RSS Feed for Quá trình áp dụng dán nhãn năng lượng tại Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 22:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quá trình áp dụng dán nhãn năng lượng tại Việt Nam

 - Tại Việt Nam, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề đang rất được quan tâm. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, ước tính mỗi năm nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng khoảng 8-10%. Đây là áp lực rất lớn với ngành điện khi các nguồn năng lượng truyền thống đã được khai thác tới giới hạn.


Dán nhãn năng lượng của một số quốc gia trong khu vực và bài học kinh nghiệm


Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách chiến lược nhằm định hướng cho sự phát triển ngành năng lượng, trong đó có việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng. Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Gần đây nhất, ngày 7 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, trong đó yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ.

Qua đó cho thấy, Chính phủ đã đặt vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là một trong những trọng tâm ưu tiên trong phát triển năng lượng. Trong đó, việc hình thành và thúc đẩy một thị trường sử dụng năng lượng hiệu suất cao là điều không thể chậm trễ.

Với Chương trình dán nhãn năng lượng, Bộ Công Thương đã triển khai dán nhãn tự nguyện từ năm 2008 và bắt buộc thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

Nhãn năng lượng và nhãn năng lượng so sánh hiện hành.

Mục tiêu của Chương trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD) tương đương sẽ giảm lượng khí thải carbon dioxide của 34 triệu tấn vào năm 2030. Lượng tiết kiệm điện quốc gia hàng năm sẽ vào khoảng 6.000 GWh/năm, giảm được nhu cầu tương đương với khoảng hai nhà máy điện đốt than 500 MW (tương đương 1 tỷ USD đầu tư nhà máy điện)

Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu được quy định tại Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gồm: 1-nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, đèn LED, bình nước nóng dự trữ; 2-nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ lạnh, máy tính xách tay; 3-nhóm thiết bị công nghiệp gồm: máy biến áp phân phối, động cơ điện; 4-nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, xe mô tô, xe gắn máy.

Bộ Công Thương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam bao gồm 44 TCVN về phương pháp đo và đánh giá hiệu suất năng lượng cho phương tiện, thiết bị thực hiện dán nhãn năng lượng.

Nhãn năng lượng với hai loại nhãn là (1) Nhãn xác nhận sản phẩm đạt mức hiệu suất năng lượng cao và (2) Nhãn so sánh cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về hiệu suất năng lượng tương ứng mức từ 1 sao đến 5 sao. Số sao càng nhiều, hiệu suất năng lượng càng lớn.

Người tiêu dùng khi chọn mua các sản phẩm thuộc nhóm đối tượng phải dán nhãn năng lượng có thể căn cứ vào nhãn năng lượng được dán trên thiết bị để so sánh hiệu suất năng lượng từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Theo thống kê, đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị đã được dán nhãn năng lượng. Lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường.

Báo cáo của Hội Điều hòa không khí Việt Nam, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hàng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí có hiệu suất cao vào khoảng trên 100 triệu kWh/năm. Theo báo cáo của tổ chức CLASP Mỹ tới năm 2017 gần như toàn bộ 100% các sản phẩm điều hòa tại Việt Nam đã được dán nhãn trên thị trường; số mẫu đạt 4 sao và 5 sao chiếm 62.8%. Uớc tính lượng điện năng tiết kiệm được do loại bỏ đèn sợi đốt có công suất trên 60W khoảng 1.5 tỷ kWh/năm.

Dự báo lượng điện tiết kiệm từ các sản phẩm dán nhãn năng lượng sẽ đạt khoảng 10% vào năm 2020 và con số này có thể lên tới 30% vào năm 2030.

Thúc đẩy thị trường sản phẩm hiệu suất cao nhất

Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau gần 07 năm thực hiện Chương trình dán nhãn bắt buộc, gần 90% thiết bị gia dụng trong nhóm ngành hàng yêu cầu đã được dán nhãn. Chương trình giúp loại bỏ khoảng 45 triệu bóng đèn sợi đốt ra khỏi thị trường, nâng hiệu suất 06 loại sản phẩm tiêu thụ điện phổ biến gồm máy biến áp, điều hòa không khí, nồi cơm điện, quạt, đèn huỳnh quang ống, đèn compact. Trong đó hiệu quả sử dụng điều hòa không khí tăng 13% hàng năm, tiết kiệm khoảng 100 triệu Kwh.

Nhằm tiến thêm một bước trong lộ trình thúc đẩy thị trường hiệu suất năng lượng cao, tháng 02 năm 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) phát động giải thưởng “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất 2020”. Chương trình “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất" được xây dựng tương tự như Chương trình triển khai hợp phần: Nhãn năng lượng hiệu quả nhất của chương trình ENERGY STAR và Top runner của Nhật Bản, ghi nhận mức hiệu suất năng lượng đặc biệt. Chương trình với mục tiêu truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc nhận biết sản phẩm tốt nhất trên thị trường hoặc hiện đại bậc nhất mà không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất.

Nằm trong khuôn khổ chương trình VNEEP3, giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất nhằm tôn vinh các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm tiết kiệm năng lượng có hiệu suất cao hơn, góp phần chuyển dịch thị trường, từng bước loại bỏ các sản phẩm hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng.

Theo ông Đỗ Hữu Hảo, Chủ tịch VECEA, thành viên Hội đồng kỹ thuật, sau 04 tháng triển khai Giải thưởng đã nhận được hàng trăm hồ sơ sản phẩm đăng ký tham dự, với chủng loại sản phẩm đa dạng gồm điều hòa không khí, tủ lạnh, đèn LED, máy biến áp, nồi hơi… “Qua đây có thể thấy, nhu cầu thực tế về thị trường hiệu suất cao và các doanh nghiệp cũng đang ở tâm thế rất sẵn sàng”, ông Đỗ Hữu Hảo cho biết.

Hiện tại, Hội đồng kỹ thuật đã tiến hành chấm qua 02 vòng đầu và kiểm định lần cuối nhằm chọn ra những sản phẩm đạt tiêu chí hiệu suất cao nhất. Giải thưởng dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2020.

Giải thưởng “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất 2020” do Bộ Công Thương bảo trợ là một trong nhiều hoạt động truyền thông thuộc Chương trình VNEEP3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tôn vinh các Doanh nghiệp đứng đầu, có sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao cung cấp cho thị trường Việt Nam, khuyến khích xu hướng tiêu dung xanh, hướng tới sử dụng các sản phẩm ít tiêu hao năng lượng, đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện Lộ trình dán nhãn năng lượng và thực hiện mục tiêu, đến năm 2030 giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5-2% đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1393/QĐ-CP ngày 25/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh).

Các thông tin về giải thưởng được đăng tải trên trang tin chính thức của chương trình VNEEP: tietkiemnangluong.com.vn ./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động