RSS Feed for Toàn cảnh ngành điện thế giới và những điều suy ngẫm cho Việt Nam [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 06:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Toàn cảnh ngành điện thế giới và những điều suy ngẫm cho Việt Nam [Kỳ cuối]

 - Góp ý cho cơ quan tư vấn lập Quy hoạch điện VIII, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Không có một cơ cấu nguồn điện thống nhất cho mọi khu vực, nhóm nước, các nước và không có cơ cấu hợp lý cố định cho mọi thời kỳ vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và “mỗi thời mỗi khác”. Do vậy, không thể lấy cơ cấu của bất kỳ nước nào để làm hình mẫu áp dụng cho nước khác, hoặc không thể lấy cơ cấu của bất kỳ thời kỳ nào trong quá khứ để làm hình mẫu áp dụng cho hiện tại hay trong tương lai, nếu có thì chỉ tham khảo kinh nghiệm mà thôi...


Toàn cảnh ngành điện thế giới và những điều suy ngẫm cho Việt Nam [Kỳ 1]

Toàn cảnh ngành điện thế giới và những điều ​suy ngẫm cho Việt Nam [Kỳ 2]


KỲ CUỐI: SUY NGẪM MỘT SỐ ĐIỀU CHO VIỆT NAM

Thứ nhất: Cơ cấu theo tỷ lệ % là con số thứ sinh, chủ yếu chỉ cho biết tỷ trọng của từng nguồn điện theo loại nhiên liệu mà không phản ánh điều gì là hợp lý hay không hợp lý, như sẽ phân tích minh họa dưới đây.

Tương tự, động thái của cơ cấu nguồn điện qua các thời kỳ chỉ cho thấy sự chuyển dịch tỷ trọng từ loại nhiên liệu này sang loại nhiên liệu khác. Để có thể đánh giá đúng cơ cấu và động thái của cơ cấu có hợp lý hay không phải biết rõ các con số tỷ lệ đó được sinh ra từ “cái tổ” nào và trong bối cảnh nào? Hay nói theo kiểu dân dã là “nguồn gốc xuất thân” của chúng ở đâu?

Do vậy, nên bỏ tư duy phải “xác định tỷ lệ hợp lý của từng nguồn điện theo loại nhiên liệu trong hệ thống nguồn điện” mà phải là “xác định quy mô hợp lý của từng nguồn điện theo loại nhiên liệu trong hệ thống nguồn điện”. Theo đó, cần phân tích, đánh giá tổ hợp các nguồn nhiên liệu với quy mô dự kiến huy động cho phát điện của hệ thống điện có đảm bảo đáp ứng các tiêu chí đề ra cho từng thời kỳ của đất nước hay không. Chẳng hạn như: Đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, an toàn; đảm bảo tính khả thi về kinh tế, giá điện phù hợp với khả năng chi trả hay chấp nhận của xã hội; đảm bảo mức độ phát thải ô nhiễm tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ hai: Không có một cơ cấu thống nhất cho mọi khu vực, nhóm nước, các nước và không có cơ cấu hợp lý cố định cho mọi thời kỳ vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và “mỗi thời mỗi khác”. Do vậy, không thể lấy cơ cấu của bất kỳ nước nào để làm hình mẫu áp dụng cho nước khác, hoặc không thể lấy cơ cấu của bất kỳ thời kỳ nào trong quá khứ để làm hình mẫu áp dụng cho hiện tại hay trong tương lai, nếu có thì chỉ tham khảo kinh nghiệm mà thôi.

Thứ ba: Không phải cứ có cơ cấu tỷ lệ giống nhau là có thực trạng giống nhau mà tùy thuộc vào quy mô sản lượng điện, nguồn nhiên liệu cung cấp và trình độ công nghệ phát điện. Ví dụ cùng tỷ trọng nhiệt điện than như nhau, nhưng quy mô sản lượng điện khác nhau, nguồn cung cấp than khác nhau và trình độ công nghệ phát điện khác nhau sẽ có sự khác nhau về mức phát thải, giá thành, cũng như mức độ tin cậy, ổn định, an toàn.

Chẳng hạn, như cũng tỷ trọng điện than là 50%, nhưng với quy mô sản lượng khác nhau: 100 tỷ kWh; 200 tỷ kWh và 300 tỷ kWh. Theo đó, giả dụ nhu cầu than tương ứng là 50 triệu tấn, 100 triệu tấn và 150 triệu tấn. Trong trường hợp 1 thì chỉ cần huy động than khai thác trong nước, trong trường hợp 2 thì ngoài nguồn than trong nước phải nhập khẩu 50 triệu tấn và trường hợp 3 phải nhập khẩu thêm 100 triệu tấn nữa. Khi đó trường hợp 1 có độ tin cậy, ổn định, an toàn cao nhất, mức phát thải thấp nhất, còn trường hợp 2 và 3 có độ tin cậy, ổn định, an toàn kém hơn, mức phát thải cao hơn. Chưa kể 2 trường hợp này phải đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics lớn hơn và hệ thống phụ trợ với chi phí đầu tư rất lớn cùng với các hệ lụy khác.

Thứ tư: Tỷ lệ nhiệt điện than cao không có nghĩa là nghiễm nhiên xấu hơn tỷ lệ thấp và ngược lại không phải cứ tỷ lệ nhiệt điện than thấp là nghiễm nhiên tốt hơn tỷ lệ cao mà phải xem xét quy mô và trình độ cụ thể nhiệt điện than của từng trường hợp (giữa các nước khác nhau và ngay cả của cùng một nước trong các thời kỳ khác nhau). Ví dụ, tỷ trọng nhiệt điện than của Mỹ 23,9%, rất thấp so với Ấn Độ 73%, hoặc Indonesia 63,4%, v.v… Điều đó không có nghĩa là Mỹ có mức phát thải do điện than thấp hơn Ấn Độ và Indonesia. Vì rằng, quy mô điện than của Mỹ là 1053,5 tỷ kWh, bình quân đầu người 3201 kWh/người, trong khi của Ấn Độ tương ứng là 1137,4 tỷ kWh và 812 kWh/người, của Indonesia là 177 tỷ kWh và 659 kWh/người.

Như vậy, tính theo bình quân đầu người thì mức phát thải do điện than của Mỹ cao gấp hơn 3,9 lần Ấn Độ và gần 4,9 lần Indonesia với giả định mức phát thải từ 1 kWh điện than của 3 nước như nhau. Tương tự, ngay trong một nước, giả dụ tỷ trọng nhiệt điện than hiện tại là 55% với quy mô sản lượng 100 tỷ kWh và đến năm 2030 tương ứng là 40% và 300 tỷ kWh. Theo đó không thể vội vàng căn cứ vào tỷ trọng nhiệt điện than mà đánh giá cơ cấu nguồn điện hiện tại xấu hơn năm 2030 xét theo phương diện phát thải từ nhiệt điện than. Vì rằng, căn cứ vào quy mô điện than thì năm 2030 có mức phát thải từ điện than gấp 3 lần hiện tại với giả định trình độ công nghệ không đổi. Ngay cả khi có trình độ tiên tiến hơn, hiệu suất cao hơn và mức độ phát thải thấp hơn thì đến năm 2030 có tổng phát thải từ điện than chí ít cũng cao gấp hơn 2 lần hiện tại.

Vấn đề quan trọng muốn đề cập ở đây không phải là tỷ trọng nhiệt điện than bao nhiêu là hợp lý hay không hợp lý mà là quy mô điện than đã đạt đến mức gây ra mức phát thải vượt quá giới hạn cho phép, theo quy định, hay chưa. 

Thứ năm: Tiêu chí đảm bảo tin cậy, ổn định, an toàn luôn luôn là tiêu chí hàng đầu có tính tiên quyết cho mọi quốc gia và mọi thời kỳ. Từ kinh nghiệm của các nước và trong nước, để đảm bảo tiêu chí này thì điều quan trọng nhất là:

1/ Đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho phát điện, theo đó ưu tiên hàng đầu là nguồn cung trong nước nhằm nâng cao tính tự chủ theo tinh thần “tự lo”, tiếp đến là nguồn cung nhập khẩu từ các bạn hàng, đối tác tin cậy được pháp luật hóa bằng các hiệp định đối tác quốc gia (song phương và đa phương), các hợp đồng dài hạn theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

2/ Tiếp theo là căn cứ vào ưu, nhược điểm, đặc tính kỹ thuật của từng loại nhiên liệu mà xem xét huy động từng loại nhiên liệu với quy mô phù hợp đảm bảo sao cho toàn bộ tổ hợp nhiên liệu dự kiến huy động cho phát điện đáp ứng được yêu cầu về sự ổn định, tin cậy, an toàn cần thiết. 

Đối với các tiêu chí về đảm bảo tính khả thi kinh tế và môi trường của tổ hợp nhiên liệu dự kiến huy động cho phát điện cũng phân tích, đánh giá theo nguyên tắc tương tự như trên. Kịch bản được chọn là tổ hợp nhiên liệu huy động cho phát điện với mức sản lượng theo nhu cầu đáp ứng được tối ưu các tiêu chí đề ra trong từng giai đoạn nhất định của đất nước.

Thứ sáu: Đối với Việt Nam là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp, nên thiết nghĩ tiêu chí phát triển nguồn điện cần phân ra 3 giai đoạn:

1/ Giai đoạn còn là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người ≤ 5000 USD).

2/ Giai đoạn là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người > 5000 USD và < 10.000 USD).

3/ Giai đoạn trở thành nước công nghiệp phát triển, hay nước có thu nhập cao (có GDP bình quân đầu người > 10.000 USD). Theo đó, có thể xác định tiêu chí phát triển nguồn điện trong giai đoạn 1 là: 

- Đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, an toàn.

- Đảm bảo mức phát thải ô nhiễm không vượt quá giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật (tức phát thải ở mức chấp nhận được).

- Đảm bảo giá điện thấp nhất có thể phù hợp với khả năng chi trả của xã hội.

Tiêu chí phát triển nguồn điện trong giai đoạn 2 là:

(a) Như trên.

(b) Đảm bảo mức phát thải ô nhiễm không vượt quá giới hạn cho phép và có sự cải thiện tương đối so với giai đoạn 1 (tức giảm hơn xét theo quan hệ với quy mô sản lượng điện: Sản lượng điện tăng nhưng quy mô phát thải không tăng tương ứng nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch và nhiên liệu sạch hơn).

(c) Đảm bảo giá điện hợp lý phù hợp với khả năng chấp nhận của xã hội (với nghĩa không cần phải là thấp nhất).

Tiêu chí phát triển nguồn điện trong giai đoạn 3 là:

(a) Như trên.

(b) Đảm bảo giá điện hợp lý phù hợp với khả năng chấp nhận chi trả của xã hội ở mức cao nhất có thể phù hợp với tiêu chí thứ 3.

(c) Đảm bảo mức phát thải ô nhiễm không vượt quá giới hạn cho phép và giảm tương đối so với giai đoạn 2 xuống mức thấp nhất có thể tương ứng với mức giá điện tối đa mà xã hội có thể chấp nhận.

Căn cứ vào nhu cầu điện của nền kinh tế trong từng giai đoạn lập các phương án, kịch bản huy động các nguồn nhiên liệu tiềm năng khả dụng (cả trong và ngoài nước) cho phát điện đảm bảo mức sản lượng điện theo nhu cầu, trên cơ sở đó phân tích, lựa chọn phương án, kịch bản đáp ứng tốt nhất hay tối ưu các tiêu chí đề ra nêu trên của từng giai đoạn./.

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

[1]. BP Statistical Review of World Energy 2020.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động