Trong điều kiện khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của TKV vẫn có lợi nhuận. Đặc biệt là chỉ tiêu doanh thu thực hiện vượt Kế hoạch được phê duyệt.
Cụ thể, tổng doanh thu (chưa tính doanh thu của Tổng công ty Đông Bắc năm 2014 và 2015 do đã tách khỏi TKV từ năm 2014) từ năm 2011-2015 đạt 525.247 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch được duyệt.
Đặc biệt, thu nộp ngân sách các năm luôn đạt cao với mức bình quân 14,6 nghìn tỷ đồng/năm.
Kết quả 10 tháng đầu năm 2016, sản lượng than nguyên khai đạt 29,5 triệu tấn, bằng 74% kế hoạch năm, than thương phẩm đạt 28,4 triệu tấn (tương đương 78% kế hoạch năm), than tiêu thụ trong 10 tháng nay đạt 28,65 triệu tấn, bằng 80% kế hoạch năm.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên TKV thì cho rằng, trong giai đoạn 2011-2015, cùng với những tác động từ thị trường than trong nước và quốc tế, nhất là về giá, cùng với chủ trương hạn chế xuất khẩu than của nhà nước, nên TKV gặp phải rất nhiều khó khăn.
Từ năm 2012 đến nay, giá than giảm mạnh, nếu loại than cục trước đây giá bán là 230 USD/tấn nay giảm chỉ còn 100USD/tấn, hay than sử dụng cho các nhà máy điện, giá giảm từ 120 USD xuống khoảng 50 USD/tấn.
Hiện Việt Nam có hai nhóm nhà máy nhiệt điện sử dụng than antraxit (loại than của Việt Nam) và than bitum, á-bi tum (than phải nhập khẩu), nhưng nhiều nhà máy lựa chọn sử dụng nguồn than antraxit nhập khẩu (do lợi thế về giá), trong khi than antraxit của TKV đang tồn kho rất lớn. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần có chỉ đạo theo hướng, nếu các nhà máy sử dụng than antraxit thì ưu tiên sử dụng than antraxit trong nước.
Hơn lúc nào hết, ngành than cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn. Trước đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý chủ trương cho TKV xuất khẩu khoảng 2 đến 3 triệu tấn/năm, tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên đã không thực hiện được. Để TKV có nguồn lực tái đầu tư phát triển mỏ, TKV đề nghị nhà nước tiếp tục cho phép xuất khẩu loại than có chất lượng cao mà trong nước không, hoặc chưa có nhu cầu sử dụng.
Ngoài ra, chế độ, chính sách đối với ngành than nói chung và TKV nói riêng thiếu ổn định, nhất là chính sách thuế, phí. Trong một năm, chính sách thuế, phí thay đổi đến 3 lần. Với biểu thuế, phí hiện hành, trong cơ cấu giá thành 1 tấn than tiêu thụ nội địa, thuế, phí chiếm đến khoảng 26%, còn với than xuất khẩu là 31%. TKV đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính là thu, nhưng cần phải "dưỡng nguồn thu".
Thực tế là hiện nay diện khai thác ngày càng phức tạp, đi xa, xuống sâu, hầu hết các điểm mỏ thuận lợi không còn trữ lượng và hiện đã có mỏ ở mức -300m và đến năm 2017 sẽ có mỏ xuống tới -500m so với mực nước biển. Trong khi đó, một dự án mở công suất 3,5 triệu tấn than/năm cần vốn đầu tư lên đến 140 nghìn tỷ, thời gian xây dựng là 7 năm.
Đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, TKV phải duy trì tồn kho định mức khoảng 7-8 triệu tấn than để làm dự trữ, đảm bảo không đứt nguồn cung than trong nước. Tuy nhiên, ở thời điển hiện nay, tổng lượng tồn kho của TKV là 10,6 triệu tấn, là một gánh nặng đối với ngành Than.
Những khó khăn hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của ngành than, đến TKV mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống thợ mỏ. Hện chiếm khoảng 40% dân số tỉnh Quảng Ninh và đây là nguyên nhân khiến nhiều công nhân bỏ việc.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đánh giá cao cao nỗ lực và kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2015 và năm 2016 của ngành Than trong điều kiện hết sức khó khăn. Đồng thời ghi nhận những phán ánh của TKV, và tới đây, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn cho ngành Than. Trước mắt, TKV và các đơn vị thành viên cần chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch năm 2016 và chuẩn bị cho giai đoạn 2016-2020.
NangluongVietnam Online