RSS Feed for ‘EVN phải bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 12/09/2024 12:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

‘EVN phải bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện’

 - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu trong thời gian tới, EVN phải bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao, với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.


Điện lực Việt Nam: 66 năm thắp sáng niềm tin


Ngày 12/1, tại Hà Nội, EVN tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, kết nối tới 272 điểm cầu (đến các đơn vị cấp 4) trên toàn quốc.  

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của EVN. 

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết: Đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300 MW, tăng gần 14.000 MW so với năm 2019. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh, lần lượt tăng 2,9% và 3,42% so với năm 2019.

Năm 2020, công tác vận hành hệ thống điện có nhiều biến động, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phụ tải điện tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, thủy văn diễn biến bất thường, khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ, cuối tuần.

Cũng trong năm 2020, thị trường điện đã đảm bảo liên tục, ổn định theo đúng quy định. Từ ngày 1/9/2020, thị trường điện đã được chuyển đổi chu kỳ điều độ - chu kỳ giao dịch xuống 30 phút, góp phần xử lý chính xác và kịp thời các biến động trong vận hành hệ thống.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, EVN đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời chủ động báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT).

Công tác dịch vụ khách hàng được nâng cao, đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện và chiếm trên 77% giao dịch qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Trong công tác đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, đặc biệt khu vực chưa có điện, các đơn vị của EVN đã chủ động thu xếp vốn với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng để cấp điện cho gần 14.000 hộ dân chưa có điện thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Kon Tum, Bạc Liêu,...

Về cấp điện hải đảo, trong năm, các Tổng công ty Điện lực đã hoàn thành các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), đảo Trần (Quảng Ninh); triển khai dự án Cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Tính đến cuối năm 2020, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,54%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương cán bộ, nhân viên và người lao động toàn Tập đoàn đã đoàn kết, nỗ lực lao động, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 nói riêng và cả giai đoạn 2016 - 2020.

Đồng thời, yêu cầu trong thời gian tới, EVN phải bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao, với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, phải phát triển hạ tầng ngành Điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN trước hết, cần tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện hoàn thành Quy hoạch điện VIII. Chủ động tham mưu đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện đáp ứng yêu cầu đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC) và các Bộ Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng,… tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh các thủ tục về quản lý vốn, tài sản, đầu tư xây dựng để EVN thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, đề nghị các địa phương cùng với EVN quản lý chặt chẽ các hồ, đập, công trình điện; tạo thuận lợi về mặt bằng để Tập đoàn triển khai các công trình, dự án điện đúng tiến độ.

Những nội dung kiến nghị của EVN tại Hội nghị này đã được Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với CMSC tổng hợp, đề xuất phương án xử lý, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ.

Một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2021 của EVN:

- Điện thương phẩm: 228,156 tỷ kWh, tăng 5,16% so với năm 2020.

- Chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện: Chỉ số SAIDI thấp hơn 349 phút.

- Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: dưới 6,35%.

- Chỉ số tiếp cận điện năng: Duy trì vị trí trong ASEAN 4.

- Tổng giá trị đầu tư xây dựng: 97.124 tỷ đồng./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động