RSS Feed for Thấy gì về cơ cấu hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 05:04
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thấy gì về cơ cấu hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước?

 - Hiệu quả hoạt động của các DN Nhà nước sẽ quyết định rất lớn sự thành công của kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước ra khỏi doanh nghiệp. Và việc hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ quyết định việc thành bại của đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Nhưng để thúc đẩy cả tiến trình, theo chúng tôi, Chính phủ cần thông qua và ban hành ngay quy chế hoạt động, chức năng nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban này trên cơ sở Quy chế hoạt động quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc, phương thức hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban. Nghĩa là, Quyết định và Quy chế (được ban hành hồi tháng 2/2018) là áp dụng đối với Tổ công tác của Thủ tướng, chứ chưa phải là áp dụng cho cơ cấu hoạt động của cả Ủy ban.

Thủ tướng giao BCT nghiên cứu phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam


Việc lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) là chủ trương nhất quán của Bộ Chính trị thông qua đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đọan 2016-2020. Nhu cầu này xuất phát từ việc tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn ở các doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước, đặc biệt là 12 đại dự án thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Việc cổ phần hoá đặc biệt nhắm đến các DNNN, để khu vực kinh tế này hoạt động hiệu quả, theo đúng thông lệ kinh tế thị trường. Việc chậm trễ cổ phần hóa hai năm qua, dễ hiểu là do các chồng lấn, cản trở về luật doanh nghiệp, về cơ cấu hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty đối với các bộ, ngành chủ quản, giữa các trung tâm quyền lực và lợi ích quốc gia.

Đến hiện tại, các bộ, ngành, địa phương mới thực hiện thoái vốn tại 30/316 doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra của năm 2017 và 2018. Đã có những trăn trở, lo ngại về việc chậm xử lý các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ, về khả năng xảy ra thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp làm chậm nhịp độ cổ phần hóa và dự báo chủ đề sẽ còn mang ra cả diễn đàn Quốc hội sắp tới.

Khi đi vào hoạt động, UBQLVNN, sẽ là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBQLVNN đã gần hoàn thiện.

Như vậy, các bộ chủ quản, sau khi chuyển giao, chỉ quản lý các tập đoàn, các tổng công ty và doanh nghiệp có vốn nhà nước về mặt chuyên môn và tham mưu cho chính phủ. Về hoạt động, UBQLVNN, sẽ quản lý trực tiếp, phê duyệt bổ nhiệm, điều chuyển nhân sự cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo Ủy ban, giữ chức Chủ tịch là UVTW Đảng - ông Nguyễn Hoàng Anh (trước khi về Ủy ban, vốn là bí thư tỉnh Cao Bằng). Phó chủ tịch Ủy ban là bà Nguyễn Thị Phú Hà, từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Năm nay, cơ cấu Ủy ban sẽ có khoảng 50 nhân sự. "Dự kiến năm 2019 sẽ tuyển dụng đủ 150 biên chế có chất lượng đáp ứng khối lượng công việc đề ra. Đồng thời, Ủy ban cũng đã xây dựng và đang tiếp tục kiện toàn đồng bộ công tác Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên theo đúng quy định" - ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết. 

Ngày 30/9/2018, tại Hà Nội, UBQLVNN đã chính thức tổ chức Lễ ra mắt. Sau hơn 8 tháng thành lập, UBQLVNN đã chuẩn bị những công việc cần thiết để đi vào hoạt động, tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 doanh nghiệp nhà nước từ tháng 10/2018. Việc tiếp nhận quá trình chuyển giao sẽ dựa trên nguyên tắc chuyển giao nguyên trạng trên cơ sở báo cáo tài chính gần nhất, hoàn tất trước ngày 30/11/2018.

Tổng hợp Báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu Nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về Ủy ban là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng. Việc thoái vốn thành công từ nay đến hết năm 2020, từ ngành hàng không, ngân hàng và đặc biệt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Đã đến lúc, phải tăng cường cải thiện hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh tốt, quản trị tốt để những đơn vị này thực sự trở thành những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Nhìn từ kinh nghiệm của nước Nga những năm 1990s, việc thoái vốn các DNNN ở Nga, đặc biệt là dầu khí, đã bị nhiều đại gia cấu kết với quan chức chính phủ, mua rẻ, thâu tóm các DNNN. Vì vậy, việc thoái vốn cần thực hiện thận trọng, thông qua các tổ chức tư vấn, thẩm định giá độc lập nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị vốn nhà nước trong doanh nghiệp.

Hơn nữa, việc cổ phần hóa cũng cần phải đặt trong bối cảnh cải thiện tính liên kết và tương tác giữa các trụ cột của cả nền kinh tế.

Nói vậy để thấy, hiệu quả hoạt động của các DNNN sẽ quyết định rất lớn sự thành công của kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước ra khỏi doanh nghiệp. Và việc hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của UBQLV sẽ quyết định việc thành bại của đề án tái cấu trúc nền kinh tế (bao gồm việc cổ phần hóa và hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp - M&A).

Về mặt này, để thúc đẩy cả tiến trình, theo chúng tôi, Chính phủ cần thông qua và ban hành ngay quy chế hoạt động, chức năng nhiệm vụ cụ thể của UBQLVNN trên cơ sở Quy chế hoạt động quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc, phương thức hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban này.

Nghĩa là, Quyết định số 54/QĐ-TCT66 của Chính phủ kèm theo Quy chế hoạt động được ban hành vào ngày 13/2/2018 là áp dụng đối với Tổ công tác của Thủ tướng chứ chưa phải là áp dụng cho cơ cấu hoạt động của cả Ủy ban.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần Ban hành quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trên cơ sở Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế cùng tên gọi do Bộ Tài chính dự thảo.

Nếu làm đúng chức năng, UBQLVNN, được kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ điều tiết chính sách, cân đối lợi ích quốc gia, giảm thiểu các rủi ro về quản trị điều hành, giúp tăng giá trị đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước.

Về tổng quan, có thể rà soát, bổ sung sửa đổi những quy định pháp lý liên quan nhằm mở rộng và bảo đảm quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Ngoài ra, cần rà soát lại danh mục dự án đầu tư; loại bỏ hoàn toàn bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước; loại bỏ độc quyền kinh doanh nếu không phải là độc quyền tự nhiên; tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả.

Tất nhiên, khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn cũng phải đảm bảo nguyên tắc, thông lệ minh bạch thị trường và phải phục vụ đúng mục tiêu cải thiện về quản trị điều hành theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Theo đó, cổ việc phần hóa, thoái vốn Nhà nước phải xuống mức không chi phối giúp làm thay đổi cơ cấu sở hữu và cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp.

NGUYỄN LÊ MINH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động