RSS Feed for Tồn kho tăng và vấn đề nhập than qua đầu mối chính | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 21:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tồn kho tăng và vấn đề nhập than qua đầu mối chính

 - Gần đây, một số doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị tự nhập than thay vì nhập khẩu qua đầu mối đã được Chính phủ chỉ định. Lý do đưa ra là than trong nước không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp này cũng đã có nguồn cung ổn định và giá cả hợp lý.

Bộ Công Thương đồng ý cho Formosa nhập than từ quốc tế
Khi Đồng Nai kiến nghị cho Vedan nhập khẩu than từ quốc tế

Theo thông báo trước đây của Văn phòng Chính phủ ngày 26-8-2014, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc được giao làm đầu mối chính nhập khẩu than để phân phối cho thị trường nội địa.

Theo đó, kể từ năm 2014, việc nhập khẩu than đã được giao cho hai đầu mối chính là TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Tuy vậy, gần đây một số doanh nghiệp đã xin được tự nhập khẩu than với lý do nguồn than từ đầu mối được chỉ định có chất lượng không phù hợp với nhu cầu và giá thành cao hơn.

Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc nhập khẩu tập trung theo đầu mối sẽ góp phần ổn định nguồn cung cho sản xuất và tiêu dùng nội địa. Đặc biệt đối với các nhà máy nhiệt điện vốn đòi hỏi phải đảm bảo nguồn cung than đá dài hạn và ổn định.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than sớm ký hợp đồng nguyên tắc với TKV và Tổng công ty Đông Bắc về cung cấp than theo đúng quy định, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong đó, có nội dung về bảo đảm thực hiện hợp đồng, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối tìm nguồn cung cấp ổn định, với chất lượng, giá cả phù hợp.

Gần đây, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa và Công ty TNHH Vedan Việt Nam và một số DN khác gửi văn bản kiến nghị tự nhập than thay vì nhập khẩu qua đầu mối được Chính phủ chỉ định.

Lý do đưa ra là than trong nước không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp này cũng đã có nguồn cung ổn định và giá cả hợp lý.

Có ý kiến cho rằng, đứng ở góc độ doanh nghiệp, nhu cầu tiêu thụ than đơn thuần phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp sử dụng than. Theo đó, việc phải tích trữ bao nhiêu than, sử dụng than từ nguồn nào cũng đều nằm trong bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, dù ý định ban đầu của Chính phủ đối với việc tập trung đầu mối nhập khẩu than là tốt, nhưng vẫn có thể không đúng với mong muốn của doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận việc nhập khẩu tập trung có những lợi thế nhất định như dễ đàm phán hợp đồng với giá tốt (do mua với số lượng lớn) hay than có chất lượng đồng đều (do nhập từ cùng một nguồn). Tuy nhiên, việc hình thành đầu mối nhập khẩu than chỉ cần thiết khi doanh nghiệp sử dụng than gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình và giá mua than bên ngoài cao hơn so với mua từ đầu mối.

Với những trường hợp này, các doanh nghiệp rõ ràng có thể tự tìm đến các doanh nghiệp nhập khẩu than khác nhau chứ không nhất thiết phải qua hai đầu mối được Chính phủ chỉ định.

Từ những lý giải trên trên của các doanh nghiệp, mới đây, Bộ Công Thương đã đồng ý cho Formosa nhập khẩu than từ quốc tế.

Cụ thể, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án Nhà máy nhiệt điện Formosa do Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa làm chủ đầu tư, có công suất 2x150MW, sử dụng nguồn than nhập khẩu, đã đi vào vận hành thương mại từ năm 2004.

Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV, 6 tháng đầu năm 2016, thị trường than trên thế giới giá xuống đáy, nên lượng than nhập về tăng rất nhanh, đặc biệt than cho các hộ như xi măng, hay các hộ lẻ khác. TKV nhập than loại chất bốc cao, lưu huỳnh thấp để trộn với than còn tồn kho, nhất là than khu vực miền Tây, than Vàng Danh (Uông Bí) có chất bốc thấp thì mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao giá than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu thời gian qua? Phó tổng giám đốc TKV cho rằng, là do yếu tố kỹ thuật, điều kiện khai thác của ngành Than, đa số các mỏ khai thác dưới sâu, thậm chí âm 300m so với mực nước biển, chi phí khai thác mỏ lộ thiên với hệ số bóc đất đã tăng gấp 3 lần, làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản xuất than trong nước.

Từ 1/7/2016, thuế tài nguyên tăng trung bình 3 lần, đối với than hầm lò tăng từ 7 lên 10%, than lộ thiên tăng từ 9 lên 11%. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác, bản chất cũng là thuế tài nguyên đã tăng đối với khai thác hầm lò lên 2% và khai thác lộ thiên tăng lên 14%. Nếu so với các nước trong khu vực, than Việt Nam đang cao hơn từ 7-10%. Đây chính là một trong các yếu tố làm tăng giá than sản xuất trong nước.

Theo ông Nguyễn Văn Biên, có 4 nguyên nhân khiến giá than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu. Đó là, sản lượng nguồn cung thế giới tăng cao, trong điều kiện kinh tế sau khủng hoảng tài chính suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, nhiều nước đã phải điều chỉnh giảm thuế nên khả năng cạnh tranh, giá các nước so với chúng ta cũng có chênh lệch.

Đối với ngành khoáng sản nói chung khi điều kiện khai thác khó khăn, thị trường khó khăn thì thường tập trung vào những nơi có điều kiện thuận lợi hơn nên khi đó, giá thành phải hạ xuống để phù hợp với thị trường để bán được.

Còn ở Việt Nam thì điều kiện khai thác khó khăn hơn, cùng với nhiều chi phí thì giá thành than trong nước có sự khác so với giá thế giới. Trình độ khai thác, cơ giới hóa, trình độ quản lý của nhiều nước tốt hơn Việt Nam.

Bên cạnh đó, do phải đăng ký dài hạn về vận tải, cơ sở hạ tầng, không khai thác không tiêu thụ vẫn phải trả tiền trong 5 năm, 10 năm, vv… nên bắt buộc phải tiệu thụ - dù giá có thấp.

Điều đang chú ý là, trong khi các doanh nghiệp tự nhập than từ quốc tế, thì lượng than tồn kho của Việt Nam hiện khoảng 12 triệu tấn. Trong đó, TKV tồn kho 11 triệu tấn. Nếu trừ đi lượng tồn kho theo định mức bắt buộc khoảng 3 - 4 triệu tấn thì tồn kho hiện nay khoảng 8 triệu tấn.

PHAN THANH DŨNG

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động