Theo ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh bước vào đợt cao điểm nắng nóng từ tháng 3 với nhiệt độ lên cao 36-37 độ C, thậm chí có nơi lên đến trên 38 độ C, dự báo tình hình này sẽ kéo dài đến hết tháng 4.
Thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp, HTX... trong tỉnh.
Chị Khánh Ngọc (P. Tân Phong, TP. Biên Hòa) cho biết: “Với điều kiện thời tiết nắng cũng như phòng tránh dịch bệnh Covid-19, trong những ngày qua, do đặc thù công việc, tôi dành thời gian làm việc tại nhà nhiều hơn. Do đó, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Máy lạnh hầu như được bật liên tục trong ngày. Hóa đơn tiền điện tháng 2 đã tăng gần gấp rưỡi so với tháng trước đó do nhu cầu sử dụng tăng cao”.
Không chỉ nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng, nhu cầu sử dụng điện trong tưới tiêu, sản xuất cũng tăng cao vào dịp cao điểm mùa khô.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) cho biết, HTX đang trồng gần 40 ha bưởi da xanh. Vào khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm là cao điểm mùa khô nên rất cần đảm bảo nguồn nước tưới cho cây bưởi để đảm bảo bưởi ra hoa, đậu trái với tỷ lệ cao.
“Do đó, nhu cầu sử dụng điện để bơm nước tưới rất cao. Nếu xảy ra sự cố về điện vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn nước tưới, vốn chủ yếu dựa trên nguồn nước giếng...” - Ông Trung nhấn mạnh.
Rà soát lưới điện, cân đối lại phụ tải
Theo dự báo của PC Đồng Nai, năm 2020, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2019. Sản lượng điện thương phẩm dự kiến đạt khoảng 14,7 tỷ kWh.
Trong thời gian qua, PC Đồng Nai đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, hệ thống điện, ứng dụng những thành tựu về công nghệ thông tin trong cung ứng điện, đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Công nhân Điện lực Trảng Bom kiểm tra thiết bị điều khiển trạm biến áp công nghiệp tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Trảng Bom.
Trong đó, riêng năm 2019, PC Đồng Nai đã đóng điện, đưa vào vận hành 47 công trình lưới điện phân phối với tổng dung lượng tăng thêm là 22,56 MVA, hơn 35 km đường dây trung thế và 51 km đường dây hạ thế được xây dựng mới... với tổng mức đầu tư khoảng 529,6 tỷ đồng.
Ông Đỗ Hữu Hoàng, Phó giám đốc PC Đồng Nai cho hay, Công ty đã triển khai các phương án theo kế hoạch cung cấp điện từ đầu năm để ứng phó với các trường hợp mất cân đối giữa cung và cầu về điện. Đồng thời, tiến hành rà soát lưới điện, cân đối lại phụ tải các đường dây 22 kV, 110 kV, các máy biến áp 110 kV... trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân, cũng như các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; hạn chế tình trạng quá tải, gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp... trong mùa khô năm nay.
PC Đồng Nai cũng khuyến nghị khách hàng tắt bớt các thiết bị không cần thiết, sử dụng điện hợp lý, cũng như áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện trong sinh hoạt, sản xuất để giảm chi phí tiền điện, cũng như góp phần giảm áp lực cung cấp điện lên toàn hệ thống, giúp vận hành hệ thống điện ổn định và an toàn.
Đảm bảo lượng điện phục vụ sản xuất công nghiệp:
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu ngành điện cần xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung cấp điện cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là vào dịp cao điểm mùa khô.
Đồng thời, các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan chủ động phối hợp với ngành điện sớm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại đối với một số dự án điện, công trình nâng cấp, cải tạo đường dây truyền tải điện... còn đang gặp vướng mắc hoặc chưa thể đóng điện. Trong đó, có công trình trạm biến áp 110 kV Giang Điền./.
HẢI QUÂN