RSS Feed for Quý 1, điện sản xuất và nhập khẩu tăng 4,1% so với cùng kỳ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 08:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quý 1, điện sản xuất và nhập khẩu tăng 4,1% so với cùng kỳ

 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Trong quý 1/2021, EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân tại các địa phương, đặc biệt đảm bảo tăng cường cấp điện cho các bệnh viện, cơ sở y tế và các khu vực cách ly tập trung phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Lũy kế 3 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 59,65 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.


Chủ tịch EVN trả lời phỏng vấn chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam


Trong đó: Thủy điện huy động 13,86 tỷ kWh, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2020; nhiệt điện khí huy động 7,44 tỷ kWh, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm 2020; nhiệt điện than huy động 29,75 tỷ kWh, giảm 12,4 % so với cùng kỳ năm 2020; năng lượng tái tạo huy động 7,79 tỷ kWh, tăng 180,6% so với cùng kỳ năm 2020 (điện mặt trời huy động 7,13 tỷ kWh). Điện nhập khẩu 405 triệu kWh, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2020...

Trong quý 1, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 29,22 tỷ kWh, chiếm gần 49% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống. Trong đó, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện do EVN sở hữu 100% vốn (không tính EVNGENCO3 và các công ty cổ phần) đạt 16,89 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 28,3%.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong quý 1 ước đạt 50,81 tỷ kWh, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, từ năm 2020, EVN đã triển khai thí điểm việc tích hợp các hệ thống kỹ thuật và kinh doanh nhằm giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới.

Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2021: Chỉ số SAIDI (thời gian mất điện kéo dài trung bình của khách hàng) là 262,7 phút, giảm 43,9%% so với cùng kỳ năm 2020; chỉ số SAIFI (tần suất mất điện kéo dài trung bình) là 2,02 lần, giảm 28,87% so cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 67,52%. Tỷ lệ số tiền điện được thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt gần 90%.

Về công tác đầu tư xây dựng, EVN đã đôn đốc các đơn vị xử lý vướng mắc trong công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, đường dây 500 kV mạch 3, đường dây 500 kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 và các dự án 110kV.

Về nguồn điện, Hội đồng nghiệm thu cấp Chủ đầu tư EVN đã nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng cụm cửa xả - dự án Thủy điện Tích năng Bác Ái (giai đoạn 1).

Về đầu tư lưới điện, EVN và các đơn vị đã khởi công 27 công trình; hoàn thành đóng điện 27 công trình lưới điện 110 kV đến 500 kV, trong đó có những dự án lưới điện cấp bách: Đóng điện tuyến 2 đường dây 500 kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện quốc gia, đóng điện nâng công suất trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh...

Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước tiếp tục tập trung phòng chống dịch COVID-19, EVN và các đơn vị đã và đang tiếp tục thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”: Vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo cung cấp điện và các hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển KT-XH đất nước.

Với nhận định quý 2 hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô, đặc biệt trong bối cảnh nguồn điện năng lượng tái tạo có tỷ trọng cao.

Tháng 4/2021, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 713,6 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 38.285 MW. Trong thời gian tới, hiện tượng thừa nguồn vào giờ thấp điểm trưa, quá tải lưới điện gây tiết giảm năng lượng tái tạo được nhận diện sẽ tiếp tục xuất hiện. Công tác vận hành hệ thống nói chung và đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp như thừa nguồn, quá tải lưới yêu cầu tính chính xác, kỷ luật và tuân thủ quy định điều độ ở mức cao nhất đối với tất cả các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện trong HTĐ Quốc gia.

Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 4/2021 là: Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt người dân; đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV và kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5. Khai thác nhiệt điện than và tua bin khí theo cấu hình nguồn, nhằm khai thác tối đa có thể năng lượng tái tạo; điều tiết các hồ thủy điện bám sát kế hoạch năm và đảm bảo cấp nước hạ du cho các địa phương. Các Tổng Công ty Phát điện đảm bảo khả dụng các tổ máy cao nhất có thể trong các tháng mùa khô. Vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc - Nam.

Về công tác đầu tư xây dựng, trong tháng 4 và thời gian tới, hoàn thành phát điện thương mại tổ máy 2 dự án Thủy điện Thượng Kon Tum; phấn đấu khởi công dự án Thủy điện Ialy mở rộng và dự án điện mặt trời Phước Thái 2 và 3; chuẩn bị mặt bằng và các điều kiện để khởi công dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Dung Quất.

Đối với dự án đường dây 500 kV mạch 3, đôn đốc thi công, phấn đấu đóng điện đoạn Dốc Sỏi - Pleiku 2 (trong tháng 4/2021), đôn đốc các đơn vị trong phối hợp bồi thường GPMB theo công điện 393/CĐ-TTg ngày 29/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.../.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động