RSS Feed for Giải pháp nào để thu hút và Thứ sáu 04/10/2024 00:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải pháp nào để thu hút và "giữ chân" thợ lò?

 - Tại Phân hiệu Đào tạo Hoành Bồ (Trường Cao đẳng TKV), Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam vừa tổ chức hội nghị tiếp tục thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường đào tạo, thu hút người lao động làm việc trong hầm lò. Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐTV, ông Đặng Thanh Hải - Tổng giám đốc và ông Lê Thanh Xuân - Chủ tịch Công đoàn TKV đồng chủ trì hội nghị.

Thực trạng giá thành than Việt Nam và những hệ lụy (Kỳ 1)
Thực trạng giá thành than Việt Nam và những hệ lụy (Kỳ 2)
Thực trạng giá thành than Việt Nam và những hệ lụy (Tạm kết)

Tại Hội nghị, ông Trần Văn Cừ - Trưởng ban Tổ chức nhân sự TKV đã trao đổi về tình hình thực hiện công tác đào tạo, thu hút thợ lò từ năm 2010 đến nay; cân đối lao động thợ lò từ nay đến năm 2020 và các giải pháp tiếp tục thu hút người lao động làm việc trong hầm lò để các đơn vị thành viên triển khai trong thời gian sắp tới.

Báo cáo TKV cho biết, từ năm 2010 đến nay, tình trạng thợ lò bỏ việc và học sinh học nghề mỏ hầm lò bỏ học giữa chừng liên tiếp gia tăng. Từ thực tế này, TKV đã ban hành Chỉ thị số 118 ngày 23/6/2014 về thực hiện các giải pháp thu hút người lao động làm việc trong hầm lò với 5 nhóm giải pháp đồng bộ.

Từ khi có Chỉ thị này, các doanh nghiệp thành viên đã có sự thay đổi căn bản trong nhận thức và hành động, từ việc chú trọng đầu tư cơ giới hoá, tự động hoá trong khai thác để giảm số lượng người lao động làm việc trong hầm lò, hỗ trợ phương tiện đi lại cho người lao động trong hầm lò… Do vậy tình trạng thợ lò bỏ việc đã cơ bản được kiểm soát và có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ thợ lò bỏ việc tính trên số tuyển mới có xu hướng tăng đột biến (với tỷ lệ lên tới gần 100%). Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cân đối lao động của các công ty, đặc biệt đến cuối năm 2018 khi nhu cầu than tăng trở lại.

Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là các đơn vị vừa phải tiếp tục kiểm soát tình trạng thợ lò bỏ việc đồng thời đảm bảo tuyển sinh thợ lò mới đạt kế hoạch đề ra theo cân đối lao động hàng năm.

Theo đó, ngành than tiếp tục thực hiện nghiêm túc 5 giải pháp thu hút người lao động làm việc trong hầm lò đã được ban hành tại Chỉ thị 118. Trong đó, đặc biệt ưu tiên triển khai giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hoá trong đào lò và khai thác than. Đổi mới phương thức truyền thông về nghề mỏ hầm lò theo phương thức truyền thông "tự thân", điều chỉnh phương thức đào tạo thợ lò…

Trao đổi về các vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo thợ lò, TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng TKV cho rằng, trong thời gian tới cần phải tiếp tục chủ động ký kết hợp đồng tuyển sinh đào tạo thợ lò, xác định trách nhiệm của trường trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, tập trung xây dựng trường là trung tâm kết nối chính sách tuyển dụng, đào tạo thợ lò của doanh nghiệp TKV với thị trường nhân lực tại các địa phương; huy động tối đa nguồn lực cho tuyển sinh thợ lò; tổ chức tốt công tác tuyển sinh ở các địa phương tỉnh ngoài. Bên cạnh đó là các giải pháp đồng bộ đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục học sinh trong quá trình học ở trường.

Cũng tại hội nghị này, các đơn vị như: Công ty CP than Vàng Danh, Núi Béo, Thống Nhất… đã tham luận về các giải pháp tăng cường đào tạo, thu hút người lao động làm việc trong hầm lò.

Nhấn mạnh đây là một hội nghị rất quan trọng với những ý nghĩa thiết thực, Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân đánh giá cao nhiều đơn vị hầm lò trong Tập đoàn về cơ bản đã chăm lo chu đáo đến đời sống vật chất và tinh thần cho thợ lò. Đồng thời đề nghị các đơn vị đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới để thu hút và giữ chân thợ lò. Trong đó coi trọng việc tăng cường công tác quản lý các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ; quản trị tốt, chặt chẽ các chi phí; cải thiện điều kiện làm việc, an toàn lao động; chống thất thoát và đảm bảo tiền lương cho thợ lò. Đặc biệt là sẽ xây dựng một quy chế về giải thưởng để động viên những thợ mỏ có thành tích tốt, năng suất cao, những gia đình thợ mỏ có nhiều đời làm mỏ…

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Chuẩn Chủ tịch TKV và ông Đặng Thanh Hải - Tổng giám đốc đã đặc biệt lưu ý vấn đề thay đổi tư duy, phát triển ngành than theo xu hướng của các mỏ thế giới như: mỏ xanh, mỏ sạch và có điều kiện làm việc an toàn nhất. Mặt khác, phải tạo được môi trường làm việc hấp dẫn, đáng làm việc, đáng cống hiến hết mình cho thợ mỏ; đảm bảo tiền lương, thu nhập được trả xứng đáng cho người thợ, phù hợp với cống hiến của họ; ngày càng nâng cao đời sống cho người thợ... Với quan điểm xuyên suốt là: "Thợ lò luôn là số 1".

THÙY LINH - VIỆT TRUNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động