RSS Feed for Than đá trong chuyển dịch năng lượng - Một số gợi ý cho Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 18:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Than đá trong chuyển dịch năng lượng - Một số gợi ý cho Việt Nam

 - Giả sử rằng: Việt Nam sẽ thực hiện được các cam kết tại COP26 và loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2050, thì vai trò của than vẫn rất quan trọng trong 27 năm tới cho dù nhu cầu về than sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung cấp than ổn định với giá thành hợp lý là một vấn đề không thể xem nhẹ trong những năm tới. Ngoài ra, khi nhu cầu sử dụng than tại Việt Nam giảm dần trong gần 3 thập kỷ tới, vấn đề hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho trên 100.000 người lao động ngành than cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình thực hiện phù hợp cho từng giai đoạn.
Lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than ở Việt Nam còn bao xa? Lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than ở Việt Nam còn bao xa?

Tiềm năng và lợi ích của nhiên liệu ‘amoniac xanh’ là rất lớn. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Khi nào thì nguồn năng lượng này mới khả thi về mặt kỹ thuật và thương mại? Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho Việt Nam Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho Việt Nam

Như chúng ta đều biết, hồi đầu tháng 2/2023, Tổng thống Nam Phi tuyên bố tình trạng “thảm họa quốc gia” vì thiếu điện. Trong khi đó, hệ thống điện của quốc gia này đã từng khá mạnh, có quy mô tương đương với hệ thống điện của Việt Nam hiện nay. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích quá trình phát triển hệ thống điện Nam Phi để tìm nguyên nhân và rút ra bài học cho chúng ta.

1. Hiện trạng tiêu thụ than tại Việt Nam:

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ than lớn nhất khu vực APEC. Đặc biệt trong giai đoạn 2010 - 2020, lượng than tiêu thụ tại Việt Nam tăng rất nhanh với tốc độ tăng bình quân 12,9%/năm (xem hình dưới đây).

Than đá trong chuyển dịch năng lượng [kỳ cuối]: Một số gợi ý cho Việt Nam
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong tiêu thụ than tại một số quốc gia trong khu vực APEC (giai đoạn 2010 - 2020). Nguồn: EGEDA, 2021.

Theo báo cáo thống kê năng lượng Việt Nam năm 2020: Khoảng 63% tổng lượng than được tiêu thụ trong ngành điện, là nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện than, gần 35% được sử dụng trong công nghiệp như: Sản xuất gang thép, xi măng, khai khoáng, sản xuất giấy, hóa chất (Viện Năng lượng, 2021).

Năm 2020, sản lượng điện sản xuất từ nhiệt điện than tăng cao kỷ lục, chiếm 50% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc và điện than có thể vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong những năm tới do tính không ổn định của năng lượng tái tạo và sự phụ thuộc vào thời tiết của thủy điện.

Từ một quốc gia xuất khẩu than trong nhiều thập niên, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu ròng về than từ năm 2015. Sản lượng than nhập khẩu liên tục tăng cao để đáp ứng nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện than mới đi vào hoạt động trong những năm gần đây.

Năm 2020, sản lượng than nhập khẩu đạt mức kỷ lục, Việt Nam đã nhập khoảng 54,8 triệu tấn, lớn hơn tổng sản lượng than sản xuất trong nước 11,5 triệu tấn (Viện Năng lượng, 2021).

2. Xu hướng sử dụng than tại Việt Nam:

Than là loại năng lượng sơ cấp dễ tiếp cận và có giá thành hợp lý, được sử dụng rộng rãi với tỷ trọng lớn trong ngành sản xuất điện và công nghiệp nặng tại nước ta, nhưng có cường độ phát thải khí CO2 lớn khi sử dụng. Theo bản đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022, phát thải CO2 từ lĩnh vực năng lượng và các quá trình sản xuất công nghiệp của Việt Nam năm 2020 là 428 triệu tấn CO2 quy đổi, chiếm gần 81% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam (NDC, 2022).

Từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris và ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận này. Từ đó đến nay, Việt Nam đã tăng đáng kể đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật năm 2022. Trong đó, tỉ lệ giảm phát thải không điều kiện (bằng các nguồn lực trong nước) là 15,8% so với 9% trong NDC 2020, tỉ lệ giảm phát thải có điều kiện (có sự hỗ trợ quốc tế) là 43,5% so với 27% trong NDC 2020.

Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Sau những cam kết quốc tế nêu trên, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu biến đổi khí hậu thông qua một loạt các chính sách mới đã được ban hành trong hai năm gần đây. Cụ thể như: Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, kế hoạch hành động của các bộ, ngành về việc thực hiện cam kết tại COP26. Gần đây nhất, ngày 15/5/2023, Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đối với nhiệt điện than trong bản quy hoạch này, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Theo định hướng phát triển, sẽ không sử dụng than để phát điện vào năm 2050. Đối với các nhà máy nhiệt điện than vẫn còn tuổi thọ về mặt kỹ thuật vào thời điểm đó, sẽ chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối, amoniac. Đối với các nhà máy có tuổi thọ hơn 40 năm, sẽ dừng hoạt động nếu như không thể thực hiện chuyển đổi nhiên liệu, hoặc không thu giữ CO2.

Trong lĩnh vực công nghiệp nặng, tỷ trọng than tiêu thụ cũng sẽ giảm dần trong những thập kỷ tới, nhưng với tốc độ giảm chậm hơn so với ngành sản xuất điện.

Như vậy, thông qua hàng hoạt các cam kết quốc tế và các chính sách cụ thể, có thể thấy rằng: Giảm sử dụng than tại Việt Nam là xu thế không thể đảo ngược.

3. Một số gợi ý cho Việt Nam:

Giả sử rằng: Việt Nam sẽ thực hiện được các cam kết tại COP26 và loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2050, thì vai trò của than vẫn rất quan trọng trong 27 năm tới, cho dù nhu cầu về than sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung cấp than ổn định với giá thành hợp lý là một vấn đề không thể xem nhẹ trong những năm tới.

Ngoài ra, khi nhu cầu sử dụng than tại Việt Nam giảm dần trong gần 3 thập kỷ tới, vấn đề hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho trên 100.000 người lao động ngành than cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình thực hiện phù hợp cho từng giai đoạn.

Một số gợi ý cho Việt Nam về hai vấn đề nêu trên:

Thứ nhất: Vấn đề đảm bảo nguồn cung cấp than:

Đối với khai thác than trong nước: Vẫn cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản, chuẩn bị sản xuất nhằm đáp ứng các nhu cầu về than trong nước, nhằm hạn chế tối đa nhập khẩu than từ nước ngoài.

Đối với than nhập khẩu: Tiếp tục duy trì các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp, đối tác nước ngoài với tỷ lệ phù hợp, tránh hiện tượng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường than giao ngay vốn dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố ngoại lai.

Mặt khác, mở rộng liên danh, liên kết, đầu tư mỏ ở nước ngoài (nếu xét thấy phù hợp) nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định.

Thứ hai: Vấn đề chuyển đổi việc làm cho người lao động ngành than:

Cần xây dựng lộ trình thực hiện, kế hoạch cụ thể để đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho người lao động ngành than. Chuyển sang đào tạo các ngành nghề phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới và Việt Nam.

Ví dụ, trong những năm tới, nhu cầu về khoáng sản, nguyên liệu then chốt (lithi, nickel, cô ban, đất hiếm, đồng) sẽ tăng mạnh để phục vụ việc sản xuất các công nghệ năng lượng sạch như tua bin gió, tấm pin mặt trời, pin xe điện, hệ thống đường truyền tải điện. Khi đó, người lao động ngành than cần được được đào tạo bổ sung chuyên môn về công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản, nguyên vật liệu để có thể làm việc tại các mỏ khai thác, chế biến khoáng sản.

Cùng với đó là đào tạo mới để thích nghi với các yêu cầu của các loại hình công việc mới trong giai đoạn chuyển dịch năng lượng. Ví dụ như các công việc trong ngành năng lượng tái tạo, sản xuất hydro, sản xuất xe điện, sản xuất pin lưu trữ.

Ngoài ra, cần thành lập “Quỹ chuyển dịch năng lượng công bằng” cho ngành than, nhằm hỗ trợ người lao động trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm ổn định cuộc sống sau khi mất việc làm.

4. Lời kết:

Chuyển dịch từ các dạng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu của toàn thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, chuyển dịch năng lượng không chỉ đơn thuần là chuyển sang tiêu thụ các dạng năng lượng ít phát thải, hoặc không phát thải CO2, mà còn là việc hỗ trợ, đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho người lao động bị mất việc làm do quá trình chuyển dịch năng lượng. Việc này sẽ giúp người lao động có thể chuyển sang những công việc phù hợp nhất có thể trên cả phương diện nghề nghiệp chuyên môn và vị trí địa lý.

Chuyển dịch năng lượng chỉ được xem là thành công nếu đặt con người ở vị trí trung tâm, đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động ngành than sau năm 2050. Đây là việc cần sự phối hợp của các cấp, các ngành trong những năm tới./.

TS. PHÙNG QUỐC HUY - TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU NĂNG LƯỢNG CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG (APERC)

Tài liệu tham khảo:

1/ APERC (2022). APERC Coal Report 2022. Asia Pacific Energy Research Centre (APERC). Available for download from https://aperc.or.jp/reports/fossil_fuel_report.php

2/ BP (2022), BP Statistical Review of World Energy, 71th edition. http://www.bp.com/statisticalreview

3/ EGEDA - Expert Group on Energy Data Analysis, APEC Energy Working Group, (2021), APEC Energy Database. https://www.egeda.ewg.apec.org/egeda/database_info/index.html

4/ NDC (2022), Nationally Determined Contributions, https://unfccc.int/documents/622541

5/ Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=207889

5/ Viện Năng lượng (2021). Thống kê năng lượng Việt Nam năm 2020.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động