RSS Feed for Phê duyệt kế hoạch sản xuất, đầu tư phát triển của TKV (giai đoạn 2021 - 2025) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 15:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phê duyệt kế hoạch sản xuất, đầu tư phát triển của TKV (giai đoạn 2021 - 2025)

 - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1689/QĐ-TTg, ngày 26/12/2023 phê duyệt Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Than đá trong chuyển dịch năng lượng - Một số gợi ý cho Việt Nam Than đá trong chuyển dịch năng lượng - Một số gợi ý cho Việt Nam

Giả sử rằng: Việt Nam sẽ thực hiện được các cam kết tại COP26 và loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2050, thì vai trò của than vẫn rất quan trọng trong 27 năm tới cho dù nhu cầu về than sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung cấp than ổn định với giá thành hợp lý là một vấn đề không thể xem nhẹ trong những năm tới. Ngoài ra, khi nhu cầu sử dụng than tại Việt Nam giảm dần trong gần 3 thập kỷ tới, vấn đề hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho trên 100.000 người lao động ngành than cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình thực hiện phù hợp cho từng giai đoạn.

Theo Quyết định của Chính phủ: Mục tiêu tổng quát là phát triển TKV trở thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh trên cơ sở phát triển các lĩnh vực công nghiệp than, công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, công nghiệp khoáng sản, công nghiệp điện, vật liệu nổ công nghiệp và các ngành nghề khác; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Phát triển bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Giai đoạn 2021 - 2025 sản xuất 195,019 triệu tấn than thương phẩm:

Đối với lĩnh vực công nghiệp than: Tập trung phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí "Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao". Liên thông các mỏ lộ thiên, hầm lò thành các mỏ có công suất lớn (mỏ lộ thiên công suất trên 3,0 triệu tấn/năm; mỏ hầm lò công suất trên 2,0 triệu tấn/năm). Tiếp tục đầu tư các mỏ than theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia (thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sản xuất được 195,019 triệu tấn than thương phẩm, nhập khẩu 48,183 triệu tấn và tiêu thụ 243,060 triệu tấn.

Đẩy mạnh thăm dò, đánh giá trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn Tập đoàn hoàn thành 5 đề án thăm dò mỏ than và xin cấp phép mới 9 đề án thăm dò.

Lĩnh vực công nghiệp khoáng sản: Phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp kim loại màu tại Việt Nam và khu vực với khối lượng kim loại màu toàn Tập đoàn (giai đoạn 2021 - 2025) dự kiến sản xuất được 138.958 tấn đồng tấm, 6.839 nghìn tấn Alumina.

Tập trung khai thác hiệu quả 2 dự án alumin Lâm Đồng và alumin Đắk Nông, cường hóa/nâng công suất các nhà máy. Đầu tư mở rộng các dự án Tân Rai, Nhân Cơ theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản (thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tập trung làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục xử lý các dự án khai thác, chế biến khoáng sản còn vướng mắc như: Khai thác mỏ cromit Cổ Định, mỏ sắt Thạch Khê, mỏ titan Bình Thuận, mỏ đất hiếm Đông Pao.

Lĩnh vực công nghiệp điện: Quản lý, vận hành các nhà máy điện hiện có đảm bảo an toàn, phát huy công suất thiết kế. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 toàn Tập đoàn sản xuất được 49.405 triệu kWh (trung bình 9.881 triệu kWh/năm). Nghiên cứu triển khai một số lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Giải pháp tăng năng suất lao động:

Về giải pháp quản trị và quản lý doanh nghiệp bao gồm:

- Chỉ đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến và nhu cầu của thị trường, đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả.

- Chủ động cập nhật thông tin, khảo sát, phân tích và dự báo thị trường làm cơ sở để định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

- Tăng cường quản lý tài nguyên, chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại.

- Duy trì tốt mối quan hệ với bạn hàng, đối tác truyền thống.

- Chủ động trong quan hệ quốc tế, phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ở trong nước và ngoài nước.

- Thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động (như cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ khâu đào lò, khai thác và vận tải tại các mỏ than hầm lò).

- Đầu tư thiết bị đồng bộ, công suất lớn và băng tải hoá khâu vận tải tại các mỏ lộ thiên.

- Tự động hóa tối đa các nhà máy sàng tuyển, điện lực, Alumina, hoá chất, xi măng và tối ưu hoá mô hình tổ chức quản lý các cấp để tiếp tục tiết giảm lao động, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm.

Giải pháp tài chính:

- Tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, hoặc thoái một phần vốn ở các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh chính để chỉ nắm giữ tỷ lệ cổ phần biểu quyết chi phối, hoặc phủ quyết tùy theo tính chất quan trọng của từng công ty trong cơ cấu Tập đoàn. Sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn để đầu tư phát triển các dự án mới theo quy định của pháp luật.

- Điều hòa vốn giữa các đơn vị trong Công ty mẹ, phù hợp với quy định của pháp luật để nâng cao hiệu suất sử dụng đồng vốn, tránh hiện tượng thừa, hoặc thiếu vốn cục bộ, nâng cao vòng quay tiền mặt, giảm chi phí sử dụng vốn.

- Bên cạnh phương thức huy động truyền thống từ nguồn tín dụng thương mại, TKV mở rộng thêm các kênh huy động vốn dài hạn khác như: Phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn cho Tập đoàn và các công ty con.

Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ:

- Triển khai các hệ thống tự động hóa giám sát, điều khiển cục bộ tại các đơn vị sản xuất. Xây dựng các hệ thống giám sát điều khiển tập trung đồng bộ, tích hợp tại các đơn vị; áp dụng tự động hóa gắn với sản xuất thông minh dựa trên nền tảng số hoá.

- Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn Tập đoàn theo mô hình trung tâm dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây với hạ tầng truyền thông tốc độ cao, hệ thống lưu trữ dữ liệu theo các công nghệ hiện đại, có khả năng lưu trữ và xử lý được dữ liệu lớn, đáp ứng xu hướng hội nhập và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng các hệ thống phần mềm dùng chung toàn Tập đoàn.

- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong đó, ưu tiên tập trung các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tìm kiếm, thăm dò, phục vụ khai thác than đồng bằng Sông Hồng, nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa, tự động hoá, tin học hoá. Nghiên cứu chế tạo, nội địa hoá các vật tư, thiết bị để thay thế hàng hoá nhập khẩu.../.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động