RSS Feed for Nhận chìm chất nạo vét cảng biển Vĩnh Tân là phương án khả thi | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 22:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhận chìm chất nạo vét cảng biển Vĩnh Tân là phương án khả thi

 - Liên quan đến vấn đề nhận chìm chất nạo vét ở cảng biển Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Thực tế qua kinh nghiệm thế giới, đây là phương án có thể chấp nhận, khả thi, bên cạnh phương án dùng tài nguyên phục vụ lấn biển, phòng chống sạt lở. Nhưng các việc đó phải bài bản để bảo đảm về kinh tế nhưng không ảnh hưởng môi trường...

Kiến nghị Thủ tướng giải quyết vấn đề nạo vét cảng biển Vĩnh Tân
Nhận chìm chất nạo vét cảng biển: Luật cho phép, nhưng thực tế thế nào?
"Nhận chìm" chất nạo vét cảng biển Vĩnh Tân là phương án hợp lý
Nhiệt điện Vĩnh Tân: "Nhấn chìm" chất nạo vét là giải pháp tối ưu
Nhiệt điện Vĩnh Tân: "Cái khó ló cái khôn"
Tham khảo quốc tế cho dự án nạo vét cảng biển ở Vĩnh Tân
Đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để nhận chìm chất nạo vét ở Vĩnh Tân

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: VGP)

Tại Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7, liên quan đến vấn đề nhận chìm 1 triệu m3 chất nạo vét cảng biển ở Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà đã có ý kiến trả lời chính thức về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Đâu đó, có người dân nhầm lẫn vật chất nạo vét từ khu quay tàu cảng là chất thải. Trên thực tế hiện nay về thuật ngữ, Luật biển quốc tế, Công ước London, luôn quan niệm các vật chất nạo vét từ biển là tài nguyên và khuyến cáo cố gắng xem xét tái sử dụng tài nguyên này.

Về vấn đề cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá tác động môi trường từ năm 2014, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo Luật Tài nguyên môi trường biển, chúng ta xem xét việc nhận chìm này, thứ nhất là hài hoà với luật biển quốc tế, đặc biệt chú ý làm sao bảo đảm đánh giá tác động từ hoạt động này với biển, tài nguyên môi trường biển.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trước đó, các hoạt động nhận chìm các vật chất nạo vét ở biển vẫn diễn ra, như quá trình xây dựng cảng Cái Lân, gần đây nhất là xây cảng Lạch Huyện, đều làm thế, có tính toán đánh giá tác động. Trong tình hình này, hằng năm việc nạo vét, duy tu bảo dưỡng các luồng lạch vẫn diễn ra, đây là vấn đề cần làm chặt chẽ hơn dưới góc độ môi trường và đánh giá tác động hệ sinh thái biển theo Luật biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện theo Luật tài nguyên môi trường biển, xem toàn bộ đánh giá tác động môi trường. Có vấn đề gì tại thời điểm đó chưa đánh giá chặt chẽ, nhận chìm thì lần này nhìn nhận xem xét toàn diện, khoa học bài bản hơn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước tiên là không đánh đổi môi trường, nhưng quan điểm nữa là trung tâm nhiệt điện đã quy hoạch từ năm 2007, môi trường cũng phải hài hoà với phát triển, để bảo đảm thực hiện quy hoạch bền vững. Bộ Tài nguyên và Môi trường dựa trên pháp luật, các cơ sở khoa học xác đáng để tiến hành. Như vậy, giấy phép có mấy bước thực hiện nhận chìm.

Thứ nhất là xem xét tác động môi trường từ năm 2014, thời điểm đó có tồn tại do quy định pháp lý năm 2005 về nhận chìm chưa chặt chẽ như hiện nay. Giấy phép phải bảo đảm khảo sát đánh giá toàn bộ hiện trạng môi trường biển. Thực tế, chủ đầu tư dự án đó đã có báo cáo đầy đủ… qua cơ quan có năng lực như Viện Tài nguyên môi trường biển đã khảo sát 300 ha, không phải 30 ha, đã có số liệu hệ sinh thái. Tuy nhiên, dưới giác độ người dân, báo chí, các nhà khoa học quan ngại thì chúng tôi thấy có trách nhiệm kiểm chứng lại. Ngay trong giấy phép cấp phép cho nhận chìm đã ghi là Viện Hải dương học Nha Trang, đơn vị thuộc Viện Hàn lâm, là cơ quan độc lập đánh giá hiện trạng môi trường, đánh giá các tác động của quá trình nạo vét, nhận chìm. Đến nay, Viện Hải dương học Nha Trang đã thực hiện xong khảo sát, công bố hoàn toàn trên cổng thông tin điện tử. Chúng tôi đã đối chứng, kiểm chứng lại số liệu của doanh nghiệp, thời điểm thực hiện vào năm 2012. Tôi cho rằng thời điểm đó với hiện trạng bây giờ có thể khác nhau. Do đó, tôi yêu cầu đánh giá lại toàn diện hiện trạng môi trường.

Viện Hải dương học báo cáo không có nghĩa là Viện Hàn lâm khoa học báo cáo, vì Chính phủ đã giao Viện Hàn lâm khoa học tập hợp các nhà khoa học đánh giá toàn diện. Viện Hải dương học mới báo cáo hiện trạng môi trường và hệ sinh thái, các cái khác có tiếp cận khác nhau. Các nhà khoa học Viện Hàn lâm xem xét các mô hình vật chất, các mô hình toán, cơ lý hoá, xem xét, rà soát lại toàn bộ để xem các dự báo phân tích có chính xác không.

Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp cận theo giác độ khác. Hiện có 22 nhà khoa học trong hội đồng, gồm các nhà khoa học đầu ngành các lĩnh vực, không nhà khoa học nào mạo danh cả. Nếu có mạo danh thì là về bên tư vấn, thuộc trách nhiệm pháp lý của nhà đầu tư và bên tư vấn, không phải trách nhiệm cơ quan quản lý. Hiện, Viện Hàn lâm khoa học đang làm đánh giá cơ sở khoa học toàn diện vấn đề, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai đánh giá mô hình mô phỏng, dự báo đánh giá lan truyền mặt tầng đáy, chiều gió thuỷ triều… Chúng tôi đã xác lập hệ thống qua Viện Hải dương học, quan trắc các tầng nước, các vị trí. Như vậy, hiện nay, giả sử có hoạt động diễn ra, chúng tôi có thể đánh giá được tác động ngay từ hoạt động đầu tiên…

Quan điểm Chính phủ là phải lấy môi trường trước hết, hoạt động phát triển kinh tế và môi trường phải hài hoà. "Ta đang đứng trước vấn đề bức xúc hiện nay là tiến độ dự án đáp ứng cân bằng năng lượng cung cấp cho các tỉnh phía nam. Theo dự báo từ năm 2018 trở đi, phía nam thiếu năng lượng. Thứ hai là hợp đồng kinh tế, nếu chậm trễ mỗi ngày tính toán, bên có lỗi bị phạt 620.000 USD, đặt ra nhiệm vụ cho EVN, Bộ Công Thương phải lựa chọn phương án nào tốt nhất", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Viện Hàn lâm vẫn phải đánh giá. Về lâu dài, nhu cầu nhận chìm, nhu cầu duy tu bảo dưỡng cả trung tâm này là lớn. Thực tế qua kinh nghiệm thế giới, đây là phương án có thể chấp nhận, khả thi, bên cạnh phương án dùng tài nguyên phục vụ lấn biển, phòng chống sạt lở. Nhưng các việc đó phải bài bản để bảo đảm về kinh tế nhưng không ảnh hưởng môi trường. Viện Hải dương học Nha Trang tiếp tục đặt vấn đề Viện Hàn lâm giúp xác định cơ sở khoa học bảo đảm quy hoạch tính toán lâu dài 70 năm.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động