RSS Feed for Nhiệt điện Hải Phòng sau 2 năm triển khai thực hiện chuyển đổi số | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 10:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhiệt điện Hải Phòng sau 2 năm triển khai thực hiện chuyển đổi số

 - Trong những năm gần đây, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu tạo sự phát triển mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng trên toàn xã hội. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp đây là cơ hội vượt lên nhưng cũng là thách thức nếu không nắm bắt và triển khai kịp thời quá trình chuyển đổi số. Không nằm ngoài xu thế phát triển chung của toàn xã hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Tổng công ty Phát điện 2 đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số, đáp ứng tốt các mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhiệt điện Hải Phòng: 20 năm xây dựng và phát triển Nhiệt điện Hải Phòng: 20 năm xây dựng và phát triển

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng được thành lập ngày 17/9/2002, được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng (công suất 2 x 300 MW). Đây cũng là mô hình công ty cổ phần được hình thành ngay từ khi thành lập trong ngành điện, gồm có 5 cổ đông sáng lập.

Chuyển đổi số tại Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng Chuyển đổi số tại Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng

Năm 2021 là một năm nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các yếu tố bất lợi trên thị trường điện. Vượt qua nhiều khó khăn, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (NĐHP) đã xuất sắc hoàn thành và vượt chỉ tiêu về sản lượng điện được giao. Năm 2021, cũng là năm Công ty bắt đầu triển khai thực hiện các chương trình chuyển đổi số với nhiều chủ đề, giải pháp khác nhau thuộc 3 chương trình chuyển đổi số và ứng dụng cách mạng 4.0 vào quá trình sản xuất, kinh doanh.

Nhận định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Tổng công ty Phát điện 2 và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đã cụ thể hóa nhiệm vụ bằng những chương trình hành động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế.

Ngày 17/3/2021, Tổng công ty Phát điện 2 đã ban hành Quyết định số 3/QĐ-HĐTV về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty. Trên cơ sở đó, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đã ra Quyết định số 5833/QĐ-NĐHP thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số cấp Công ty để nghiên cứu, phát triển ứng dụng và góp phần triển khai tổng thể kế hoạch chuyển đổi số trong Tổng công ty Phát điện 2.

Chuyển biến về nhận thức:

Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IOT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…

Nhận thức được tầm quan trọng, ngay sau khi Công ty thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đã thực hiện tuyên truyền về công cuộc chuyển đổi số thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Thi trực tuyến trên phần mềm elearning, website, hội thảo... nhằm nâng cao nhận thức và triển khai các giải pháp liên quan đến công nghệ số, dữ liệu số; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ công nhân viên, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Công ty đã được Tổng công ty Phát điện 2 tin tưởng giao nhiệm vụ là một trong những đơn vị đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, nhằm thực hiện đúng mục tiêu, định hướng chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Với những nhiệm vụ được giao, Công ty tập trung thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực cụ thể như: Sản xuất, quản trị, văn phòng, xây dựng…

Nhiệt điện Hải Phòng sau 2 năm triển khai thực hiện chuyển đổi số
​​​​​​​Trưởng ca Vận hành theo dõi thông số các tổ máy.

Phát triển cơ sở hạ tầng, bảo mật thông tin phục vụ chuyển đổi số:

Ngay từ thời điểm đầu tiên, ban lãnh đạo đã nhận định để chuyển đổi số thành công thì cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước. Xác định yếu tố hạ tầng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả và sự bền vững của chuyển đổi số nên Công ty đã yêu cầu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các giải pháp chuyển đổi hạ tầng phần cứng để đáp ứng sự thay đổi của các phần mềm và khai thác tối ưu tính năng các phần mềm hiện đại.

Theo đó, hệ thống mạng WAN EVN, WAN thị trường điện được nâng cấp đảm bảo liên lạc thông suốt với băng thông cao, công tác bổ sung mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình đồng bộ thiết bị toàn Tổng công ty đã được xây dựng và đang triển khai, lộ trình chuyển đổi hệ thống vật lý sang ảo hóa (ảo hóa máy chủ, hệ thống lưu trữ, desktop..) được bám sát triển khai theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, CBCNV trong Công ty được trang bị máy tính, laptop... nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong công tác xử lý công việc cũng như đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động.

Song song với việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin cũng được Công ty quan tâm chú trọng. Ban lãnh đạo Công ty đã xây dựng các chính sách bảo mật dựa trên cơ sở chỉ đạo của Tập đoàn và Tổng công ty. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự chuyên trách về an toàn thông tin cũng được đào tạo và tập huấn thường xuyên, luôn sẵn sàng trong công tác bảo vệ cũng như ứng cứu khi có sự cố xảy ra, thiết bị tường lửa được lắp đặt và nâng cấp nhằm phát hiện, ngăn chặn các hoạt động gây mất an ninh trong mạng IT và OT...

Ngoài ra, Công ty cũng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về các lỗ hổng an ninh mạng, khuyến cáo CBCNV trong Công ty không truy cập các địa chỉ website không đáng tin cậy, cũng như không cài đặt các phần mềm độc hại.

Việc tăng cường củng cố hạ tầng phần cứng hiện đại và bảo mật thông tin thể hiện tầm nhìn của ban lãnh đạo Công ty, việc này đảm bảo cho hệ thống viễn thông, CNTT vận hành ổn định, tin cậy, chất lượng và có độ dự phòng cao đáp ứng được nhu cầu về hạ tầng trong công cuộc chuyển đổi số và tăng hiệu quả trong công tác điều hành sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Một số kết quả đạt được:

Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng luôn bám sát chỉ đạo của Tập đoàn cũng như Tổng công ty Phát điện 2. Xác định mục tiêu và hành động cụ thể trong từng lĩnh vực, xây dựng đội ngũ nhân sự đẩy mạnh triển khai các giải pháp đảm bảo chất lượng và tiến độ được giao. Sau gần 2 năm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Đối với lĩnh vực sản xuất, Công ty bám sát danh mục công việc được giao, trong đó trọng tâm là các phần việc liên quan đến hệ thống phần mềm Quản lý Kỹ thuật (PMIS), sửa chữa bảo dưỡng tin cậy RCM (Reliability Centered Maintenance), số hoá hệ thống đo chất lượng than online…

Lĩnh vực đầu tư xây dựng, Công ty triển khai đẩy mạnh đấu thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng đáp ứng yêu cầu (theo Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ứng dụng công nghệ mới trong công tác khảo sát thiết kế, lưu trữ các hồ sơ dự án công trình dưới dạng điện tử, hoàn thiện công tác đánh giá chất lượng nhà thầu… Công tác quản lý dự án, vật tư và hợp đồng được thực hiện trên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng nhằm quản lý, theo dõi, xử lý các công việc trong dự án một cách tổng thể toàn bộ vòng đời của dự án, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư, cho phép kết nối, tích hợp các dữ liệu liên quan công tác đấu thầu, văn bản, hồ sơ tương ứng trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án.

Lĩnh vực quản trị nội bộ, Công ty tiếp tục ứng dụng triển khai thống nhất văn phòng số Digital Office - đây là hệ thống quản lý tập trung có thể tra cứu, tìm kiếm văn bản liên quan đến công việc, thực hiện ký số và phát hành/lưu trữ văn bản điện tử.

Ngoài ra, Công ty đã thực hiện sàng lọc các quy trình để thực hiện số hoá nhằm đảm bảo đạt được 90% quy trình nghiệp vụ không sử dụng giấy tờ. Đối với nghiệp vụ đặc thù (nghiệp vụ tài chính), Công ty triển khai ứng dụng CNTT trong quản trị tài chính hiện đại để thiết lập môi trường, mô hình tính toán và cân đối tài chính theo như chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đối với ứng dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào các lĩnh vực, Công ty đang triển khai một số đề tài ứng dụng vào công tác vận hành và bảo dưỡng tối ưu. Trong đó, đáng kể đến là đề tài “Thiết kế lắp đặt camera giám sát tình trạng vận hành các phễu xỉ đáy lò” thuộc đề tài số 5 do Tổng công ty giao (ngày 22/9/2019). Đây là một trong những đề tài đem lại hiệu quả cao cho người lao động, giúp giảm thiểu sự cố và đưa ra các giải pháp xử lý chính xác.

Bên cạnh đó, Công ty cũng quan tâm phát triển các phần mềm hỗ trợ quản lý điều hành, thống nhất nghiệp vụ, quản lý vật tư theo mã QR-code… tăng cường sử dụng các phần mềm dùng chung, thống nhất dữ liệu gốc (master data) với Tập đoàn và Tổng công ty nhằm chia sẻ, đảm bảo nhất quán, thông suốt và minh bạch dữ liệu.

Kỳ vọng tương lai:

Xu hướng chuyển đổi số đã và đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên tất cả các ngành nghề trong xã hội. Trước những lợi ích do chuyển đổi số mang lại có thể khẳng định rằng doanh nghiệp muốn phát triển nhanh, mạnh và bền vững thì cần phải thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số.

Trong thời gian tới, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng sẽ bám sát mục tiêu, chỉ đạo của Tổng công ty Phát điện 2, ứng dụng triệt để, mạnh mẽ các công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Bigdata), chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud). Đồng thời, tiếp tục phát triển hạ tầng số, nền tảng số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức và đào tạo CBCNV để sẵn sàng tiếp nhận những thay đổi do Kỷ nguyên số đem lại./.

DƯƠNG THANH TÙNG - CÔNG TY CP NHIỆT ĐIỆN HẢI PHÒNG

(BÀI THI ĐẠT GIẢI KHUYẾN KHÍCH CUỘC THI VIẾT 'EVNGENCO2 TRÊN HÀNH TRÌNH CƠ BẢN HOÀN THÀNH CHUYỂN ĐỔI SỐ' NĂM 2022)

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động