt 15,20%, tỷ lệ thanh toán qua ví điện tử của tổ chức trung gian (Ecpay, Viettel, VNPost, Payoo) đạt 35,66%.

“Chính phủ điện tử” là một trong những nội dung của CMCN 4.0 ở Việt Nam. Thế còn trong EVNNPC thì thế nào, thưa bà?

Bà Đỗ Nguyệt ÁnhNói chung từ trước đến nay, đặc biệt trong thời gian gần đây, ngành điện là một trong số ít ngành kỹ thuật luôn theo kịp (nếu không nói là đi trước) trong lĩnh vực giao dịch điện tử với khách hàng.

Năm 2019, Tổng đài Chăm sóc khách hàng của EVNNPC có xấp xỉ 2 triệu lượt khách hàng “Online”. Trong đó, khoảng 92% cuộc gọi của khách hàng đã được chúng tôi phúc đáp chỉ trong vòng dưới 30 giây, và khoảng 97% các yêu cầu của khách hàng đã được giải quyết. Website Chăm sóc khách hàng của EVNNPC năm 2019 đã đạt khoảng 49 triệu lượt truy cập. Vừa qua, chúng tôi đã nâng website Chăm sóc khách hàng từ cấp “giao dịch” lên cấp “giải quyết”. Theo đó, đã có hơn 6.600 yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận, trong đó có gần 5.000 yêu cầu của khách hàng được giải quyết theo phương thức điện tử (chiếm tỷ lệ 75%).

Ngoài ra, từ tháng 12/2019, EVNNPC đã chính thức cung cấp 3 dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, gồm: Cấp điện mới từ lưới trung áp; cấp điện mới từ lưới hạ áp và thanh toán tiền điện. Điều này giúp khách hàng chuẩn bị hồ sơ, thủ tục và thực hiện các giao dịch nhanh hơn, minh bạch hơn. Đồng thời, qua đó, chúng tôi có thể giám sát quá trình thực hiện, tiếp thu các ý kiến phản hồi và đánh giá kịp thời về các hoạt động cung cấp dịch vụ của ngành điện.

Đồng hành cùng khách hàng là truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam. Xin bà cho biết, trong năm 2019, EVNNPC đã “đồng hành” như thế nào cùng “thượng đế”?

Bà Đỗ Nguyệt ÁnhNhư các bạn biết, về mặt kinh doanh, điện năng là một sản phẩm đặc biệt: Không có “tồn kho”, người dùng điện (phụ tải điện) có ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất điện (nguồn điện). Vì vậy, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả của các “thượng đế” sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư vào nguồn, lưới điện và cũng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành điện.

Ý thức được điều đó, năm 2019, EVNNPC đã trực tiếp làm việc, tham mưu với UBND 27 tỉnh, thành phố về việc tăng cường tiết kiệm điện trên địa bàn, kêu gọi ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong khuôn khổ triển khai các chương trình, lộ trình quốc gia về DR, DSM và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năm 2019 EVNNPC đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả - trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp” với gần 3.300 khách hàng có sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên. Tính đến hết tháng 12/2019, đã có 2.814 khách hàng ký hợp đồng phi thương mại điều chỉnh phụ tải, chiếm 85,45% số khách hàng.

Tổng công ty cũng hợp tác với Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam để tuyên truyền về dịch vụ điện, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả qua hệ thống Bưu điện văn hóa xã, các điểm Bưu cục. Thực hiện thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng tại trụ sở làm việc của các công ty điện lực, các điện lực trực thuộc và các trạm 110kV sang hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn LED.

Ngoài ra, trong năm 2019, đã có 1.250 khách hàng của EVNNPC lắp đặt 15 MWp công suất điện mặt trời trên mái nhà, vượt 200% kế hoạch EVN giao; sản lượng điện mặt trời cả năm đạt 2,7 triệu kWh.

Thực tế cho thấy, nhu cầu điện của nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng nhanh, đòi hỏi ngành điện phải tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống điện. Để đáp ứng yêu cầu khách quan này, xin bà cho biết, trong năm 2019, công tác đầu tư xây dựng đã được EVNNPC đã thực hiện như thế nào? 

Bà Đỗ Nguyệt ÁnhTrong tình hình gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, năm 2019, Tổng công ty đã thực hiện khởi công 71 công trình xây dựng cơ bản (đạt 104% kế hoạch), đóng điện 110kV cho 81 công trình (đạt 106,6% kế hoạch). Trong đó, có nhiều tuyến đường dây tải điện 110kV quan trọng như: Tuyến nối lưới cho nhà máy điện BOT Hải Dương; tuyến Nghi Sơn - Luyện Kim 1; tuyến Nghĩa Lộ - Ba Khe - Cẩm khê; tuyến cấp điện KCN An Dương, v.v...

Ngoài ra, chúng tôi đã triển khai các dự án cải tạo, nâng cao công suất truyền tải các đường dây 110kV, hoàn thành các dự án xuất tuyến sau các trạm biến áp (TBA) 220kV, các đường dây giải tỏa công suất thủy điện v.v... Trong đó, đáng kể là các dự án: Nâng cao năng lực truyền tải tuyến 110kV lộ 172, 173 TBA 220kV Nam Định, xuất tuyến sau TBA 220kV Quỳnh Lưu, Thanh Nghị, Nhiệt điện BOT Hải Dương, Tràng Bạch, Bắc Kạn v.v...

Hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của EVNNPC trong năm tới sẽ chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Vậy, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2020 của Tổng công ty là gì, thưa bà? 

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm 2020, EVN đã yêu cầu EVNNPC phải tiếp tục thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất: Đảm bảo vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định cho khách hàng, đặc biệt là các địa phương có phụ tải cao.

Thứ hai: Tiếp tục cải thiện các chỉ tiêu về quản lý kỹ thuật, vận hành.

Thứ ba: Đẩy mạnh và ứng dụng nhanh hơn nữa công nghệ thông tin, cũng như các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư: Thực hiện phương thức giao dịch điện tử, công khai minh bạch trong công tác dịch vụ khách hàng.

Thứ năm: Đảm bảo thị phần bán điện và chăm sóc khách hàng hiện có.

Thứ sáu: Quản lý dòng tiền hiệu quả, tiết kiệm chi phí trong đầu tư.

Thứ bảy: Thực hiện tốt công tác thoái vốn.

Thứ tám: Kịp thời thực hiện đầy đủ các kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính của kiểm soát viên và của ban kiểm tra EVN.

Và cuối cùng là phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, cũng như kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Bà có thể cho biết rõ hơn về những mục tiêu cụ thể?

Bà Đỗ Nguyệt ÁnhThực hiện nhiệm vụ của EVN giao, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu tổng thể là “Tập trung hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2016-2020”. Theo đó, các mục tiêu cụ thể được xác định cho năm 2020, gồm: Điện thương phẩm đạt 77 tỷ kWh, tăng trưởng 9,95% so với năm 2019; tổn thất điện năng đạt 4,85%; chỉ số tiếp cận điện năng nhỏ hơn, hoặc bằng 5 ngày làm việc; thực hiện 100% các dịch vụ cung cấp điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; số hóa 100% hợp đồng mua bán điện và điểm đánh giá độ hài lòng khách hàng đạt cao hơn 8,08.

Còn trong công tác quản lý, điều hành, xin bà cho biết những giải pháp cụ thể nào sẽ được Tổng công ty áp dụng triển khai?

Bà Đỗ Nguyệt ÁnhTrong điều hành, chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất: Cung ứng đủ điện cho khách hàng với chất lượng điện và dịch vụ khách hàng ngày càng được nâng cao; Giảm tối đa thời gian mất điện; Thực hiện các cam kết về chất lượng điện năng và dịch vụ khách hàng.

Thứ hai: Thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, các quy chế, quy định của EVN; Phấn đầu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Thứ ba: Đảm bảo an toàn lao động, không để xảy ra tai nạn lao động và các vụ việc cháy nổ. Thường xuyên giám sát, kiểm tra việc tuân thủ các qui trình, qui phạm kỹ thuật, qui phạm an toàn.

Thứ tư: Xử lý nghiêm mọi vi phạm liên quan đến các quy trình quản lý vận hành và kinh doanh điện.

Thứ năm: Vận hành lưới điện an toàn, ổn định, tin cậy; Thực hiện kiểm soát sự cố trên toàn hệ thống điện; Xử lý triệt để tổn thất thương mại. Đảm bảo độ sẵn sàng của lưới điện, chủ động trước mùa mưa bão và nắng nóng, sẵn sàng đối phó với các tình huống cực đoan, đối phó với các khả năng khi hệ thống thiếu công suất. Hoàn thành đóng điện các công trình chống quá tải, sửa chữa lớn, khắc phục các khiếm khuyết lưới điện trước 30/4/2020 và đầu tư cho việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Thứ sáu: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Hoàn thiện công tác tổ chức sản xuất và nâng cao năng suất lao động.

Thứ bảy: Ứng dụng CNTT trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; Triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực (quản lý, vận hành, kinh doanh, tài chính, quản trị, đào tạo).

Thứ tám: Kiểm soát kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị theo tháng; Tổ chức chấm điểm, xếp hạng các đơn vị và thực hiện ứng quỹ tiền lương theo các điểm chấm; Áp dụng cơ chế thưởng phạt theo mức độ hoàn thành các chỉ tiêu của đơn vị. Và,

Thứ chín: Thực hiện văn hóa doanh nghiệp một cách thực chất và toàn diện. Đặc biệt là đề cao truyền thống lịch sử 50 năm của Tổng công ty Điện lực miền Bắc - cái nôi của ngành Điện cách mạng Việt Nam.

Nhân dịp này, bà có điều gì nhắn gửi tới bạn đọc của Tạp chí Năng lượng Việt Nam?

Bà Đỗ Nguyệt ÁnhCuối cùng, thay mặt Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tôi trân trọng cám ơn Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian qua. Nhân dịp đón Xuân Canh Tý, tôi xin gửi tới bạn đọc của Năng lượng Việt Nam lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thay mặt bạn đọc, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin chúc bà cùng 26.700 cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty Điện lực miền Bắc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2020.

Một lần nữa cảm ơn bà./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động