RSS Feed for Điện ‘đi trước một bước’ trong thách thức | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 04:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện ‘đi trước một bước’ trong thách thức

 - Nhân dịp hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019 và chuẩn bị đón Xuân Canh Tý, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giành thời gian trao đổi với Tạp chí Năng lượng Việt Nam về những bước phát triển mới của ngành điện trong tình hình có nhiều khó khăn, thách thức. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu những nội dung chính đã được ông Thành đề cập.

Chủ tịch EVNNPT trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam



Thay mặt bạn đọc Tạp chí Năng lượng Việt Nam, xin chân thành cảm ơn ông đã giành thời gian để trao đổi về những bước phát triển mới của ngành điện trong thời điểm rất có ý nghĩa này.

Câu hỏi đầu tiên, với trọng trách là Chủ tịch HĐTV của EVN, xin ông cho biết đánh giá nổi bật của mình về ngành Điện Việt Nam năm 2019?

Ông Dương Quang Thành: Trong năm 2019, ngành Điện lực Việt Nam đã gặp những khó khăn và thách thức không nhỏ. Đó là, nhu cầu tiêu dùng điện của nền kinh tế - xã hội tăng cao, trong khi việc cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện ngày càng thiếu hụt, thời tiết khô hạn kéo dài xẩy ra ở cả ba miềm đã gây không ít khó khăn cho các nhà máy thủy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Đà. Nguồn cung cấp than và khí đốt trong nước ngày càng giảm, nguồn nước “về” ít nhất trong 30 năm. Trong năm 2019, ngành điện đã phải giảm công suất phát, thậm chí phải dừng một số tổ máy.

Ngoài ra, các dự án nguồn điện, đường dây và trạm mới cũng bị chậm tiến độ. Trong bối cảnh đó, ngành điện đã phải không ngừng nỗ lực để cung ứng đủ điện cho nền kinh tế. Minh chứng rõ ràng nhất là chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam trong năm 2019 vẫn tiếp tục tăng bậc. Hiện xếp thứ 27/190 quốc gia và xếp thứ 4 trong ASEAN về tiếp cận điện năng. Về quy mô, hệ thống điện của chúng ta hiện đứng thứ 23 thế giới và đứng thứ 2 khu vực ASEAN.

Xin ông cho biết cụ thể hơn về các chỉ số này?

Ông Dương Quang Thành: Chỉ số tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam đạt 88,2 điểm (tăng 0,14 điểm so với 2018). Đến nay, ở Việt Nam, điện năng đã được cấp cho 100% số xã và 99,25% số hộ nông thôn. Chỉ riêng năm 2019, các đơn vị thành viên của EVN đã đầu tư cấp điện cho thêm hơn 51.000 hộ dân chưa có điện tại các địa bàn khó khăn, đã hoàn thành dự án cấp điện cho xã đảo Tiên Hải (Kiên Giang), tiếp tục nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Các dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Quảng Ninh) và xã đảo Nhơn Châu (Bình Định) đang được triển khai. Năm 2019, ngành điện đã đạt được mục tiêu được đề ra cho năm 2020 theo Nghị quyết của Đảng.

Về cung ứng điện cho nền kinh tế: Năm 2019, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 209 tỷ kWh (tăng 8,87% so với năm 2018) với tổng doanh thu đạt trên 393.230 tỷ đồng (tăng 14,3% so với 2018). Số lượng khách hàng trực tiếp mua điện trong năm 2019 đã tăng thêm 1 triệu. Hiện EVN đang bán điện cho hơn 28,03 triệu khách hàng.

 Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 


Nhu cầu điện của nền kinh tế đã tăng nhanh. Vậy, ngành điện đã làm thế nào để “đi trước một bước” để tăng nhanh hơn thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ và Bộ Công Thương, trong thời gian qua, EVN đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình là tham gia có hiệu quả vào các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, năm 2019 EVN đã hoàn thành và đưa vào phát điện thương mại 5 dự án nguồn điện với tổng công suất hơn 1.428 MW (trong đó có 1.288 MW nguồn nhiệt điện và 140 MW nguồn điện mặt trời - ĐMT); đã khởi công 2 dự án ĐMT với tổng công suất 99MW; đang thu xếp vốn để khởi công Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Thủy điện Hòa Bình (mở rộng), ĐMT Phước Thái; đang chuẩn bị đầu tư các dự án Thủy điện Ialy (mở rộng), Nhiệt điện Ô Môn 3 và 4; Nhiệt điện Dung Quất 1 và, Nhiệt điện Quảng Trạch 2, Thủy điện Trị An (mở rồng) v.v...

Về lưới, trong năm 2019 EVN đã khởi công 196 công trình, và đã hoàn thành 192 công trình lưới 110 ÷ 500kV. Trong đó, đang tập trung đầu tư các công trình trọng điểm như: đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, đấu nối các nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Vân Phong, giải tỏa công suất các nguồn điện tái tạo, nhập khẩu điện từ Lào. Tổng giá trị đầu tư của EVN năm 2019 đạt 100.480 tỷ đồng.

Có thể nói, đó là những thành tích phát triển theo chiều rộng. Xin ông vui lòng cho biết về việc phát triển theo chiều sâu và phát triển bền vững của ngành điện trong thời gian qua?

Ông Dương Quang Thành: Đảng ủy và HĐTV của EVN luôn coi trọng vấn đề phát triển bền vững theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trước hết, chỉ tiêu tổn thất điện năng năm 2019 đã đạt mức 6,5% (vượt trước 1 năm theo lộ trình của kế hoạch 5 năm đã được Thủ tướng phê duyệt). Tổng mức tiết kiệm chi phí trong XSKD đạt 1.524 tỷ đồng. Tổng mức tiết kiệm trong đầu tư (thông qua đấu thầu) đạt 13.266 tỷ đồng. Độ tin cậy trong cấp điện được cải thiện và về đích sớm 2 năm (thời gian mất điện khách hàng bình quân - SAIDI chỉ còn 648 phút). Năng suất lao động toàn EVN tăng 10% và đạt 2,41 triệu kWh/người v.v...

Về mặt tài chính, EVN đã bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước với tổng giá trị tài sản hợp nhất tính đến cuối năm 2019 ước đạt 712.678 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu đạt 219,092 tỷ đồng, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giảm còn 2,25 lần. tỷ lệ tự đầu tư đạt 30,7%, lợi nhuận công ty mẹ - EVN ước đạt 950 tỷ và nộp ngân sách toàn EVN đạt 27.000 tỷ.

Vâng, thế còn vấn đề môi trường trong sản xuất nhiệt điện than thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Các dự án nhiệt điện than của EVN, cũng như của TKV, PVN, hay của tư nhân trong và ngoài nước đều tuân thủ nghiêm ngặt các giải pháp về bảo vệ môi trường, giảm phát thải đã được đề ra trong các đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Sau quá trình đầu tư xây dựng, khi đi vào sản xuất ổn định các nhà máy nhiệt điện than đã bắt đầu khôi phục màu xanh trong khuôn viên nhà máy và trong khu vực dự án. Lượng tro, xỉ thải ra được tận dụng ngày càng tăng. Vấn đề phát thải bụi, NOx và SOx luôn được kiểm soát bằng các công nghệ tiên tiến như: ESP, FGD, FF, SCR v.v... tại các nhà máy điện. Các chỉ số kiểm soát môi trường luôn được kết nối với các cơ quan quản lý theo thời gian thực. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ tiêu thụ tro xỉ đạt 70%, cao hơn nhiều so với các năm trước, khi mà từ năm 2015-2018 trung bình tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 40%.

Còn một chút băn khoăn của bạn đọc của Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin được chuyển tới ông nhân dịp này - đó là vấn đề “tắc nghẽn” đường đến với người tiêu dùng của nguồn năng lượng tái tạo mới - điện mặt trời, điện gió?

Ông Dương Quang Thành: Đó là sự cố ai cũng lường được trước, nhưng nó vẫn xẩy ra. Hệ thống điện Việt Nam, từ lâu là một hệ thống hợp nhất. Các khu vực phía Nam có nhu cầu phụ tải cao, các nguồn điện tái tạo được bổ sung lại tập trung ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận - nơi không có nhu cầu điện đột biến. Rất đáng tiếc, khu vực triển khai các dự án điện mặt trời chỉ có hệ thống lưới 110 kV, không thể truyền tải hết điện năng của hàng loạt dự án được hoàn thành “nước rút” (để hưởng cơ chế giá điện cao). Vấn đề kinh tế đã gây sức ép lên vấn đề kỹ thuật và nằm ngoài khả năng của EVN.

Hy vọng, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật tức thời, đã, đang được khẩn trương khắc phục, và nó sẽ được nghiên cứu và có các giải pháp cơ bản trong các quy hoạch dài hạn 5-10 năm.

Năm 2020 sẽ là năm kết thúc của kế hoạch 5 năm. Vậy, xin ông cho biết dự báo của mình về những vấn đề nổi cộm của ngành điện trong năm tới?

Ông Dương Quang Thành: Nhu cầu điện của nền kinh tế trong năm 2020 vẫn tiếp tục tăng sẽ dẫn đến 2 điều nổi cộm nhất trong năm tới. Điều nổi cộm thứ nhất là ngành điện không có dự phòng về nguồn. Lượng nước thiếu hụt của các nhà máy thủy điện dự tính tương đương với hơn 10 tỷ kWh. Nguồn than và khí thiên nhiên cho nhiệt điện cũng không có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu để có thể huy động công suất tối đa. Việc đầu tư mới các nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn trong thu xếp vốn, việc mở rộng các nhà máy thủy điện đều chậm tiến độ.

Điều nổi cộm thứ hai là, chi phí đầu vào của ngành điện có xu hướng tăng, giá than đang vượt ngưỡng 3U$/MBTU, giá khí sẽ vượt ngưỡng 10U$/MBTU, sản lượng nhiệt điện chạy dầu 2020 sẽ phải tăng 3÷6 tỷ kWh để bù cho thủy điện v.v...

Vậy, ngành điện sẽ “xoay xở” như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Ngày 25/12 vừa qua, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020 của EVN, Thủ tướng đã yêu cầu ngành điện không được để thiếu điện cho phát triển kinh tế, phải rà soát lại chỉ tiêu phấn đấu của ngành với tinh thần tiến công. Trên tinh thần đó, sản lượng điện cấp cho nền kinh tế được EVN dự tính sẽ tăngxấp xỉ 9%, đạt mức 228 tỷ kWh. 

Muốn vậy, trong năm 2020 ngành điện phải hoàn thành 5 dự án nguồn điện tái tạo (Thủy điện Thượng Kon Tum, Sê San 4 và 4 dự án điện mặt trời: Phước Thái 1, 2, 3); khởi công 2 dự án (Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Thủy điện Hòa Bình MR); hoàn thành chuẩn bị đầu tư 3 dự án lớn (Thủy điện Ialy MR, Nhiệt điện Ô Môn 4; Nhiệt điện Dung Quất 1) và hoàn thành quyết toán 15 công trình nguồn điện khác.

Về lưới điện, trong năm 2020 dự kiến sẽ khởi công 218 công trình và hoàn thành 240 công trình lưới 110-500kV. Ngành điện sẽ tập trung đầu tư các công trình trọng điểm như: Đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2; lưới điện đồng bộ (cho Nhiệt điện Hải Dương, Nghi Sơn 2); lưới điện giải tỏa công suất (cho nguồn điện tái tạo miền trung và nguồn thủy điện Tây Bắc); lưới điện liên kết (để mua điện từ Lào); lưới điện cung cấp cho các khu vực trọng điểm (miền Nam, TP Hà Nội và các phụ tải lớn khác).

Như vậy, tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản của EVN năm 2020 phải đạt mức 93.216 tỷ đồng.

Để thực thi một khối lượng công việc khổng lồ như vậy, lẽ đương nhiên sẽ có rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà EVN phải tự giải quyết. Chúng tôi chỉ xin ông chia sẻ những kiến nghị về việc giải quyết các vướng mắc cụ thể mà EVN không thể tự mình xử lý được?

Ông Dương Quang Thành: Trước hết, về mặt quản lý vĩ mô, EVN đề nghị Thủ tướng Chính phủ:

Thứ nhất: Sớm ban hành Chỉ thị về việc tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả với các chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng ít nhất 5%/năm trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội và đặc biệt là đối với các khách hàng có nhu cầu tiêu thụ điện lớn.

Thứ hai: Phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

Thứ ba: Sớm ban hành cơ chế giá điện 2 thành phần, cơ chế đặc thù để đầu tư các dự án điện cấp bách, cơ chế mới về giá điện mặt trời, về dự án điện BOT và thị trường điện cạnh tranh v.v...

Những vướng mắc với các địa phương đã kéo dài và đang cản trở tiến độ thực hiện các dự án mà ngành điện cần được tháo gỡ trong năm 2020 gồm:

Thứ nhất: Phê duyệt PFS dự án 500kV Nam Định - Phố Nối.

Thứ hai: PFS dự án Thủy điện Trị An (mở rộng).

Thứ ba: Đền bù GPMB nhánh rẽ 220kV sau các trạm 500kV (Phố Nối - Hải Dương, Việt Trì- Phú Thọ, Lưu Xá - Thái Nguyên) và đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc.

Thứ tư: Chuyển đổi đất rừng liên quan đến các công trình đường dây (tại Nghệ An, Ninh Thuận, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ).

Thứ năm: Xác định vị trí trạm biến áp 220kV Tân Cảng (TP HCM).

Ngoài ra, EVN cũng mong các bộ, ngành và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp quan tâm giải quyết một số vấn đề như:

Thứ nhất: Báo cáo Thủ tướng chủ trương chuyển giao cho EVN tài sản và quản lý vận hành các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2.

Thứ hai: Thẩm định PFS dự án Nhiệt điện Ô Môn 3.

Thứ ba: Xem xét cấp bảo lãnh đối với các dự án cấp bách.

Thứ tư: Hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Thứ năm: Chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án nguồn điện (ngoài EVN) thực hiện đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), vận hành các nhà máy điện theo đúng kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Nhân dịp Xuân Canh Tý, thay mặt lãnh đạo EVN, tôi xin chân thành cảm ơn toàn thể CBNV của EVN trong năm qua đã phấn đấu không mệt mỏi, lập được nhiều thành tích để thiết thực kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm ngành điện. Tôi cũng xin gửi lời cám ơn Tạp chí Năng lượng Việt Nam trong năm 2019 đã đồng hành cùng ngành điện bằng những bài viết sâu sắc, phản biện khoa học, khách quan và rất kịp thời. Qua Tạp chí, tôi xin gửi đến toàn thể CBNV EVN và bạn đọc của Năng lượng Việt Nam lời chúc mừng chân thành và tốt đẹp nhất nhân dịp đầu xuân năm mới 2020.

Xin cám ơn ông.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động