RSS Feed for EVN NPT: Tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ quốc tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 17:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVN NPT: Tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ quốc tế

 - Trước thực trạng huy động nguồn vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn, mới đây, đoàn công tác của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) do Chủ tịch HĐTV Đặng Phan Tường dẫn đầu đã đi châu Âu, làm việc với một số đối tác để thu xếp vốn cho các dự án truyền tải điện.

Sửa đổi Hiệp định vay Dự án thủy điện Trung Sơn

Theo EVN NPT, tại buổi làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) - một trong những nhà tài trợ đồng hành cùng EVN NPT ngay từ những ngày đầu thành lập, bà Françoise Chalier - Vụ phó vụ châu Á cho biết, Việt Nam là nước đối tác đứng thứ hai của AFD trên toàn cầu (sau Tuy-Ni-Di). Tính đến nay, tổng cam kết của AFD cho Việt Nam đã đạt mức 1,6 tỉ Euro cho hơn 80 dự án, trong đó có nhiều dự án kết hợp khoản vay và khoản viện trợ không hoàn lại. Riêng trong lĩnh vực năng lượng, AFD đã tài trợ các dự án và hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) với tổng số tiền tương đương 235,2 triệu EURO. 

Trong năm 2015 và các năm tiếp theo, mục tiêu của AFD là duy trì khoản viện trợ tối thiểu 100 triệu EURO/năm cho Việt Nam, trong đó bao gồm cả các dự án điện, bà Françoise Chalier cho biết.

Chủ tịch HĐTV EVN NPT Đặng Phan Tường cho biết, sự trợ giúp của AFD đã mang lại những hiệu quả nhất định cho sự phát triển của ngành điện Việt Nam, trong đó có ngành truyền tải. Riêng với EVNNPT, sự đồng tài trợ của AFD cùng ADB cho 2 dự án: truyền tải điện miền Bắc và đầu tư lưới điện truyền tải 2 với tổng số tiền tương đương 140 triệu EURO là minh chứng cho sự giúp đỡ hiệu quả này.

Theo Chủ tịch HĐTV EVN NPT, cả 2 dự án đều được triển khai thành công. Đặc biệt là dự án ĐZ 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông thuộc dự án Đầu tư lưới điện truyền tải 2. Đây là dự án điển hình về thời gian triển khai thi công, lập kỷ lục trong công tác giải ngân (1 năm) so với các dự án thông thường khác (5-6 năm). Dự án đã đóng điện thành công trong tháng 5/2014, đưa vào vận hành giúp giảm gánh nặng và giải tỏa nỗi lo cung ứng điện cho khu vực phía Nam.

Chủ tịch HĐTV EVN NPT cũng đề cập đến việc sử dụng số vốn dư 31 triệu EURO từ khoản vay cho đường dây này sẽ hiệu quả hơn nếu AFD xem xét tài trợ cả phần xây lắp lẫn thiết bị. Với quy định chỉ tài trợ thiết bị như hiện nay của AFD, việc lựa chọn dự án phù hợp sẽ có nhiều khó khăn cho EVN NPT do trong các dự án, giá trị thiết bị chỉ chiếm 20% tổng giá trị đầu tư, trong khi các thủ tục của Chính phủ Việt Nam phê duyệt các thủ tục liên quan đến các dự án sử dụng vốn ODA ngày càng chặt chẽ và phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án.

Chủ tịch HĐTV EVNNPT cam kết sẽ cung cấp tiến độ triển khai chi tiết các tiểu dự án đề xuất sử dụng vốn dư và huy động các nguồn lực để triển khai nhanh nhất có thể.

Trong 5 năm tới, nhu cầu đầu tư hàng năm của EVN NPT dao động trong khoảng  từ 800 - 900 triệu USD/năm.

Đối với khoản cung cấp không hoàn lại của AFD cho dự án HTKT "Tăng cường năng lực tổ chức, quản lý tài chính và kế hoạch  của EVNNPT”, trị giá 500.000 EURO, Chủ tịch HĐTV EVN NPT  cho biết, hiện EVN NPT đang hoàn thiện các bước tiếp theo để có thể tiến hành tuyển tư vấn thực hiện dự án và sẽ gửi thông tin cập nhật tiến độ triển khai để AFD cùng phối hợp thực hiện để đạt được hiệu quả cao nhất. 

Chủ tịch HĐTV EVN NPT nhấn mạnh, EVN NPTcần sự hỗ trợ của AFD trong việc tiếp tục cung cấp các HTKT mới bên cạnh HTKT không hoàn lại trên để tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: tăng năng suất lao động; nâng cao hiệu quả sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nghiên cứu và phát triển lưới điện thông minh...

Trên góc độ của nhà tài trợ và phụ trách về mảng năng lượng, Bà Rima - Vụ phó Vụ năng lượng và Giao thông bền vững Pháp rất quan tâm đến giá truyền tải và đề nghị cho biết phí truyền tải điện hiện nay đáp ứng thế nào đối với hoạt động của EVN NPT.

Chủ tịch HĐTV EVN NPT Đặng Phan Tường cho biết, hiện EVN NPT đang làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương đề nghị tăng giá truyền tải. Với kết quả hiện tại, nhiều khả năng giá truyền tải điện năm 2015 sẽ được tăng ở mức độ cao. Khi giá truyền tải tăng lên tình hình tài chính của EVNNPT sẽ được cải thiện đáng kể, đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện tài chính của các nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐTV EVN NPT Đặng Phan Tường cũng đánh giá cao hình thức cho vay mới mà AFD đã áp dụng đối với một số khoản vay gần đây của EVN.

Đó là hình thức cho vay không cần bảo lãnh của Chính phủ mà căn cứ trên cơ sở hợp đồng mua bán điện của EVN. Hình thức này thực sự hiệu quả và thuận lợi cho cả hai phía: rút ngắn đáng kể các thủ tục, giảm thiểu chi phí do chủ đầu tư không phải trả phí bảo lãnh, được Chính phủ Việt Nam ủng hộ do doanh nghiệp tự vay, tự trả không ảnh hưởng đến nợ công của Chính phủ. 

Do vậy, Chủ tịch HĐTV EVN NPT đề nghị AFD có thể xem xét áp dụng hình thức cho vay này đối với EVN NPT trong thời gian tới do tình hình tài chính 3 năm trở lại đây của EVN NPT rất khả quan. Hơn nữa, năm 2015, EVN NPT sẽ được tăng giá truyền tải ở mức độ cao. Đây chính là các yếu tố thuận lợi, đảm bảo tình hình tài chính ổn định cho EVN NPT có thể hoàn trả nợ đúng hạn.

Trong 5 năm tới, nhu cầu đầu tư hàng năm của EVN NPT dao động trong khoảng  từ 800 - 900 triệu USD/năm. Để thu xếp số tiền đầu tư lớn như vậy, EVN NPT phải tiến hành vay từ nhiều nguồn: thương mại trong nước và ODA, nhưng ODA vẫn là chủ yếu. Ngoài ra, EVNNPT còn vay từ các tổ chức nước ngoài khác: NEXI, BNP Paribas . Với riêng ADB, trong thời gian tới, hai bên sẽ bàn bạc chi tiết để triển khai các khoản vay thương mại, không thuộc hình thức ODA. Do vậy, EVNNPT cũng đề nghị AFD tiếp tục hợp tác hỗ trợ EVNNPT trong tương lai và xem xét bổ sung thêm các hình thức cho vay mới nhằm mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai bên.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động