Thực hiện dự án KfW3 tại Gia Lai, Kon Tum, Thừa Thiên Huế
10:36 | 01/11/2016
Hoa Kỳ tài trợ EVNCPC phát triển lưới điện thông minh
Đóng điện kỹ thuật dự án cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm
Vận hành hệ thống thu thập chỉ số công tơ từ xa tại Quy Nhơn
Các tiểu dự án cải tạo và phát triển lưới điện trung hạ áp khu vực trung tâm huyện lỵ, thị xã, thành phố các tỉnh Thừa Thiên Huế, Gia Lai và Kon Tum (dự án KfW3 - giai đoạn 1) - thuộc dự án lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ vay vốn ODA của Chính phủ Đức nhằm mục tiêu cải tạo lưới điện trung hạ áp, bổ sung các đường dây trung áp để khép mạch vòng, lắp đặt máy cắt, recloser… để đảm bảo cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn các tỉnh đầu tư.
Dự án tại tỉnh Gia Lai thực hiện trên địa bàn 51 phường, thị trấn, xã thuộc 9 huyện: Chư Păk, Mang Yang, Kong Chro, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông, Đăk Đoa; 2 thị xã An Khê, Ayunpa và TP Pleiku. Quy mô gồm: 70,7km đường dây trung áp (xây dựng mới - XDM); 69,8km đường dây trung áp CT; 43 TBA phụ tải - tổng dung lượng 7.000kVA; 6 máy cắt recloser kết nối với hệ thống SCADA; 7 dao cắt có tải (LBS); 108,8km đường dây hạ áp XDM; 13,0km đường dây hạ áp cải tạo (CT); di dời 2.735 công tơ. Tổng mức đầu tư trên 246,2 tỷ đồng.
Dự án tại tỉnh Kon Tum thực hiện trên địa bàn 22 phường, thị trấn, xã thuộc 8 huyện: Đăk Hà, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Tô, Kon rẫy, Đăk Glei, Kon Plong, Ia H’Drai và TP Kon Tum. Quy mô gồm: 65,7km đường dây trung áp XDM; 57,7km đường dây trung áp CT; 46 TBA XDM - tổng dung lượng 4.900kVA; 4 TBA CT - tổng dung lượng 480kVA; 18 máy cắt recloser kết nối với hệ thống SCADA; 44,2km đường dây hạ áp XDM; 15,4km đường dây hạ áp CT; di dời 1.663 công tơ. Tổng mức đầu tư hơn 196,6 tỷ đồng.
Dự án tại tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện trên địa bàn 24 phường, thị trấn, xã thuộc 5 huyện: Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới, Phú Vang; 2 thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ và TP Huế. Quy mô gồm: 30,3km đường dây trung áp 22kVXDM; 115,6km đường dây trung áp 22kV CT; 2,16m đường dây trung áp đi ngầm; 28,2km đường dây hạ áp XDM; 4,1km đường dây hạ áp CT; di dời 2.305 công tơ; 11,5km dây dẫn sau công tơ; 2 máy cắt recloser kết nối với hệ thống SCADA; thay thế, nâng cấp thiết bị đóng cắt để kết nối SCADA cho 21 trạm Kios 22kV TP Huế. Tổng mức đầu tư là trên 265,8 tỷ đồng.
Ba dự án trên sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW3) và vốn đối ứng của EVNCPC. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017-2020.
Các tiểu dự án thực hiện nằm trong kế hoạch đầu tư xây dựng giai đoạn 2016-2020 của EVNCPC theo mục tiêu đã được xác định rõ là hiện đại hóa hệ thống điện theo chiều sâu, để theo lộ trình đến năm 2020 giảm tổn thất điện năng xuống còn ≤ 4,8%, giảm chỉ số về thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối SAIDI ≤ 400 phút, nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp điện ngày càng cao của giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.
Căn cứ nhiệm vụ được EVNCPC giao, Ban QLDA Điện nông thôn miền Trung (CREB) đã tích cực, chủ động phối hợp cùng các đơn vị tư vấn hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của 3 dự án trên trình EVNCPC, và EVNCPC trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. CREB làm nhiệm vụ đầu mối thực hiện rà soát, làm rõ, bổ sung các nội dung giải trình và hoàn thiện hồ sơ Báo cáo trong quá trình trình các cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Vừa qua, 3 tiểu dự án nêu trên đã được Bộ Công Thương quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.
Ngay sau khi Báo cáo này được duyệt, CREB sẽ thực hiện công việc tiếp theo là lập và trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện hoàn thành các mốc thời gian các dự án trong năm 2016 của EVNCPC giao.
NangluongVietnam Online