Thủy điện An Khê-Ka Nak: Phát huy vai trò chống hạn, góp phần giảm lũ cho hạ du
15:57 | 08/10/2021
Thủy điện An Khê-KaNak: Chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 Nằm trên địa bàn rừng núi hiểm trở của tỉnh Gia Lai, Thủy điện An Khê - Ka Nak chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết khắc nghiệt. Mùa nắng nóng nhiều sông suối khô cạn, mùa mưa dồn dập kéo dài gây nên lũ ống, lũ quét ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Vượt lên thách thức của thiên nhiên, CBCNV Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak vừa đẩy mạnh SXKD, vừa làm tốt công tác dự tính, dự báo và phòng chống thiên tai hiệu quả, vì vậy không những làm tốt công tác bảo vệ an toàn hồ đập và Nhà máy mà còn góp phần đảm bảo sản xuất đời sống cho đồng bào vùng hạ du. |
Phát huy tốt vai trò chống hạn:
9 tháng đầu năm 2021 tình hình thủy văn khu vực miền Trung và Tây Nguyên diễn biến rất phức tạp, tình trạng khô hạn và nắng nóng kéo dài trên diện rộng, lưu lượng nước về hồ An Khê - Ka Nak rất thấp chỉ 2 - 3m3/s so với cùng kỳ các năm. Tuy nhiên, nhờ sự tích cực, chủ động tích trữ nước từ cuối mùa mưa 2020 nên Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak đã cố gắng cân đối lượng nước trong các hồ chứa để điều tiết, vận hành phát điện các nhà máy, từ đó, ưu tiên xả nước, đảm bảo tốt khả năng cấp nước đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn hán, góp phần cải thiện môi trường cho vùng hạ du.
Nhà máy Thủy điện An Khê. |
Tính đến ngày 30/9/2021, sản lượng điện 2 Nhà máy Thủy điện An Khê và Ka Nak là 405,45 triệu kWh, chỉ đạt 65,18% kế hoạch năm.
Góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du:
Trong mùa lũ năm 2020, cụm hồ Thủy điện An Khê - Ka Nak đã vận hành hiệu quả, phát huy tốt vai trò cắt, giảm lũ cho hạ du, cụ thể:
Từ ngày 1/9/2020 đến 15/12/2020, trên lưu vực hồ An Khê - Ka Nak đã đón nhận 7 đợt lũ lớn, nhỏ với tổng lượng nước về hồ Ka Nak cả mùa lũ đạt 656 triệu m3, lưu lượng đỉnh lũ lớn nhất lúc 14h15’ ngày 28/10 đạt 1300 m3/s. Do Công ty luôn chủ động cập nhật, theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến thời tiết nên đã kịp thời đề xuất đến Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Gia Lai ban hành Lệnh vận hành xả nước điều tiết qua tràn hồ chứa An Khê, Ka Nak hợp lý, cụ thể điều tiết lũ qua tràn An Khê 6 đợt với tổng lượng nước là 236 triệu m3, lưu lượng xả lớn nhất chỉ 480 m3/s góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du.
Đập tràn Thủy điện Ka Nak. |
Trong tháng 9 vừa qua, trên lưu vực hồ Ka Nak và hồ An Khê đã đón nhận 2 cơn bão (bão số 5 và số 6), tuy nhiên lưu lượng mưa và nước về hồ không nhiều, lưu lượng lớn nhất đạt 297 m3/s, lúc 18h20 ngày 24/9/2021. Công ty đã cân đối lượng nước trong hồ, điều tiết, vận hành phát điện Nhà máy Thủy điện An Khê để cung cấp nước cho nhân dân địa phương vùng hạ du sau đập và thực hiện xả nước liên tục về hạ du sông Ba đảm bảo dòng chảy tối thiểu, yêu cầu sử dụng nước dưới vùng hạ du theo Quy trình vận hành liên hồ (Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Trước dự báo thời tiết năm 2021 diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là phải đối mặt với “thách thức kép” phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, vừa đảm bảo an toàn và giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai gây ra, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tuyên truyền công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. |
Ông Đặng Văn Tuần - Giám đốc, Trưởng ban chỉ huy PCTT và TKCN Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak cho biết: Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, công tác phòng chống thiên tai trong thời điểm mùa mưa bão năm 2021 dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn. Chủ động ứng phó với “thách thức kép” phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, trước mùa mưa lũ năm 2021, Công ty đã tích cực đẩy mạnh và triển khai, chuẩn bị chu đáo các phương án.
Cụ thể, ngay từ đầu năm, Công ty đã xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN, luôn đảm bảo đủ nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất khử trùng... theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, đảm bảo an toàn cho con người, tránh lây lan dịch bệnh trong mọi tình huống.
Nhân lực thực hiện công tác PCTT và TKCN tại chỗ gồm Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, đội xung kích, lực lượng trực PCTT và TKCN đã được trang bị đầy đủ phương tiện và dụng cụ để thực hiện xử lý kịp thời hư hỏng hoặc sự cố có thể gây nguy hại cho công trình. CBCNV được trang bị những kỹ năng xử lý các tình huống bất trắc khi có lũ xảy ra thông qua việc thực hiện diễn tập phương án ứng phó thiên tai; phối hợp với địa phương kiểm tra, đánh giá an toàn hạ du theo phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp; tổ chức nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro và đề ra các giải pháp để giảm thiểu các rủi ro có thể gây hại cho công trình và con người.
Được biết, để chủ động phòng chống thiên tai, trước đó, Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak đã trang bị, lắp đặt hệ thống thiết bị thông tin, cảnh báo, thông báo để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu đập, nhà máy trước khi vận hành xả lũ qua tràn, bắt đầu xả nước phát điện hoặc khi tăng lưu lượng xả.
Cụ thể: Hệ thống còi hú báo động hiệu lệnh xả lũ hoặc báo động hiệu lệnh sơ tán khi xảy ra sự cố đập được lắp đặt tại đập tràn An Khê và đập tràn Ka Nak; 9 trạm cảnh báo lũ tự động, từ xa được lắp đặt ở vùng hạ du đập; 2 xe ô tô gắn loa phóng thanh để thông báo xả lũ lưu động cho người bà con vùng hạ du đập; 143 cột mốc cảnh báo lũ và 129 bảng chỉ dẫn ứng phó lũ lụt được xây dựng, lắp đặt ở vùng hạ du đập; 4 bảng thông báo tín hiệu phát điện; 4 barie qua các ngầm, tràn; 22 bảng cảnh báo khu vực nước chảy xiết, nguy hiểm.
Mục tiêu và là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm của Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak là thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Đặc biệt là đảm bảo mục tiêu chính trị tại địa phương là điều tiết hồ chứa góp phần tham gia cắt giảm lũ, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho nhân dân vùng hạ du sông Ba, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn đóng chân./.
THU HOÀI