RSS Feed for Toàn cảnh ngành điện thế giới và những điều ​suy ngẫm cho Việt Nam [Kỳ 2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 27/11/2024 04:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Toàn cảnh ngành điện thế giới và những điều ​suy ngẫm cho Việt Nam [Kỳ 2]

 - Qua những phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây cho thấy: Cơ cấu sản lượng điện của các khu vực, nhóm nước, của các nước rất đa dạng, khác xa với cơ cấu bình quân của toàn thế giới và thường xuyên biến động, không có nước nào giống nước nào.


Toàn cảnh ngành điện thế giới và những điều suy ngẫm cho Việt Nam [Kỳ 1]


KỲ 2: NHẬN XÉT VỀ CƠ CẤU NGUỒN ĐIỆN CỦA THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Cơ cấu sản lượng điện theo loại nhiên liệu phát điện năm 2019 của thế giới, khu vực và các nước đại diện được nêu ở Hình 1 và 2.


Hình 1:


Hình 2:

 

Nguồn: [1] và tính toán, tổng hợp của tác giả.


Cơ cấu sản lượng điện năm 2019 của thế giới (%): Điện dầu 3,1% (năm 2018: 3,3%); điện khí 23,3% (2018: 22,8%); điện than 36,4% (2018: 37,9%); điện hạt nhân 10,4% (2018: 10,1%); thủy điện 15,6% (2018: 15,6%); điện NLTT 10,4% (2018: 9,3%); điện khác 0,9% (2018: 0,9%).

Như vậy, cơ cấu năm 2019 có sự chuyển dịch nhất định so với 2018: Giảm tỷ trọng điện dầu, điện than và tăng tỷ trọng điện khí, điện hạt nhân và điện NLTT, trong đó tỷ trọng điện NLTT tăng 1,1%. Tuy nhiên, điện than vẫn giữ vài trò chính, chiếm tỷ trọng cao nhất 36,4%, vượt xa điện khí đứng thứ 2 là 23,3% và thủy điện đứng thứ 3 là 15,6%.

Cơ cấu của các khu vực: Bắc Mỹ có tỷ trọng điện khí cao nhất 38,6%, tiếp theo là điện than 23,9% và thứ ba là điện hạt nhân 19,4%. Ba vị trí hàng đầu của Nam và Trung Mỹ là thủy điện 53,8%, điện khí 18,4% và điện NLTT 13,8%; của châu Âu: điện hạt nhân 23,3%, điện NLTT 20,9% và điện khí 19,2% (điện than và thủy điện bám sát sau đó, tuần tự là 17,5% và 15,8%); của CIS: điện khí 48,4%, điện than 18,5% và thủy điện 17,4% (điện hạt nhân bám sát sau đó 14,8%); của Trung Đông chủ yếu chỉ có 2 vị trí: điện khí 62,7% và điện dầu 31,3%; của Châu Phi: điện khí 39,1%, điện than 29,1% và thủy điện 15,3%; của châu Á-TBD: điện than 58,1%, vượt xa 3 vị trí tiếp theo là thủy điện 14,1%, điện khí 11,7% và điện NLTT 9,0%.

Cơ cấu của nhóm nước: 3 vị trí top đầu của OECD là điện khí 30,1%, điện than 22,2% và điện hạt nhân 17,9%; bám sát sau đó là điện NLTT 14,5% và thủy điện 12,4%; của ngoài OECD: điện than 46,3%, vượt xa 2 vị trí tiếp theo là điện khí 18,6% và thủy điện 17,9%; của EU: điện hạt nhân 25,6%, điện NLTT 23,9% và điện khí 21,5%, thứ tư điện than 15,2%.  

Cơ cấu của từng nước: 

Điện khí đứng đầu ở các nước:

1/ Mexico 56,5% (vượt xa điện dầu và điện NLTT xếp thứ 2 cùng có tỷ trọng 10,4%).

2/ Mỹ 38,6% (vượt xa điện than đứng thứ hai 23,9%).

3/ Ác-hen-ti-na 58,8% (vượt xa thủy điện đứng thứ hai 37,1%).

4/ Ý 44,6% (vượt xa so với điện NLTT đứng thứ hai 23,8% và thủy điện thứ ba 15,9%).

5/ Hà Lan 58,7% (vượt xa so với điện NLTT đứng thứ hai 18,4% và điện than thứ ba 14,4%).

6/ Tây Ban Nha 31,2% (cao hơn chút ít so với điện NLTT đứng thứ hai 28,1% và điện hạt nhân thứ ba 21,2%).

7/ VQ Anh 40,9% (cao hơn điện NLTT đứng thứ hai 35% và vượt xa điện hạt nhân thứ ba 17,4%).

8/ Nga 46,5% (vượt xa 3 vị trí tiếp theo là điện hạt nhân 18,7%, thủy điện 17,4% và điện than 16,3%).

9/ Iran 62,6% (vượt xa điện dầu đứng thứ hai 25,9% và thủy điện thứ ba 9,1%).

10/ Ả rập Xê-ud 57,6% (vượt xa điện dầu đứng thứ hai 41,9%).

11/ UAE 97% (chiếm độc tôn vì còn lại điện NLTT 3%).

12/ Ai Cập 76,0% (gần như độc tôn, vượt xa điện dầu đứng thứ hai 14,1% và thủy điện thứ ba 6,7%).

13/ Nhật Bản 35,0% (cao hơn điện than đứng thứ hai 31,5% và vượt xa điện NLTT thứ ba 11,7%).

14/ Thái Lan 65,3% (vượt xa điện than đứng thứ hai 19,2% và điện NLTT thứ ba 11,4%). 

Trong số các nước trên, một số nước có trữ lượng khí lớn (chiếm ≥ 1% trữ lượng khí thế giới) như Mỹ 6,5%, Nga 19,1%, Iran 16,1%, Ả rập Xê-ud 3%, UAE 3%, Ai Cập 1,1%; hoặc vừa và nhỏ (chiếm ≥ 0,1% trữ lượng khí thế giới) như Mexico 0,1%, Ác-hen-ti-na 0,2%, Hà Lan 0,1%, VQ Anh 0,1%, Thái Lan 0,1%; một số nước có trữ lượng không đáng kể hoặc không có như Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản.

Ngược lại, nhiều nước có trữ lượng khí lớn nhưng điện khí chiếm tỷ trọng không cao như Canada (chiếm 1% trữ lượng khí thế giới), Kazakstan (chiếm 1,3%), Úc (chiếm 1,2%), v.v... 

Điện than đứng đầu ở các nước:

1/ Ba Lan 74,4% (vượt xa so với điện NLTT đứng thứ hai 14,1% và điện khí thứ ba 9%).

2/ Thổ Nhĩ Kỳ 37,1% (cao hơn đáng kể so với thủy điện đứng thứ hai 28,9% và điện khí thứ ba 18,8%).

3/ Kazakstan 72,0% (vượt xa điện khí đứng thứ hai 19,2% và thủy điện thứ ba 9,2%).

4/ Nam Phi 86,0% (chiếm độc tôn, vượt xa điện hạt nhân đứng thứ hai 5,6% và điện NLTT thứ ba 5,1%).

5/ Úc 56,4% (vượt xa điện khí đứng thứ hai 20,5% và điện NLTT thứ ba 15,5% ).

6/ Trung Quốc 64,7% (vượt xa thủy điện đứng thứ hai 16,9% và điện NLTT thứ ba 9,8%).

7/ Ấn Độ 73,0% (vượt xa thủy điện đứng thứ hai 10,4% và điện NLTT thứ ba 8,7%).

8/ Indonesia 64,3% (vượt xa điện khí đứng thứ hai 18,5% và 3 vị trí tiếp theo là điện dầu 6,2%, thủy điện 6,1% và điện NLTT 5,7%).

9/ Malaysia 41,6% (cao hơn điện khí đứng thứ hai 40,1% và vượt xa thủy điện thứ ba 15,8%).

10/ Hàn Quốc 40,8% (vượt xa điện khí đứng thứ hai 25,8% và điện hạt nhân thứ ba 25,0%).

11/ Đài Loan 46,1% (vượt xa điện khí đứng thứ hai 33,2% và điện hạt nhân thứ ba 11,8%).

12/ Việt Nam 49,5% (vượt xa thủy điện đứng thứ hai 28,8% và điện khí thứ ba 19,0%).

Trong số các nước trên, những nước có trữ lượng than lớn hoặc tương đối lớn (chiếm tỉ trọng ≥ 1% trữ lượng than thế giới): Ba Lan 2,5%, Thổ Nhĩ Kỳ 1,1%, Kazakstan 2,4%, Nam Phi 0,9%, Úc 13,9%, Trung Quốc 13,2%, Ấn Độ 9,9%, Indonesia 3,7%.

Một số nước có trữ lượng nhỏ như Việt Nam (chiếm 0,3% trữ lượng than thế giới) hoặc có không đáng kể (phải nhập khẩu than) như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, v.v...

Một số nước có trữ lượng than lớn nhưng tỷ trọng nhiệt điện than thấp do có trữ lượng khí dồi dào nên ưu tiên sự dụng khí hoặc nguồn năng lượng khác có lợi thế hơn như Mỹ (chiếm 23,3% trữ lượng than thế giới), Ukraina (chiếm 3,2%), Nga (chiếm 15,2%).

Đức có trữ lượng than chiếm 3,4% trữ lượng than thế giới nên nhiệt điện than tuy không đứng đầu song vẫn chiếm tỷ trọng cao thứ hai (từ năm 2018 về trước luôn có tỷ trọng cao nhất).

Điện hạt nhân đứng đầu ở Ukraina 53,7% (vượt xa điện than đứng thứ hai 31,3%).

Thủy điện đứng đầu ở các nước: Canada 57,8% (vượt xa điện hạt nhân đứng thứ hai 15,2%), Brazil 63,8% (vượt xa điện NLTT đứng thứ hai 18,8%).  

Điện NLTT đứng đầu ở Đức 36,6% (cao hơn đáng kể so với điện than đứng thứ hai 28% và cách xa so với điện khí 14,9% và điện hạt nhân 12,3%).

Điện dầu chỉ chiếm tỷ trọng cao ở một vài nước Trung Đông như Ả rập Xê-ud 41,9% (đứng sau điện khí 57,6%) và Iran 25,9% (đứng sau điện khí 62,6%).   

Như vậy, trong số các nước đại diện, 14 nước có điện khí chiếm tỷ trọng cao nhất, trong đó có một số nước điện khí chiếm vị trí độc tôn (UAE 97%) hoặc gần như độc tôn (Ai Cập 76% và Thái Lan 65,3%); 12 nước có điện than chiếm tỷ trọng cao nhất, trong đó có một số nước điện than chiếm tỷ trọng gần như độc tôn (Ba Lan 74,4%, Kazakstan 72,0%, Nam Phi 86,0%, Ấn Độ 73,0%, Trung Quốc 64,7%, Indonesia 64,3%); 1 nước có điện hạt nhân chiếm tỷ trọng cao nhất (Ukraina 53,7%); 2 nước có thủy điện chiếm tỷ trọng cao nhất (Canada 57,8% và Brazil 63,8%) và 1 nước có điện NLTT đứng đầu (Đức 36,6%).

Ngoài ra, điện NLTT chiếm tỷ trọng khá cao tại VQ Anh 35%, đứng thứ hai sau điện khí 40,9%.

Qua những phân tích nêu trên cho thấy: Cơ cấu sản lượng điện của các khu vực, nhóm nước và của các nước rất đa dạng, khác xa với cơ cấu bình quân của toàn thế giới và thường xuyên biến động, không có nước nào giống nước nào.

Nói chung, cơ cấu sản lượng điện phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố:

Thứ nhất: Tiềm năng và lợi thế các nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có trong nước. Ví dụ như nước có nhiều nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào thì cơ cấu sản lượng điện tương đối dàn trải theo hướng đa dạng hóa và ưu tiên hơn cho nguồn năng lượng có lợi thế cao, nhất là khí tự nhiên, thủy điện, còn nước chỉ có một nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào thì cơ cấu điện tương đối tập trung mang tính độc tôn tương ứng với nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có.

Thứ hai: Khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên năng lượng nước ngoài, nhất là than và khí tự nhiên (có tính thương mại cao và giá phù hợp), trong trường hợp đó thông thường điện than, điện khí chiếm giữ tỷ lệ quan trọng đóng vai trò nền tảng.

Thứ ba: Trình độ phát triển kinh tế - xã hội, ví dụ nước giàu có GDP bình quân đầu người cao, theo đó có khả năng chấp nhận giá điện cao thì tăng cường phát triển nguồn điện sạch hơn như điện NLTT, điện khí (sạch so với điện than) theo đúng tinh thần “của nào tiền nấy”. 

KỲ TỚI: NHỮNG ĐIỀU SUY NGẪM CHO VIỆT NAM

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1. BP Statistical Review of World Energy 2020.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động