RSS Feed for "Hoạt động của PetroVietnam nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 31/12/2024 22:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Hoạt động của PetroVietnam nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam"

 - Tại Họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông do Bộ Ngoại giao tổ chức chiều ngày 23/5, ông Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) khẳng định, mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều được thực hiện hoàn toàn trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

>> PetroVietnam yêu cầu CNOOC rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam
>> Không cho phép Trung Quốc đến khu vực khai thác dầu của Việt Nam
>> Phó Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981

 

Ông Hậu cho biết, Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ trước năm 1975.

Cụ thể, từ năm 1969-1970, Chính quyền miền Nam Việt Nam đã tiến hành khảo sát khoảng 12.000km tuyến địa chấn 2D kết hợp khảo sát, trọng lực hàng không ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam (khu vực bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai-Thổ Chu và Tư Chính-Vũng Mây)

Các năm 1973-1974, Việt Nam đã hợp tác với các công ty WesternGeophysical và Geophysical Services Inc (Hoa Kỳ) tiến hành các khảo sát địa chấn 2D: Dự án WA74-HS (3.373km) khảo sát khu vực từ ngoài khơi bờ biển miền Trung, bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gồm các lô dầu khí hiện nay là 141, 142, 143 và 144; Dự án WA74-PKB (5.328km) khảo sát ven biển Phú Khánh.

“Các dự án khảo sát địa chấn này khẳng định Việt Nam đã tiến hành khảo sát thực địa, thăm dò dầu khí trên vùng biển Việt Nam từ lâu”, ông Hậu nói.

Kể từ sau khi thành lập Tổng cục Dầu khí (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện nay) năm 1975, hoạt động dầu khí được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn bộ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bao gồm cả các khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Chính-Vũng Mây. Từ 1986, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn công ước quốc tế về Luật Biển 1982, việc thăm dò khai thác dầu khí chỉ thực hiện trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

“PetroVietnam đã ký 99 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí, trong đó 60 hợp đồng đang có hiệu lực. Khối lượng công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam đã đạt trên 500.000km tuyến khảo sát địa chấn 2D, trên 50.000km2 địa chấn 3D và khoảng 900 giếng khoan. Xin nhắc lại, tất cả hoạt động dầu khí của PetroVietnam và các đối tác đều trong giới hạn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, ông Hậu nhấn mạnh.

Ông Hậu cho biết thêm, không có bất cứ lô dầu khí nào nằm ngoài vùng 200 hải lý thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được quốc tế công nhận. Khu vực Trung Quốc nói có tranh chấp là khu vực Đông Nam, gọi là bãi Tư Chính - Vũng Mây, khu vực miền Trung Việt Nam, khu vực Hoàng Sa. Trước đó, vùng Hoàng Sa chính quyền miền Nam đã khảo sát địa chấn, gần đây PetroVietnam tiếp tục khảo sát ở đây. Việc khảo sát được tiến hành tích cực.

Trả lời câu hỏi của báo giới về phía Trung Quốc cho rằng “Việt Nam đã phân lô 57 lô dầu khí, trong số đó có 7 mỏ đã đi vào sản xuất và 37 giàn khoan, tại các vùng biển có tranh chấp.”

Tổng giám đốc PetroVietnam khẳng định: Các hoạt động dầu khí ở miền Trung, nơi Công ty CNOOC của Trung Quốc gọi thầu, chúng tôi vẫn tiến hành khảo sát. Đến nay, không có công ty quốc tế nào ký với Trung Quốc thầu 9 lô kể trên. Hoạt động dầu khí của PVN đang triển khai bình thường, phù hợp với Luật biển 1982. Từ trước đến nay chúng tôi đều công bố công khai mà không có bất kỳ cản trở, phản đối nào. Điều này chứng tỏ Trung Quốc nói 57 lô Việt Nam phân bố đang nằm trong vùng tranh chấp là hoàn toàn sai trái.

“Trung Quốc đã không hề đưa ra một cơ sở pháp lý nào để biện hộ cho quan điểm này. Việt Nam khẳng định rằng mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều được thực hiện hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Thực tế này đã được cộng đồng quốc tế công nhận”, ông Hậu bày tỏ.

Cũng theo ông Hậu, từ lâu nay, Việt Nam luôn thực hiện quản lý, khai thác có hiệu quả đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó có các hoạt động dầu khí. Quan điểm trên của Trung Quốc thực chất là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp. Ý đồ của Trung Quốc là nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” bị cả cộng đồng quốc tế lên án. Việt Nam kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này và khẳng định quyết tâm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nói về dự tính trữ lượng dầu khí vùng thềm lục địa Việt Nam, theo ông Hậu, PetroVietnam đánh giá có từ 4-6 tỷ tấn dầu. Còn ngoài khu vực này, PetroVietnam không có đánh giá. Tại khu vực Trung Quốc đang khoan, PetroVietnam đã có khảo sát nhưng chưa khoan nên chưa thể nói có dầu hay không. Có thể có dầu nhưng triển vọng là không lớn.

“PetroVietnam sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường ở các khu vực này cũng như ở các khu vực khác trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, Tổng giám đốc PetroVietnam nhắc lại.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động