RSS Feed for EVNSPC hiện thực hóa mục tiêu phát triển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 21:09
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVNSPC hiện thực hóa mục tiêu phát triển

 - Năm 2017, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định với chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn, đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng theo chiều sâu, lắp đặt công tơ điện tử và áp dụng đo ghi xa; tăng cường thu tiền điện thông qua hệ thống ngân hàng và tổ chức dịch vụ độc lập... ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc EVNSPC đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh nội dung này.

EVNSPC ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ khách hàng
EVNSPC tô thắm sắc xuân

PV: Chuẩn bị bước vào mùa khô năm 2017, EVNSPC lại đối mặt với tình hình nắng nóng, hạn hán cũng như xâm nhập mặn… để đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, thưa ông, Tổng công ty đã đề ra những phương án gì và giải pháp thực hiện?

Ông Nguyễn Phước Đức: Mục tiêu của EVNSPC là đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế tại các tỉnh, thành phía Nam. Theo đó, kế hoạch cung cấp điện được Tổng công ty xây dựng cho cả năm, trong đó sản lượng cấp điện được tính toán theo dự báo phụ tải, đồng thời các phương thức vận hành được xây dựng hàng tháng trên cơ sở phối hợp công tác giữa các đơn vị để nâng cao độ tin cậy lưới điện, giảm thời gian mất điện.

Để thực hiện xây dựng, triển khai các phương án cung cấp điện năm 2017, ngay từ đầu năm, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị hoàn tất hồ sơ cung cấp điện mùa khô và năm 2017 cũng như công tác vận hành hệ thống điện tại từng cấp đơn vị điện lực theo chỉ huy thống nhất phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện miền và hệ thống điện các cấp Tổng công ty, công ty, điện lực.

EVNSPC cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra hành lang lưới điện, trạm biến áp, cũng như danh sách các trạm 220 kV có liên quan đến các đường dây 110 kV trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam, nhằm đảm bảo quản lý kỹ thuật và vận hành lưới điện an toàn. Xây dựng và triển khai chương trình diễn tập trong trường hợp xảy sự cố lưới điện.

Đồng thời, EVNSPC xây dựng phương án cung cấp điện khi hệ thống mất cân đối cung cầu, phương án đảm bảo cung cấp điện trung hạ áp của từng đơn vị điện lực. Kiểm tra rà soát hệ thống thông tin liên lạc, tăng cường thông tin cho khách hàng qua Trung tâm chăm sóc khách hàng và kế hoạch triển khai thực hiện công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. Phía các công ty điện lực còn phải tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo cung cấp điện và phê duyệt danh sách khách hàng quan trọng.

Để tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, chống quá tải và đáp ứng mức tăng trưởng phụ tải của các khu vực, EVNSPC đã có chỉ đạo công ty điện lực tại các tỉnh chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng tại địa phương xác định các khu vực có nhu cầu cấp bách, đảm bảo điện cho tưới tiêu, chống hạn, phục vụ nước sạch sinh hoạt trên địa bàn để lập phương án cung cấp điện cụ thể, triển khai đến các điện lực và báo cáo đến UBND các cấp tại địa phương.

Bên cạnh đó, có chế độ giám sát đảm bảo triển khai đồng bộ hoạt động cung cấp điện với kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn tại địa phương. Phối hợp với Sở Công Thương và Sở, Ngành liên quan ưu tiên sử dụng vốn đầu tư đã được phân bổ để thực hiện các công trình cung cấp điện  với mục đích giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, xâm nhập mặn, đảm bảo cung cấp điện ổn định theo nhu cầu.

Ngoài ra, trong giải pháp vận hành, Tổng công ty duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, sửa chữa, bảo trì trạm, lưới điện để đảm bảo hệ thống lưới điện tại các khu vực thường có đột biến về phụ tải vận hành trong tình trạng ổn định nhất.

PV: Đồng hành với ngành Điện trong việc giải quyết khó khăn về nguồn do tình hình phụ tải tăng đột biến, các doanh nghiệp đã tự chủ động chuẩn bị các phương án, giải pháp tiết kiệm điện cho mình…ông đánh giá thế nào về vấn đề này? Điều này có ý nghĩa thế nào đối với Tổng công ty nói riêng và ngành Điện nói chung?

Ông Nguyễn Phước Đức: Trong những năm gần đây, một số ngành công nghiệp phát triển nhanh do được thay đổi cơ chế quản lý; một số sản phẩm nông nghiệp tìm được thị trường tiêu thụ nên mở rộng diện tích canh tác như trồng Thanh Long, trồng hoa... các doanh nghiệp với khả năng tài chính của đơn vị đã từng bước trang bị nguồn dự phòng (máy phát điện) để duy trì sản xuất khi mất cân đối cung cầu; mặt khác doanh nghiệp đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến để tiết kiệm điện năng nhằm giảm chi phí sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Sự chủ động của các doanh nghiệp về nguồn dự phòng đã giảm một phần áp lực về cung cấp điện cho ngành Điện, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất giảm thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh.

Hằng năm, trong kế hoạch chuẩn bị cung cấp điện cho mùa khô, EVNSPC yêu cầu các công ty điện lực thành viên phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố ban hành Chỉ thị hoặc văn bản nhắc nhở việc thực hiện tiết kiệm điện với tất cả các thành phần, trong đó có các doanh nghiệp; Thống kê tất cả các máy phát dự phòng hiện có trên địa bàn (trong đó có máy phát của khách hàng là các doanh nghiệp); ký kết phụ lục hợp đồng về huy động nguồn khi có mất cân đối cung cầu; Giải pháp hỗ trợ tiết kiệm điện cho phụ tải công nghiệp là nội dung được ngành điện quan tâm thực hiện trong những năm qua.

Nhìn chung, việc cung cấp điện ổn định trên địa bàn trong thời gian qua ngoài sự cố gắng của ngành Điện là sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, ngành điện đang và sẽ đầu tư về nguồn, lưới điện để đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu phát triển phụ tải, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội cho khu vực phía Nam nói chung, nhưng nguồn lực ngành Điện có hạn, vì vậy rất cần sự chung tay của doanh nghiệp để việc đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất được đảm bảo.”

PV: Với mục tiêu trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng là “Đem dịch vụ đến khách hàng” và tiếp tục thể hiện hoạt động cung cấp dịch vụ “Thân thiện - Tin cậy - Hiệu quả”. Để đạt được mục tiêu này, EVNSPC đã triển khai những giải pháp gì thưa ông”?

Ông Nguyễn Phước Đức: Phương hướng triển khai các dịch vụ mới dành cho khách hàng sử dụng điện của EVNSPC là đẩy mạnh khoa học công nghệ trong công tác dịch vụ khách hàng, với mục tiêu “Đem dịch vụ đến khách hàng” thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin: truy vấn thông tin sử dụng điện, thanh toán tiền điện, cấp điện mới...qua thiết bị di động, trang web, tin nhắn SMS,email.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thời gian tiếp cận điện năng và giải quyết nhánh chóng yêu cầu cấp điện mới đối với khu vực đủ điều kiện cấp điện theo tiến độ và nhu cầu của khách hàng; phối hợp các Sở, Ban, Ngành liên quan tại địa phương để cải cách thủ tục hành chính theo hướng “1 cửa liên thông”, đơn giản hóa hồ sơ các công trình mua điện trung áp;

Ứng dụng công nghệ sửa chữa điện nóng (không cắt điện) kết hợp triển khai các hoạt động thi công phát triển mới công trình điện có tính toán tối ưu thời gian mất điện thấp nhất để giảm thiểu thời gian mất điện đảm bào cấp điện ổn định, an toàn đến khách hàng;

Cải tiến hoạt động ghi chỉ số và thu tiền điện theo hướng mở rộng liên kết các tổ chức trung gian thanh toán và hệ thống ngân hàng nhằm tạo điều kiện khách hàng dễ tiếp cận điểm thanh toán tiền điện, dễ tham gia các ứng dụng thanh toán trực tuyến, dễ giám sát các thông tin tiêu thụ điện và thanh toán tiền điện.

Nâng hiệu quả hoạt động của Trung tâm Chăm sóc khách hàng (số điện thoại 19001006) với hệ thống tiếp nhận và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thông tin của khách hàng, cung cấp dịch vụ tiện ích đến khách hàng qua môi trường internet; các hoạt động tăng tính tương tác gần gũi thân thiện của ngành điện với khách hàng, tăng hiệu quả hoạt động giám sát, giải quyết vướng mắc trong sử dụng điện và đảm bảo vai trò tư vấn sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả đến khách hàng.

Triển khai các đề án sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả và tư vấn an toàn sử dụng điện tại các huyện đảo, khu vực nuôi tôm các tỉnh ven biển; Quảng bá về sử dụng năng lượng tái tạo đến các hộ dân, các doanh nghiệp sản xuất qua đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời. 

PV: Xin ông cho biết tình hình triển khai Hệ thống công tơ điện tử theo công nghệ PLC (công nghệ truyền dữ liệu công tơ trên đường dây dẫn điện) của EVNSPC trong giai đoạn hiện nay? Khi nào có thể thay mới hoàn toàn công tơ thông thường bằng công tơ PLC? Những lợi ích cụ thể của khách hàng khi sử dụng công tơ công nghệ PLC?

Ông Nguyễn Phước Đức: Hệ thống công tơ điện tử theo công nghệ PLC (công nghệ truyền dữ liệu công tơ trên đường dây dẫn điện) có độ chính xác cao, an toàn, có khả năng cung cấp các điều kiện nâng cao dịch vụ đến khách hàng như: phát hiện tình trạng mất điện, rò điện, mất an toàn điện trong mạng điện… Đến nay đã có hơn 65 % khách hàng  khu vực thành phố, thị xã đã lắp đặt công tơ điện tử PLC trong đo đếm điện năng; Mục tiêu của EVNSPC đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100% khách hàng khu vực thành phố, thị xã và ít nhất có 25% khách hàng thuộc khu vực nông thôn đều được lắp đặt công tơ điện tử đo ghi xa theo công nghệ PLC.

Hiện nay, toàn bộ hoạt động ghi điện của ghi điện viên đều thực hiện trên thiết bị di động (Smart phone) và chuyển dữ liệu về điện lực qua hệ thống mạng viễn thông; đối với khu vực lắp đặt công tơ điện tử PLC việc ghi điện đồng thời và tự động từ xa qua việc truyền dẫn dữ liệu tiêu thụ điện năng từ công tơ điện tử trên đường dây dẫn điện đến trung tâm thu thập dữ liệu tại điện lực; đối với khách hàng có trạm biến áp riêng đã lắp công tơ điện tử được ghi điện từ xa theo công nghệ không dây GPRS/3G. Trong năm 2017 các ghi điện viên sẽ được trang bị máy in ứng dụng công nghệ Bluetooth để có thể in thông báo chỉ số đến khách hàng ngay khi ghi điện xong, dự báo số tiền điện phải trả để khách hàng có điều kiện kiện kiểm tra đối chiếu, kết quả sử dụng điện hàng tháng.

Ngoài hoạt động thu tiền điện truyền thống tại nhà khách hàng và thanh toán theo hình thức Ủy nhiệm chi, chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng, EVNSPC đã hợp tác với nhiều ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán điện tử khác (EcPay, Viettel, Payoo, VNPay...) tạo điều kiện để khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua ứng dụng thanh toán trực tuyến tại hệ thống ATM, tại các điểm giao dịch của ngân hàng, thanh toán tiền điện trực tuyến qua Smartphone, qua trang Web; Khách hàng có thể thanh toán tiền điện tại tất cả các quầy thu tiền điện của điện lực tại 21 tỉnh/thành phố thuộc địa bàn quản lý kinh doanh điện của Tổng công ty mà không phân biệt khu vực mua điện.

Trong năm 2017, EVNSPC mở rộng hợp đồng liên kết với các tổ chức trung gian thanh toán để tạo điều kiện cho khách hàng có thể trả tiền điện tại địa điểm gần nơi cư trú của khách hàng, tại các quầy thu khác như: siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng điện thoại, các quầy thu tại các trụ sở UBND xã, huyện, bưu cục…

PV: Xin cảm ơn Ông!

NGUYỄN TIẾN SỸ (Thực hiện)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động