RSS Feed for Thách thức trong lĩnh vực điện lực của PVN [Kỳ 3]: Các dự án ‘mất phương hướng’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 21:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thách thức trong lĩnh vực điện lực của PVN [Kỳ 3]: Các dự án ‘mất phương hướng’

 - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam/Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVN/PV Power) đang tập trung triển khai xây dựng 3 nhà máy nhiệt điện than (Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1) và chuẩn bị đầu tư các dự án nhiệt điện khí: Nhơn Trạch 3 và 4 sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG), miền Trung 1 và 2 sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh. Đồng thời, nghiên cứu để phát triển một số nhà máy điện khí khác. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án nhiệt điện than đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, tiến độ các dự án đều chậm so với kế hoạch đề ra, đặc biệt là dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và Long Phú 1 đang trong tình trạng bế tắc và mất phương hướng. Dưới đây là phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về 3 dự án điện nêu trên.


Thách thức trong lĩnh vực điện lực của PVN [Kỳ 1]: Nhìn nhận chung

Thách thức trong lĩnh vực điện lực của PVN [Kỳ 2]: Nút thắt ‘sản xuất điện’


KỲ 3: CÁC DỰ ÁN ĐIỆN ĐANG XÂY DỰNG CỦA PVN “MẤT PHƯƠNG HƯỚNG”


I. Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW)

1/ Tình hình thực hiện:

- Tiến độ theo Quy hoạch điện VII: Dự án Nhiệt điệnThái Bình 2 với mục tiêu phải đảm bảo tiến độ phát điện 2016 - là lượng công suất quan trọng phục vụ nhu cầu điện cho giai đoạn sau năm 2016 (từ 2017 đến 2020), gồm cấp điện cho phụ tải tại khu vực miền Bắc và hỗ trợ truyền tải cho khu vực miền Nam. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là công trình cấp bách, cần tiến độ để bù đắp lượng thiếu hụt công suất của Nhiệt điện An Khánh 2 (không còn địa điểm, theo yêu cầu của Tỉnh ủy Thái Nguyên lấy địa điểm nhà máy để dùng cho Khu công nghiệp Sam Sung), Nhiệt điện Công Thanh (chậm tiến độ, thiếu nguồn vốn), và một loạt dự án BOT điện chậm tiến độ do vướng mắc đàm phán hợp đồng BOT kéo dài (Nhiệt điện BOT Hải Dương, Nam Định, Nghi Sơn 2...).

- Tiến độ theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh): Vận hành thương mại tổ máy 1 (năm 2017), tổ máy 2 (năm 2018). 

- Dự án đang triển khai bị chậm, không đạt tiến độ yêu cầu, vì vậy, theo Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/9/2019 của Chính phủ đã xác định tiến độ cấp PAC tổ máy 1 vào tháng 12/2020 và tổ máy 2 vào quí 1/2021.

- Theo đề xuất hiện nay của Tổng thầu PVC: Tiến độ cấp PAC tổ máy 1 vào tháng 9/2022 và tổ máy 2 vào tháng 11/2022 (với điều kiện các cơ chế được cấp thẩm quyền tháo gỡ và kiểm soát được dịch bệnh Covid-19).

- Sau khi có Thông báo số 42/TB-VPCP ngày 25/3/2020, chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (công văn số 98/UBQLV-NL ngày 8/4/2020), HĐTV PVN đã có Nghị quyết số 1797/NQ-DKVN chấp thuận sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân nhằm hoàn thành dự án. PVN đã đánh giá hiện trạng, lên kế hoạch tổng thể để thực hiện.

Đến tháng 10/2020, tổng tiến độ đạt 85,86% (trong đó, thiết kế đạt 99,89%; mua sắm đạt 99,71%; gia công, chế tạo đạt 94,4%; thi công đạt 84,1%; chạy thử đạt 12,75%). Các công việc còn lại chủ yếu là công tác hoàn thiện các hạng mục, gia công chế tạo và lắp đặt kết cấu thép hệ thống vận chuyển than, các gói thầu phục vụ công tác chạy thử và các công trình phục vụ môi trường (giám sát phát thải liên tục...).

Một số hệ thống/thiết bị đã hoàn thành công tác chạy thử và đáp ứng yêu cầu như: Hệ thống cung cấp nước ngọt đã hoàn thành lắp đặt, chạy thử cấp nước nhà máy; hệ thống xử lý nước và nước thải đã hoàn thành lắp đặt, chạy thử hệ thống sản xuất nước khử khoáng đạt yêu cầu; sân phân phối 220 kV đã nhận điện và cấp điện chạy thử nhà máy; lò hơi phụ; hệ thống HVAC đã hoàn thiện lắp đặt và đang tiến hành chạy thử…

- Công tác giải ngân và giá trị khối lượng công việc còn lại:

Dự án đã giải ngân 1.010,05 triệu USD và 11.732,94 tỷ VNĐ (tương đương 33.614,85 tỷ VNĐ, với tỷ giá bình quân 21.664 VNĐ/1 USD). Giá trị khối lượng còn lại chưa thực hiện theo tổng mức đầu tư (TMĐT) - điều chỉnh (lần 2) là 67,59 triệu USD và 4.520,91 VNĐ (tương đương 5.942,85 VNĐ, với tỷ giá 21.036VNĐ/1 USD).

Giá trị giải ngân hợp đồng EPC là 819,66 triệu USD và 7.015,23 tỷ VNĐ (tương đương 24.772,23 tỷ VNĐ, với tỷ giá bình quân 21.664VNĐ/1 USD). Giá trị khối lượng còn lại chưa thực hiện của hợp đồng EPC là 48,42 triệu USD và 2.430,18 VNĐ (tương đương 3.448,85 VNĐ với tỷ giá 21.036VNĐ/1 USD). Thuế hợp đồng EPC là 2.645,23 tỷ VNĐ.

- Chất lượng thiết bị của nhà máy:

Công tác kiểm định thiết bị được thực hiện đúng quy định. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra; các chuyên gia của Toshiba (Nhật Bản) cũng đã kiểm tra tua bin, kết quả đánh giá đảm bảo chất lượng, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, do thời hạn bảo hành thiết bị chính đã hết hạn, khả năng bảo quản, bảo dưỡng của PVC hạn chế sẽ là thách thức về duy trì chất lượng thiết bị.

Để bảo đảm chất lượng thiết bị, các hệ thống/thiết bị trong dự án được phân chia thành các mức rủi ro để quản lý. Quan trọng nhất vẫn là thúc đẩy tiến độ, sớm đưa các hệ thống thiết bị vào vận hành.

2/ Khó khăn, vướng mắc:

Thứ nhất: Sau khi những sai phạm của Lãnh đạo PVC (Nhà thầu EPC) và một số Lãnh đạo PVN bị xử lý theo pháp luật ở các mức độ khác nhau, kể từ cuối năm 2017 đến nay (gần 3 năm nay), dự án chỉ được thi công xây dựng cầm chừng, nếu không nói là đình trệ.

Trước đây, mỗi ngày công trường có hơn 1.000 kỹ sư, người lao động làm việc thì nay rất thưa thớt (chỉ từ 50 đến 100 người), chủ yếu để duy trì các công việc bắt buộc nhằm bảo đảm an toàn, chất lượng thiết bị. Lý do là người lao động và các đơn vị tham gia lo sợ vướng mắc pháp lý. Đồng thời, các ngân hàng hiện nay từ chối cấp tín dụng cho dự án nên người lao động cũng không thể tiếp tục công việc. Hàng loạt cán bộ, kỹ sư có trình độ tay nghề cao đành phải ra đi trong nuối tiếc để chuyển tới nơi khác làm việc an toàn hơn, mặc dù họ biết hơn bao giờ hết công việc bây giờ của dự án đòi hỏi lao động có tay nghề để hoàn chỉnh dự án.

Thứ hai: Vướng mắc chính hiện nay là về chủ trương, cơ chế. Cơ chế theo Quyết định 2414/2013/QĐ-TTg không có hướng dẫn cho dự án chuyển tiếp. Hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến nay có nhiều thay đổi, chưa đồng bộ, thống nhất. Đặc biệt là cách hiểu, áp dụng khác nhau, dẫn đến khó vận dụng và nhiều rủi ro trong cả khâu tham mưu, đề xuất, quyết định. Vấn đề là cấp thẩm quyền có cho phép PVN tiếp tục được làm hay không và làm trên cơ sở gì?

Thứ ba: PVN đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, trong đó có nội dung về việc áp dụng cơ chế chính sách đặc thù quy định tại Quyết định số 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giá trị TMĐT điều chỉnh (lần 2). Từ đó, Thường trực Chính phủ đã thống nhất kết luận tại Thông báo số 42/TB-VPCP ngày 25/3/2020 cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để tiếp tục thực hiện, hoàn thành dự án. 

Từ khi có Thông báo số 42/TB-VPCP ngày 25/3/2020 cho đến tháng 5 năm 2020 (trước khi Thanh tra Chính phủ công bố dự thảo Kết luận thanh tra lần đầu vào ngày 13/5/2020) chỉ trong vòng 2 tháng, mặc dù bị ảnh hưởng lớn do đại dịch toàn cầu Covid-19, PVN và Tổng thầu PVC cùng các đơn vị với niềm tin khó khăn về nguồn vốn đã được tháo gỡ, đã tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy tiến độ dự án. (Thực tế, trong giai đoạn này, tiến độ tổng thể tăng khoảng 01%, trong đó khối lượng thi công lắp đặt tăng được khoảng 1,8%).

Tuy nhiên, từ khi có dự thảo (lần 1) Kết luận thanh tra, các nhà thầu đã rất lo lắng về các nội dung thanh tra, chỉ thi công cầm chừng, hoặc tạm dừng công việc trên công trường. Trên thực tế, từ tháng 8/2020 đến nay, công trường gần như bị đình trệ, tạm dừng, đặc biệt là công tác chạy thử bị dừng hoàn toàn. 

Thứ tư: TMĐT điều chỉnh (lần 2 - năm 2016) và điều chỉnh giá/hình thức hợp đồng EPC được PVN thực hiện sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương chấp thuận, tuy nhiên theo Kết luận Thanh tra số 1325/KL-TTCP  ngày 4/8/2020  của Thanh tra Chính phủ là chưa đúng quy định nên cần phải tiếp tục làm rõ. 

Thứ năm: Cơ cấu giá của hợp đồng EPC đã được ký với giá tạm tính và PVN kiến nghị từ năm 2017 đến nay, tuy nhiên chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn để các bên có cơ sở ký kết giá chính thức hợp đồng EPC.

Thứ sáu: Các vướng mắc khác như áp dụng định mức, đơn giá; một số hạng mục chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp lập dự toán chi tiết…

Thứ bảy: Các khó khăn, tranh chấp với các nhà thầu nước ngoài như SDC, FLSmidth, WorleyParsons, hợp đồng chạy thử, về thời hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh bảo hành thiết bị, cũng như các khoản thanh toán đến hạn.

Thứ tám: Vướng mắc trong đàm phán hợp đồng mua bán điện: Theo Thông tư 56/2014/TT-BCT, PVN sẽ được đàm phán giá điện (lần 2) theo vốn đầu tư quyết toán dự án, nhưng việc áp dụng TMĐT lần đầu trong tính toán giá điện (lần 1) sẽ làm nhà máy mất cân bằng tài chính nghiêm trọng trong giai đoạn đầu vận hành thương mại khi chưa thể quyết toán ngay vốn đầu tư.

3/ Nhận xét, đánh giá:

Một là: Thực tiễn vận hành hệ thống điện cho thấy: Do chậm tiến độ của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (tại miền Bắc), Long Phú 1 (tại miền Nam) và một loạt các dự án nhiệt điện BOT khác, trong giai đoạn 2017 - 2019, hệ thống điện Việt Nam đã phải đối mặt với những giai đoạn căng thẳng về cung cấp điện, truyền tải công suất Bắc - Trung -  Nam phải thường xuyên vận hành ở cận giới hạn ổn định, nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.

Điển hình là ngày 21/6/2019, hệ thống điện quốc gia phải huy động phát điện tới 2.100 MW bằng đốt dầu DO có chi phí đắt đỏ (cao hơn cả năng lực công suất đặt của các nhà máy nhiệt điện dầu của hệ thống). Ngày 28/6/2019, lúc 11h30, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã phải lệnh hạn chế phụ tải (cắt tải chủ động) trên toàn hệ thống điện là 1.300 MW (trong đó giảm tải ở miền Bắc là 1.000 MW, ở miền Trung là 300 MW) do thiếu hụt nguồn điện và đường dây 500 kV Bắc - Nam nguy cơ bị tách khỏi hệ thống. Điều này thể hiện rõ, công trình Nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200 MW đang cần thiết cấp bách vào vận hành chống thiếu điện cho hệ thống đến mức nào.

Hai là: Một vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là chất lượng các thiết bị liệu có bảo đảm khi dự án đã “treo” ba năm qua. Trong thực tế, chỉ có thể tiến hành chạy thử mới có thể khẳng định được chất lượng thiết bị đã lắp đặt. Dù PVN và PVC đã cố gắng thực hiện đúng quy định về công tác kiểm định thiết bị, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, nhưng do tiến độ kéo dài, thời hạn bảo hành thiết bị chính đã hết, năng lực bảo quản, bảo dưỡng của PVC hạn chế, cho nên muốn duy trì chất lượng thiết bị, không còn cách nào khác là phải thúc đẩy tiến độ, hoàn thành chạy thử, sớm đưa nhà máy vào vận hành. 

Để có cơ sở hoàn thành dự án, PVN đã cùng tư vấn PMC và PVC rà soát, đánh giá lại phạm vi công việc còn lại, yêu cầu kỹ thuật, tài chính... phân tích các phương án lựa chọn nhà thầu để hoàn thành dự án. PVN kiến nghị cho phép dự án được tiếp tục kế thừa cơ sở pháp lý, hiện trạng dự án đã được cấp thẩm quyền chấp thuận. Cụ thể:

- Về cơ chế, được tiếp tục áp dụng cơ chế theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg.

- Về TMĐT, thực hiện quản lý chi phí, thanh quyết toán và tính toán giá điện theo TMĐT điều chỉnh (lần 2) đã được phê duyệt năm 2016.

- Về Tổng thầu EPC và hợp đồng EPC, duy trì PVC là Tổng thầu EPC và tiếp tục thực hiện theo hợp đồng EPC điều chỉnh (bao gồm các phụ lục đã ký). PVN sẽ chủ động cắt giảm phạm vi công việc, hợp đồng EPC đối với những công việc Tổng thầu PVC triển khai chậm, gặp khó khăn để chủ đầu tư tổ chức thực hiện... 

Những sai phạm trong quá trình triển khai dự án trước đây đã được các cơ quan chức năng xử lý, những người vi phạm đã bị trả giá bằng các hình thức theo quy định của pháp luật. Hiện tại, tất cả các rủi ro của dự án về chi phí, chất lượng, đều gắn liền với tiến độ.

Mặc dù các Lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm dự án, tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo, đơn cử, ngày 14/2/2019 phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc để tiếp tục thực hiện Nhiệt điện Thái Bình 2.

Tiếp đến, ngày 23/7/2019 tại công trường, 4 vị Ủy viên Trung ương đã chủ trì họp bàn thống nhất “giải cứu” tháo gỡ cho PVN tiếp tục thực hiện dự án với phương châm phải đảm bảo bảo toàn vốn nhà nước, đưa dự án vào hoạt động; Thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp và có thông báo 42/TB-VPCP ngày 25/3/2020 cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để tiếp tục thực hiện, hoàn thành dự án.

Gần đây nhất, ngày 5/12/2020 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến công trường kiểm tra thực tế và nghe ý kiến của các bộ, ban ngành và địa phương, chỉ đạo “phải khẳng định quyết tâm thực hiện dự án này, không để kéo dài. Những vi phạm đã được thanh tra chỉ rõ thì xử lý, còn những vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm thì không hồi tố”. Những nội dung này đã thể hiện khẳng định chủ trương của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ là cần tiếp tục thực hiện, hoàn thành xây dựng, đưa nhà máy điện vào vận hành.

Tuy nhiên, muốn thúc đẩy tiến độ dự án, cần có cơ chế, hành lang pháp lý cho dự án tiếp tục thực hiện. Và những vấn đề này phải được thể hiện bằng văn bản, thể hiện cái tâm của người tham mưu và người có thẩm quyền, xóa bỏ tư duy e dè khi “đặt bút ký” tiếp tục triển khai dự án để người lao động yên tâm, ổn định tâm lý phục vụ sản xuất.

Hơn lúc nào hết, giờ đây chủ đầu tư dự án và những người lao động trong ngành ngày đêm ngóng chờ quyết định của cấp thẩm quyền để được tiếp tục thực hiện dự án, tránh lãng phí hàng nghìn tỷ đồng đã đầu tư và góp phần giảm thiếu điện cung cấp cho nền kinh tế quốc dân. 

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nghe ý kiến của các bộ, ban, ngành và địa phương về những bế tắc trong dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (ngày 5/12/2020). Nguồn ảnh PVN.
 


II. Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 (1.200 MW)

1/ Tình hình thực hiện:

- Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh): Vận hành thương mại tổ máy 1 năm 2018, tổ máy 2 năm 2019. Thực tế hiện nay, không xác định được tiến độ cụ thể do Tổng thầu Power Machines (PM - Nga) đang bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách cấm vận. Hiện PM đang khởi kiện PVN tại SIAC.

- Đến nay, khối lượng hoàn thành công việc ước tính đạt 77,56% so với kế hoạch.

- Lũy kế giá trị giải ngân là khoảng 12.539,6 tỉ VNĐ (bao gồm cả VAT).

- PM đơn phương thông báo chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC dự án Nhiệt điện Long Phú 1 vào ngày 28/1/2019 vì không tìm được giải pháp xử lý các ảnh hưởng do Lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ và chính thức dừng công việc kể từ ngày 15/3/2019.

- Hiện tại, các hoạt động trên công trường chỉ là công tác bảo quản, bảo dưỡng vật tư thiết bị đã được vận chuyển về và đã lắp đặt vào vị trí.

- Tổng khối lượng vật tư, thiết bị, hàng hóa nhập khẩu và gia công chế tạo trong nước đã được PM, các nhà thầu giao đến công trường đạt khoảng 82 nghìn tấn. Trong đó, khoảng 18 nghìn tấn khối lượng thiết bị đã được lắp đặt/đưa lên vị trí.

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 200/TB - VPCP ngày 10/12/2019, PVN đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực tuyến với PM trong các tháng: 12/2019, 2/2020, 4/2020, 5/2020, 6/2020, 7/2020 về các phương án tiếp tục triển khai dự án Nhiệt điện Long Phú 1.

Tuy nhiên, do các đề xuất của PM để có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC vượt thẩm quyền quyết định của PVN và không phù hợp với quy định của hợp đồng EPC, không tuân thủ quy định của Pháp luật Việt Nam, PVN đã có báo cáo đến Bộ Công Thương, Tổ công tác Chính phủ tại các công văn số 184/DKVN-Đ&NLTT ngày 25/5/2020, 193/DKVN-Đ&NLTT ngày 2/6/2020 và công văn số 310/DKVN-Đ&NLTT ngày 14/8/2020.

- Tổ công tác Chính phủ về dự án Nhiệt điện Long Phú 1 được thành lập theo Quyết định số 54/QĐ - TTg ngày 7/7/2020. Tổ công tác Chính phủ đã có Công văn số 672/TCTLP1 ngày 4/9/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng thể các khó khăn, vướng mắc của dự án này.

2/ Khó khăn, vướng mắc:

Một là: Thẩm định, phê duyệt Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án.

PVN đã có Công văn số 5741/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25/9/2018 trình Bộ Công Thương thẩm định Hồ sơ Tổng mức đầu tư (TMĐT) điều chỉnh của dự án Nhiệt điện Long Phú 1. Bộ Công Thương có Công văn số 598/BCT - ĐL ngày 8/7/2019 yêu cầu PVN rà soát, thẩm định lại TMĐT điều chỉnh của dự án trên cơ sở phương án lựa chọn để xử lý hợp đồng EPC với Nhà thầu PM được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tổ công tác chính phủ đánh giá dự án không thuộc diện được điều chỉnh theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, do đó việc điều chỉnh dự án để điều chỉnh Tổng mức đầu tư không thuộc thẩm quyền Chính phủ.

Hai là: Đề xuất của PM để tiếp tục thực hiện Hợp đồng EPC:

Sau thời gian dài đàm phán, PVN đánh giá các phương án do PM đề xuất đến thời điểm hiện tại được đánh giá là không có tính khả thi, vì:

Thứ nhất: Chi phí phát sinh cao, không tuân thủ các quy định của hợp đồng EPC đã ký, không tuân thủ các quy định Pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Thứ hai: Không đảm bảo giải quyết được triệt để các khó khăn do lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ (như phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán, khả năng các bên liên quan sẽ bị Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp/thứ cấp...).

Thứ ba: Không có giải pháp để thu xếp đủ vốn cho dự án.

Thứ tư: Dựa trên các thông tin về Công ty TKZ do nhà thầu PM cung cấp, TKZ có thể được đánh giá là không đủ năng lực, kinh nghiệm và tài chính đáp ứng các tiêu chí tổng thầu để thực hiện theo các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu EPC của dự án Nhiệt điện Long phú 1.

3/ Nhận xét, đánh giá:

Một là: Hiệu quả đầu tư của dự án.

​PVN đã giao Viện Dầu khí Việt Nam phân tích mô hình tài chính, đánh giá hiệu quả kinh tế, tài chính dự án với tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh được trình Bộ Công Thương tại Công văn số 5741/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25/9/2018, các phương án và giá chào của PM như trên. Kết quả phân tích mô hình tài chính của Viện Dầu khí Việt Nam khẳng định: Với các giá trị phát sinh do Nhà thầu PM yêu cầu (từ 600 - 686 triệu USD) thì dự án không còn hiệu quả kinh tế - tài chính.

Hai là: Giấy phép đầu tư của dự án.

​Giấy phép đầu tư của dự án đã hết hạn (từ tháng 2/2019), vì vậy dự án sẽ không tiếp tục được áp dụng các cơ chế ưu đãi đầu tư của UBND tỉnh Sóc Trăng. Để gia hạn Giấy chứng nhận đầu tư thì cần cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tiến độ hoàn thành của dự án, trong khi ở thời điểm hiện tại thì không đủ cơ sở để xác định tiến độ khả thi để hoàn thành dự án.

Ba là: Hiện tại, PM đang đẩy ảnh hưởng của vụ việc vượt quá phạm vi mâu thuẫn kinh tế đơn thuần, có tác động nhất định tới lĩnh vực quan hệ khác. Các phương án PM đề xuất để hai bên có thể tiếp tục, hoặc đồng thuận chấm dứt thực hiện hợp đồng đều vượt quá thẩm quyền quyết định của PVN, đặc biệt là về việc tăng giá hợp đồng, miễn trừ trách nhiệm thu xếp vốn và giảm phạm vi công việc của PM. Vì vậy, dự án đang đi vào bế tắc, không xác định được phương hướng.

Hiện tại, việc giải quyết vướng mắc của dự án đòi hỏi quyết sách tổng thể và kịp thời của Chính phủ để có phương án giải quyết dứt điểm, vì càng để lâu càng hỏng thiết bị, khó khắc phục và càng mất hiệu quả dự án. Đặc biệt, sẽ càng chậm tiến độ, thiếu nguồn cấp điện cho nền kinh tế.

Một trong những việc PVN có thể thực hiện là huy động các nguồn lực để bảo trì, giảm mức hư hỏng những thiết bị đã được lắp đặt đến điểm dừng kỹ thuật. Tuy vậy, nội dung này cũng rất khó khăn, nhiều rủi ro cho PVN khi không xác định được nguồn chi phí cho hạng mục của dự án.

III. Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 (1.200 MW)

1/ Tình hình thực hiện:

- Theo tiến độ của Quy hoạch điện VII (điều chỉnh): Phát điện cả 2 tổ máy trong năm 2019. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

- Dự án đang triển khai chậm 2 năm so Quy hoạch (vì nhiều lý do trước đây), như quá trình lựa chọn nhà cung cấp thiết bị khử lưu huỳnh kéo dài do vượt dự toán gói thầu và xử lý tình huống do yếu tố khiếu kiện, chậm hoàn thành đường dây 500 kV Sông Hậu - Đức Hòa cấp điện cho công tác chạy thử. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân về cơ chế điều chỉnh giá, về thay đổi khối lượng so với hợp đồng đã ký và cả về công tác điều hành thực hiện dự án. Vì vậy, Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/9/2019 của Chính phủ, nêu yêu cầu vận hành thương mại tổ máy số 1 vào tháng 6/2021 và tổ máy số 2 vào tháng 9/2021.

- Tổng tiến độ lũy kế thực hiện của dự án tính đến cuối tháng 11/2020 đạt khoảng 90,02 %, trong đó thiết kế đạt 99,83%, mua sắm đạt 99,83%, thi công đạt 95,46 %, chạy thử đạt 41,94 %. PVN và Tổng thầu LILAMA phấn đấu hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 69/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2019. Cụ thể là vận hành thương mại tổ máy số 1 vào tháng 6/2021 và tổ máy số 2 vào tháng 9/2021.

Lũy kế giá trị giải ngân (tạm ứng, thực tế thanh toán sau khi trừ các khoản) hợp đồng EPC đến 30/11/2020 không bao gồm thuế: 764,47 triệu USD (gồm giá trị USD thanh toán bằng VNĐ: 65,15 triệu USD - tương đương 1.729,91 tỷ đồng) và 6.497,88 tỷ đồng (trong đó tạm ứng 136,46 triệu USD và 1.507,24 tỷ đồng - tương đương 24.061,69 tỷ đồng).

Về công tác thi công, trong thời gian qua, PVN đã yêu cầu Tổng thầu và các nhà thầu phụ thực hiện các phương án khả thi để rút ngắn tiến độ như: Tăng ca, làm thêm giờ, tập trung thêm nhân lực và thiết bị để đẩy nhanh công tác thi công; chủ động đánh giá và thay thế/bổ sung Nhà thầu phụ thi công không đáp ứng chất lượng, tiến độ thi công. 

Hiện nay, dự án đang tập trung hoàn thành một số hạng mục xây dựng, lắp đặt còn lại, đồng thời thực hiện công tác chạy thử, nghiệm thu các hệ thống chính của Nhà máy. 

- Dự án đã đạt được một số mốc chính đến cuối tháng 11/2020 như sau:

+ Đóng điện thành công Sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Sông Hậu và máy biến áp tổ máy vào ngày 10/7/2020.

+ Đốt lửa lò hơi tổ máy số 1 (lần đầu) bằng dầu thành công vào ngày 28/7/2020.

+ Hoàn thành công tác thông thổi lò hơi tổ máy 1 vào ngày 26/8/2020.

+ Hòa đồng bộ lưới điện lần đầu tổ máy số 1 (bằng dầu) vào hệ thống điện quốc gia 500 kV vào ngày 26/11/2020.

- Mốc tiến độ chính dự kiến hoàn thành:

+ Hòa đồng bộ lần đầu tổ máy 1 bằng than vào tháng 2/2021.

+ Vận hành thương mại tổ máy 1 vào tháng 6/2021.

+ Vận hành thương mại tổ máy 2 vào tháng 10/2021.

Căn cứ tình hình triển khai dự án, PVN và Tổng thầu LILAMA phấn đấu hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 69/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2019, cụ thể vận hành thương mại tổ máy số 1 vào tháng 6/2021 và tổ máy số 2 vào tháng 9/2021.

2/ Khó khăn, vướng mắc:

Thứ nhất: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 thực hiện cơ chế đặc thù theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ chế này bắt buộc chủ đầu tư phải tham gia sâu vào các bước triển khai công việc như rà soát kỹ thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công, quá trình lựa chọn nhà cung cấp vật tư/vật liệu đầu vào... của nhà thầu nhằm đảm bảo kiểm soát, tối ưu chi phí để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Điều này yêu cầu Chủ đầu tư phải có nhiều kinh nghiệm, quản lý điều hành bài bản và có kế hoạch chủ động chi tiết.

Thứ hai: Vướng mắc về định mức, đơn giá: Các bộ định mức, dự toán xây dựng mới cần phải thuê tư vấn lập, chủ đầu tư rà soát, thẩm định, báo cáo trình các cấp thẩm quyền xem xét… Nhưng quá trình triển khai của dự án này mất rất nhiều thời gian, qua nhiều bước, thủ tục, nhất là trong giai đoạn “nhạy cảm” vừa qua và hiện nay. 

Thứ ba: Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19: Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã tác động tiêu cực đến tình hình triển khai dự án. Hiện nay các công việc trên công trường bị ảnh hưởng do: (i) Khó khăn trong việc điều động các chuyên gia nước ngoài của các hãng/nhà cung cấp thiết bị để kiểm tra, thử nghiệm theo kế hoạch; (ii) Việc huy động nhân lực thi công trên công trường bị ảnh hưởng do chính sách hạn chế đi lại v.v…

Thứ tư: Một số khoản chi phí theo hợp đồng tại thời điểm đã ký chưa có quy định/hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước/cấp thẩm quyền như: Thu nhập chịu thuế tính trước của Tổng thầu cho phần thiết bị và dịch vụ nhập khẩu cũng như chi phí tư vấn tổng thầu v.v... Do đó, cần phải báo cáo xin hướng dẫn, chấp thuận của cấp thẩm quyền mới có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Thứ năm: Vướng mắc trong đàm phán hợp đồng mua bán điện: Theo Thông tư 56/2014/TT-BCT, PVN sẽ được đàm phán giá điện lần hai theo vốn đầu tư quyết toán dự án (của TMĐT gần nhất là 40,55 nghìn tỷ VNĐ), nhưng việc áp dụng TMĐT lần đầu trong tính toán giá điện (lần 1) sẽ làm nhà máy mất cân bằng tài chính nghiêm trọng trong giai đoạn đầu vận hành thương mại khi chưa thể quyết toán ngay vốn đầu tư.

Cụ thể, theo tính toán việc sử dụng TMĐT (lần đầu) để tính giá điện, nhà máy sẽ bị lỗ 9 năm đầu với tổng số lỗ lũy kế khoảng 11.096 tỷ VNĐ, thay vì chỉ lỗ 3 năm đầu tiên với tổng số lỗ lũy kế khoảng 5.258 tỷ VNĐ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, cùng các cơ quan liên quan kiểm tra công trường Nhiệt điện Sông Hậu 1 (tháng 7/2017).


3/ Nhận xét, đánh giá:

Một là: Nhận xét, đánh giá chung về những khó khăn, thách thức tại dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1:

- Nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do việc xử lý các vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp hệ thống khử lưu huỳnh (FGD).

- Chậm xây dựng đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa (mặc dù EVN đã xây dựng đường dây 22 kV cấp tạm cho công tác chạy thử nghiệm thu nhưng không đủ công suất chạy thử các phụ tải công suất lớn).

- Việc xử lý các vấn đề liên quan đến thẩm định, thỏa thuận các định mức - đơn giá, thẩm tra thiết kế/dự toán bị kéo dài (các bộ định mức/đơn giá đã được PVN, Ban QLDA/Tư vấn trình Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, tuy nhiên công tác xem xét, ban hành mất nhiều thời gian, kéo dài hàng năm trời, gây khó khăn cho việc thanh toán khối lượng để nhà thầu có nguồn lực thực hiện các công việc tiếp theo).

- Năng lực và công tác tổ chức thi công thực tế của một số nhà thầu phụ chưa đảm bảo yêu cầu dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực, máy móc thiết bị thi công, vật tư vật liệu.

- Việc điều hành của Ban Quản lý dự án trước đây còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm đôn đốc kế hoạch chi tiết và bị động.

Hai là: Hiện nay, tiến độ đang được điều hành sát sao theo các mốc tiến độ mới, có thể đảm bảo được tiến độ theo Nghị quyết 69/2019/NQ-CP của Chính phủ.

Có thể xác định, việc hoàn thành dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 trong năm 2021 là khả thi nhất trong 3 dự án điện đang xây dựng của PVN. Vì vậy, PVN cần xác định đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành Dầu khí Việt Nam định hướng đến năm 2030. Việc hoàn thành dự án còn thể hiện uy tín của PVN đối với Chính phủ, với ngành và với nhân dân trong giai đoạn hiện nay. 

Kỳ tới: Những khó khăn hiện hữu tại các dự án điện (đang chuẩn bị đầu tư) của PVN. 

NGUYỄN THÁI SƠN - THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động