RSS Feed for Giảm khí thải bằng thiết bị TKNL: Cách tiếp cận mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 17:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giảm khí thải bằng thiết bị TKNL: Cách tiếp cận mới

 - Song song với quá trình thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp có thể đầu tư các giải pháp mới, sử dụng môi chất mới, thay thế các giải pháp công nghệ cũ có hại cho môi trường.

Cắt giảm khí thải thông qua thiết bị hiệu quả năng lượng

Khẳng định đây là một cách tiếp cận mới, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP Hồ Chí Minh trao đổi những vấn đề liên quan đến giải pháp mới trong tiết kiệm năng lượng.  

Việc sử dụng các thiết bị mới cũng tạo ra sự thay thế các dòng khí thải ra môi trường.

Thời gian gần đây, thị trường tiết kiệm năng lượng xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm, thiết bị mới. Ông nhận định thế nào về điều này?

Khi nói đến cắt giảm khí thải thông qua hoạt động tiết kiệm năng lượng, người ta hay nói đến cắt giảm khí thải từ sử dụng năng lượng. Nhưng trong quá trình triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, việc sử dụng các thiết bị mới cũng tạo ra sự thay thế các dòng khí thải ra môi trường.

Trên thực tế, khí fluorocarbon là loại khí có nhiều trong lĩnh vực công nghệ lạnh, như các thiết bị điều hòa không khí, trong các ngành công nghiệp lạnh, công nghiệp ô tô, chế biến thủy hải sản…

Một cách tiếp cận mới là song song với quá trình thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, chúng ta đầu tư các giải pháp mới, sử dụng môi chất mới, thay thế các giải pháp công nghệ cũ có hại cho môi trường.

Câu chuyện này đặt ra trong bối cảnh pháp lý, Việt Nam đã tham gia vào công ước quốc tế về cắt giảm khí fluorocarbon song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang sử dụng các thiết bị lạnh.

Trong một chương trình hợp tác về tiết kiệm năng lượng, nước ta đã hợp tác với Nhật Bản để xử lý chất thải fluorocarbon, ông có thể nói rõ hơn về dự án này?

Trong khuôn khổ Cơ chế tín dụng bù đắp song phương Việt Nam - Nhật Bản (BOCM) hai quốc gia đã đặt ra một chương trình là thông qua các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cắt giảm một số môi chất gây hại cho môi trường, cụ thể là trường hợp fluorocarbon.

Ông Huỳnh Kim Tước nói đã trang bị ở hai khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hai hệ thống thu gom khí fluorocarbon. Ảnh: Hải Vân

Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh (ECC HCMC) và Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản là hai đơn vị thực hiện Dự án “Nghiên cứu khả thi trong việc thúc đẩy phát triển các thiết bị tiết kiệm năng lượng và quản lý môi chất sử dụng tại Việt Nam” từ tháng 8/2015 và sẽ kết thúc vào tháng 3/2016.

Chúng tôi tiến hành một số các nội dung căn bản từ cơ chế pháp lý, nền tảng chính sách của Việt Nam cho đến điều tra đánh giá hiện trạng, lượng khí thải… qua đó có những kiến nghị về chính sách.

Cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành bước xây dựng năng lực, trong đó tập trung vào tiến hành thử nghiệm các công nghệ thu hồi, tái chế khí fluorocarbon.

Trong năm vừa qua, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm thu hồi khí này từ một số thiết bị điều hòa không khí và tới đây chúng tôi tiếp tục thử nghiệm qua một số đối tượng khác.

Đến nay, về cơ bản chúng tôi đã trang bị ở hai khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hai hệ thống thu gom khí fluorocarbon.

Bước tiếp theo chúng tôi tiếp tục tái chế và thu hồi loại khí này. Như vậy, về cơ bản chúng ta có thể yên tâm về phương tiện, thiết bị thu hồi và xử lỹ tái chế loại khí này.

Tuy nhiên, câu chuyện tiếp theo liên quan đến chính sách quy trình. Ví dụ, đối tượng nào phải xử lý và trách nhiệm xử lý khí fluorocarbon hay về mặt chuẩn mực thì ai có thể tham gia thực hiện…

Tôi cho đó là những câu chuyện mà với vai trò quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ... vẫn phải tiếp tục thực hiện.

Với trách nhiệm là đơn vị tham gia cùng với đối tác, chúng tôi hi vọng từng bước nhỏ, dần đóng góp và tạo nên quy trình chung cho toàn quốc tham gia vào xử lý loại khí thải này.

Trong việc giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, ông đánh gia thế nào về hiệu quả của dự án này ?

Công việc quan trọng nhất là chúng ta phải sớm có chính sách và thể chế xử lý khí fluorocarbon, trong đó đặc biệt cần sự tham vấn của các hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sử dụng thiết bị lạnh.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta có quy trình tốt thì các doanh nghiệp có thể đầu tư bởi các thiết bị thu hồi, xử lý cũng không quá đắt. Với một thị trường tiết kiệm năng lượng tốt, chúng ta hoàn toàn có thể đầu tư thuận lợi.

Một cách tiếp cận nữa là trong bối cảnh mức đầu tư không nhiều, các địa phương có thể sử dụng ngân sách vào việc xử lý vấn đề này trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn về vốn.

Hiện nay một số các công ty điều hòa không khí cũng đã có hệ thống này rồi. Tuy nhiên, sau khi thu hồi, chúng ta cần lưu ý đến những câu chuyện tiếp theo để có những hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp thực thi cho tốt.

Cảm ơn ông!

HẢI VÂN Thực hiện

Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC:

Việc tiêu thụ năng lượng do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành sản xuất năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng… đóng góp khoảng một nửa (46%) vào sự nóng lên toàn cầu, phá rừng nhiệt đới đóng góp khoảng 18%, sản xuất nông nghiệp khoảng 9% các ngành sản xuất hóa chất (CFC, HCFC) khoảng 24%, còn lại (3%) là từ các hoạt động khác.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động