RSS Feed for Chủ tịch EVN trả lời phỏng vấn chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 10:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chủ tịch EVN trả lời phỏng vấn chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Trao đổi với chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành khẳng định: Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn nỗ lực đầu tư mở rộng mạng lưới, tăng công suất, đảm bảo cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân với chất lượng ngày càng tăng. 66 năm là chặng đường không dài, tuy nhiên, có thể khẳng định, ngành Điện đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử: “Điện đi trước một bước”, có đóng góp to lớn cho đất nước, nhân dân, nhất là đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Điện lực Việt Nam: 66 năm thắp sáng niềm tin


Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trước tiên, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin chân thành chúc mừng EVN vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhân dịp này, xin ông cho biết một số thành tựu nổi bật EVN đã đạt được trong những năm qua?

Ông Dương Quang Thành: Một số thành tựu nổi bật của EVN trong thời gian qua có thể kể đến:

Thứ nhất: Đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân:

Do ảnh hưởng bão lũ và đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành kinh tế trong cả nước nên nhu cầu điện năm 2020 tăng trưởng thấp hơn so kế hoạch dự kiến.

Điện thương phẩm toàn EVN ước đạt 216,95 tỷ kWh, tăng trưởng 3,42% so với năm 2019. Đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300 MW, tăng gần 14.000  MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430 MW, chiếm tỷ trọng 25,3%, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thư 2 trong ASEAN và thứ 23 thế giới.

Thứ hai: Khẩn trương khắc phục kịp thời hậu quả bão lụt để khôi phục nhanh việc cung cấp điện cho người dân:

Năm 2020, tình hình thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trong các tháng 9 đến tháng 11 liên tiếp có mưa lớn và 6 cơn bão đổ bộ vào khu vực miền Trung gây sạt lở đất, đá, ngập lụt, ảnh hưởng nặng nề hạ tầng cung cấp điện và việc cung ứng điện cho các tỉnh miền Trung.

Các đơn vị của EVN đã chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tích cực và phối hợp tương trợ của các đơn vị nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, khắc phục nhanh sự cố, đảm bảo an toàn để khôi phục cấp điện trở lại tại những khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất.

Thứ ba: Công tác dịch vụ khách hàng được nâng cao, đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện và chiếm trên 77% giao dịch qua Cổng dịch vụ công Quốc gia:

EVN đã cung cấp 12/12 (100%) các dịch điện trực tuyến mức độ 4 lên Cổng DVCQG. Đã có gần 500 nghìn lượt yêu cầu các dịch vụ điện và gần 1,5 triệu hồ sơ về dịch vụ điện được đăng ký qua Cổng DVCQG. Các dịch vụ điện luôn nằm trong nhóm các dịch vụ nổi bật của Cổng, được nhiều người sử dụng nhất, chiếm tỷ lệ 77,16% số yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương được người dân và doanh nghiệp thực hiện trên Cổng DVCQG.

Thứ tư: Tiên phong về ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh:

Những năm qua, EVN đã ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ các hệ thống công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, cũng như trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Nhờ đó, mang tới nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện và góp phần xây dựng nền kinh tế số. EVN đã ứng dụng nhiều công nghệ mới trong quản lý vận hành để nâng cao độ tin cậy vận hành và tăng năng suất lao động.

Năm 2020, đã có 9 cơ quan, đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam vinh dự được vinh danh Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc.

Thứ năm: Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như tổn thất, năng suất lao động, tái cơ cấu doanh nghiệp:

Tổn thất điện năng của Việt Nam năm 2020 chỉ còn 6,42% - tương đương với các quốc gia tiên tiến trên thế giới, phấn đấu mức TTĐN đến 2025 ở mức 6%.

Năng suất lao động bình quân trong giai đoạn vừa qua đều tăng ở mức khoảng 10%, hiện nay ở mức 2,5 triệu kWh/ người (tương đương Malaysia).

EVN đã xây dựng và triển khai nhiều đề án nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp.

Thứ sáu: Thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện trong 2 đợt với giá trị hơn 12.300 tỷ đồng:

Trong năm 2020, EVN triển khai 2 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng giá trị dự kiến trên 12.300 tỷ đồng với tổng thời gian giảm lên tới 6 tháng, đợt 1 hơn 9.300 tỷ đồng đã được giảm trực tiếp cho khách hàng trong kỳ hóa đơn từ tháng 4 đến tháng 6, đợt 2 với dự kiến số tiền giảm lên trên 3.000 tỷ đồng trong kỳ hóa đơn từ tháng 10 đến tháng 12.

Thứ bảy: Hoàn thành đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo:

Trong năm 2020, EVN và các đơn vị đã hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), dự án cấp điện bằng cáp ngầm cho đảo Trần (Quảng Ninh); đang triển khai đầu tư dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Quảng Ninh) và tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống của cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên huyện đảo.

Tính đến cuối năm 2020, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,54%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.

Thứ tám: Tích cực triển khai đầu tư xây dựng các công trình lưới điện giải toả công suất nguồn năng lượng tái tạo:

Thời gian qua các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa vào vận hành 21 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV với tổng chiều dài đường dây trên 750 km, đáp ứng yêu cầu giải toả công suất số lượng rất lớn các nhà máy điện mặt trời vào vận hành trong thời gian ngắn. Trong đó, EVN đã hoàn thành vượt tiến độ nhiều công trình trọng điểm, như: Nâng công suất các trạm 500 kV Vĩnh Tân, Di Linh; nâng công suất các trạm 220 kV Tháp Chàm, Hàm Tân; hoàn thành đưa vào vận hành các trạm 220 kV mới như Ninh Phước, Phan Rí; đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các tuyến đường dây 110 kV trong khu vực...

Thứ chín: Luôn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua nhiều hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực:

Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện, Tập đoàn và các đơn vị đã thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực. Trong năm 2020, EVN và các đơn vị tiếp tục đóng góp, hỗ trợ các công trình và các hoạt động an sinh xã hội với tổng giá trị hơn 247,2 tỷ đồng, trong đó điển hình là hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách ở một số địa phương; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trường học; ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19; ủng hộ đồng bào bị bão lụt ở miền Trung.

Thứ mười: Đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới:

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong SXKD, lao động sáng tạo từ năm 2009 đến năm 2019, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, Tập đoàn vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.

Có thể nói, ngành Điện Việt Nam mà EVN đóng vai trò chủ đạo là một trong các ngành có tiềm năng và năng lực phù hợp nhất để triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Xin ông cho biết một số thành quả thuộc lĩnh vực này mà các đơn vị của EVN đã thu được trong thời gian qua?

Ông Dương Quang Thành: Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Ngày 10/11/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4246/QĐ-BCT về “Kế hoạch hành động ngành công thương triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”.

Ngay sau đó, EVN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”; Ban hành Nghị quyết số 473/NQ-HĐTV ngày 5/11/2018 và quyết định triển khai các ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 vào toàn bộ các hoạt động của EVN từ khâu phát điện, truyền tải, phân phối, kinh doanh dịch vụ khách hàng và công tác quản trị với 36 nhiệm vụ cụ thể giao các đơn vị thực hiện.

Một số thành quả thuộc lĩnh vực này mà các đơn vị của EVN đã thu được trong thời gian qua là:

EVN luôn được Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các tập đoàn, các tổ chức đánh giá là đơn vị đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ với rất nhiều các giải thưởng qua các năm như giải thưởng Sao Khuê, Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc...

Trong khối nguồn điện, EVN đã triển khai thành công phương pháp sửa chữa bảo dưỡng hướng theo độ tin cậy RCM (Reliability Centered Maintainance) tại Nhà máy Thủy điện Ialy và đang nhân rộng cho khối thủy điện; Ứng dụng AI điều khiển tối ưu quá trình cấp nhiên liệu tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải; Ứng dụng trung tâm quản lý vận hành thông minh Smart OCC tại cụm nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, cụm Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 - Đồng Nai 4; Nghiên cứu ứng dụng IoT trong công tác vận hành, sửa chữa bảo dưỡng tối ưu các nhà máy điện, ứng dụng cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2; ứng dụng công nghệ AI và xây dựng phần mềm dự báo lưu lượng nước về hồ Thủy điện Thác Mơ; nghiên cứu, phát triển hệ thống giám sát lò hơi để hỗ trợ quyết định phương án vận hành và bảo dưỡng tối ưu tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng.

Trong khối lưới điện, hoàn thành 63/63 trung tâm điều khiển các trạm biến áp từ xa; chuyển đổi 670/844 trạm biến áp sang không có người trực. Đã đưa vào vận hành trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 110 kV (Trạm 110 kV Quế Võ 2 - thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc) từ tháng 1/2020 và trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 220 kV (trạm 220 kV Thủy Nguyên - thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia) trong tháng 12/2020; ứng dụng thiết bị bay không người lái để kiểm tra, giám sát tình trạng vận hành của các thiết bị, xử lý sự cố trên lưới điện truyền tải không cần cắt điện; ứng dụng AI trong phân tích xử lý hình ảnh phục vụ công tác quản lý thiết bị, đường dây, đầu tư xây dựng.

EVN đã cơ bản làm chủ công nghệ, đảm bảo chủ động và tiết kiệm cả chi phí và thời gian trong quá trình đầu tư, vận hành tích hợp hệ thống và triển khai cài đặt, cấu hình ghép nối, thí nghiệm hiệu chỉnh hệ thống điều khiển trạm biến áp và trung tâm điều khiển.

Trong khối kinh doanh dịch vụ khách hàng, EVN đã thực hiện cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công ở cấp độ 4 - cấp độ cao nhất với 12/12 dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; triển khai cung cấp hóa đơn điện tử trên cả nước; liên tục nâng cao thời gian cung cấp điện, giảm thời gian gián đoạn cung cấp điện. Chỉ số tiếp cận điện năng của EVN vào nhóm ASEAN 4, được tổ chức Doing Business đánh giá đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế. Một số đơn vị thành viên của EVN như Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội đã được Tập đoàn SPGroup (Singapore) xếp hạng chỉ số lưới điện thông minh (Smart Grid Index) thuộc nhóm các công ty điện lực ứng dụng công nghệ thông minh của 37 quốc gia trên thế giới.

Trong công tác điều độ hệ thống điện, vận hành thị trường điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã ứng dụng công nghệ Bigdata và AI trong dự báo phụ tải hệ thống điện, ứng dụng AGC trong tự động điều khiển giám sát vận hành hệ thống điện, vận hành nguồn năng lượng tái tạo.

Về công tác quản trị, hệ thống văn phòng điện tử (E-office) đã được EVN triển khai xuyên suốt từ công ty mẹ - Tập đoàn tới toàn bộ các đơn vị thành viên, triển khai hệ thống ký số, văn phòng không giấy, ứng dụng triệt để họp hội nghị truyền hình trong toàn Tập đoàn, qua đó giảm được rất nhiều chi phí liên quan tới giấy tờ, chi phí đi lại. EVN đã xây dựng hệ thống quản trị thống nhất toàn Tập đoàn về quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh, trong đó bộ sản phẩm “Phần mềm Quản lý kinh doanh điện (CMIS), phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS), phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) và phần mềm Quản lý văn phòng (E-Office) đã được vinh danh tại giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2020”.

Trong chuyển đổi nhận thức, từ năm 2017 - 2020, EVN đã tổ chức đào tạo 1.032 lượt về CNTT (an ninh, quản lý cơ sở dữ liệu, Bigdata lập trình ứng dụng…) đào tạo 458 lượt chuyên gia tự động hóa nguồn và lưới điện. Từ năm 2018, EVN đã triển khai cổng thông tin đào tạo trực tuyến E-learning cho 1.219.896 lượt học và các kỳ thi trực tuyến, đã đưa các nội dung đào tạo chuyển đổi số trong chương trình đào tạo cán bộ quản lý của Tập đoàn. EVN đã tổ chức rất nhiều các hội thảo về chuyển đổi số, về CMCN 4.0 với các Tập đoàn, tổ chức, chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Trong đó, có thể kể tới hội thảo với đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại trụ sở EVN (được kết nối trực tuyến tới hơn 400 điểm cầu truyền hình trong toàn Tập đoàn); hội thảo trực tuyến với Tập đoàn GE - Mỹ; các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo Tập đoàn EVN với lãnh đạo một số đơn vị, như Tập đoàn SAP, Công ty tư vấn KPMG, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn VinGroup...

Còn các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn trong năm 2021 và giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ này là gì, thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Năm 2021, Tập đoàn đề ra một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu: Điện thương phẩm 228,156 tỷ kWh, tăng 5,16% so với năm 2020; chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, chỉ số SAIDI thấp hơn 349 phút; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn dưới 6,35%; chỉ số tiếp cận điện năng duy trì vị trí trong ASEAN 4; tổng giá trị đầu tư xây dựng 97.124 tỷ đồng; bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, kinh doanh có lợi nhuận.

Năm 2021, dự báo EVN sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sẽ còn có thể kéo dài. Tình hình thời tiết bất thường, nhu cầu phụ tải sẽ có nhiều thời điểm xuống rất thấp, gây khó khăn cho công tác vận hành hệ thống điện.

Nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án điện của EVN trong thời gian tới tiếp tục tăng cao, nhưng các cơ chế, chính sách hỗ trợ huy động vốn ngày càng khó khăn. Trong đầu tư xây dựng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng (đặc biệt là vấn đề giải quyết các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng) còn nhiều vướng mắc. Công cuộc chuyển đổi số chưa có hình mẫu và tiền lệ tại các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam. Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 gắn với lộ trình hình thành và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, sẽ dẫn tới sự xáo trộn nhất định về mô hình, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị và đời sống, thu nhập, việc làm của người lao động.

Trước những thách thức trên, Tập đoàn sẽ tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong quản lý dự án, số hóa các công đoạn đầu tư xây dựng. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả hệ thống điện trong tình hình nguồn điện dư thừa.

Bên cạnh đó, lập kế hoạch sửa chữa bảo dưỡng khoa học, hiệu quả, theo tình trạng thiết bị, đảm bảo các tổ máy sẵn sàng vận hành theo lệnh điều độ; chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị dự phòng cho sửa chữa; siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố lớn. Ứng dụng các công cụ dự báo hiện đại, xây dựng kế hoạch vận hành, điều tiết các hồ thủy điện bám sát diễn biến thực tế, đảm bảo tiết kiệm nước, an toàn trong mùa mưa lũ.

Tích cực triển khai thực hiện chủ đề Chuyển đổi số, trong đó triển khai nhân rộng trong toàn Tập đoàn các kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã được nghiệm thu tại các đơn vị. Nghiên cứu, đề xuất triển khai kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Hoàn thiện số hóa công tác quản trị, quản lý để tiết kiệm chi phí, cân bằng tài chính.

Ngoài ra, hoàn thiện Hệ thống Quy chế Quản lý nội bộ theo hệ thống số hóa. Trong đó hoàn thành công tác xây dựng và trình duyệt các kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để định vị vị trí của Tập đoàn trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hoàn thiện việc sửa đổi phân cấp và hệ thống quy chế quản lý nội bộ của tập đoàn trong tháng 6/2021. Hoàn thành sửa đổi Điều lệ Tập đoàn và các đơn vị trong năm 2021.

Chủ động, tích cực nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật mới có điều chỉnh tổ chức và hoạt động của EVN để kịp thời kiến nghị, đề xuất các nội dung liên quan và thực hiện điều chỉnh các Quy chế quản lý nội bộ của EVN cho thống nhất, phù hợp.

Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư tại các đơn vị trong mọi tình huống. Triệt để tiết kiệm chi phí, đặc biệt là các chi phí mua sắm vật tư thiết bị.

Triển khai các nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, trong đó hoàn thành Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong Tập đoàn trình HĐTV thông qua trong quý 1/2021, để trình Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hoàn thành IPO Tổng công ty Phát điện 2 trong tháng 2/2021 và chuyển thành Công ty cổ phần. Triển khai các thủ tục cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 1 theo kế hoạch được duyệt.

Tập đoàn sẽ thực hiện triệt để các nhiệm vụ và giải pháp thuộc Đề án Quản trị nguồn nhân lực của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khẩn trương hoàn thiện đề án nghiên cứu về năng suất lao động trong EVN, triển khai áp dụng mô hình lương 3P để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và giữ chân nhân sự có chất lượng. Cán bộ, công nhân viên, người lao động của EVN tiếp tục nâng cao năng lực hơn nữa để đáp ứng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trên thế giới, làm chủ công nghệ và quản trị xuất sắc các công việc theo chức trách, nhiệm vụ được phân công.

EVN có kiến nghị gì tới Chính phủ, Bộ Công Thương?

Ông Dương Quang Thành: Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh các thủ tục về quản lý vốn, tài sản, đầu tư xây dựng, giúp EVN thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

Thứ nhất: Chấp thuận bảo lãnh thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư.

Thứ hai: Phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba: Phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 2.

Thứ tư: Chỉ đạo các địa phương hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện.

Kiến nghị Bộ Công Thương:

Một là: Sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở cho EVN các đơn vị triển khai thực hiện.

Hai là: Đẩy mạnh thực hiện các Chương trình Quản lý nhu cầu điện (DSM), Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ba là: Hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến độ nguồn khí Lô B, Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện đồng bộ tại các Trung tâm Điện lực Ô Môn, tua bin khí miền Trung, Dung Quất.

Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC - BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động