EVN NPC: 5 mục tiêu cho giai đoạn phát triển mới
09:24 | 18/02/2016
Tổng công ty Điện lực miền Bắc: 8 khâu đột phá
Đà vững chắc
Năm 2015 qua đi đánh dấu một chặng đường phát triển 5 năm của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC). Điện thương phẩm toàn Tổng Công ty đạt 44.800 triệu kWh, tăng trưởng 14,42%, và đạt 102,28% so với kế hoạch EVN giao. Tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2015 toàn NPC đạt 6,68%, giảm 0,02% so với kế hoạch EVN điều chỉnh (6,7%) và giảm 0,22% so với kế hoạch EVN giao đầu năm (6,9%).
Trong các năm 2011-2015, những biến động phức tạp của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới và trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh - đầu tư xây dựng của EVN NPC. Với quyết tâm và nỗ lực của toàn thể CBCNV, Tổng Công ty đã hoàn thành những chỉ tiêu kế hoạch năm 2015 và 5 năm 2011-2015: Cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Sản xuất kinh doanh có lợi nhuận. Thực hiện vượt kế hoạch đầu tư các công trình điện. Hiệu quả hoạt động chung toàn Tổng công ty được nâng cao. Chất lượng dịch vụ khách hàng tiếp tục chuyển biến tốt; đóng góp tích cực vào nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng. Đảm bảo việc làm và chế độ quyền lợi cho công nhân viên chức. Các lĩnh vực công tác như phòng chống tham nhũng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, khoa học công nghệ và môi trường, thông tin tuyên truyền đạt kết quả tốt.
Trong giai đoạn 2011-2015, Tổng công ty đã đầu tư 38.538 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với khối lượng thực hiện trong 5 năm 2006-2010. Cụ thể, trong kế hoạch đầu tư xây dựng, EVN NPC đã thực hiện quản lý, cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch hàng năm và trung hạn, phân bổ hợp lý vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên, tập trung vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết. Công tác thu xếp vốn cho đầu tư xây dựng đạt được kết quả xuất sắc. Ngoài vốn tự có, EVN NPC đã thu xếp ký được hợp đồng vay trên 62.097 tỷ đồng từ các ngân hàng trong nước và nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế đa phương và song phương. Ngay trong các năm khó khăn nhất về vốn đầu tư 2011-2012, các dự án nguồn điện và lưới điện vẫn được đáp ứng đủ vốn thanh toán. Hoạt động hợp tác quốc tế đã đóng góp tích cực trong công tác thu xếp vốn cho các dự án điện. Quan hệ với các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế, đặc biệt là ADB, WB, JICA, KfW... được duy trì tốt. Trong giai đoạn 2011-2015, EVNNPC đã ký được nhiều hiệp định vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn thương mại. Tổng vốn vay ODA giai đoạn 2011-2015 tương đương 9.757 tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư xây dựng của EVNNPC.
Cạnh đó, Tổng Công ty đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cho 6 tỉnh được giao trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013). Trong giai đoạn 2011-2015, EVN NPC đã tiếp nhận lại 1.439 xã và cụm xã với trên 1,410 triệu hộ dân nông thôn. Riêng năm 2015, tiếp nhận được 120 xã và 211 cụm với khối lượng 3.226 km đường dây hạ áp; 204.385 công tơ 1 pha; 6.685 công tơ 3 pha; giá trị tài sản 297 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn EVN NPC quản lý số xã có điện đạt 99,2% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,89%. Hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới. EVN NPC đã đảm nhận cấp điện cho 2/3 huyện đảo trên địa bàn gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và đang triển khai tiếp nhận lưới điện và đảm nhận cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)...
Giai đoạn phát triển mới
Giai đoạn 2016-2020, cả nước thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của EVNNPC trong các năm tới sẽ chịu nhiều hơn nữa các tác động, ảnh hưởng của yếu tố thị trường khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập, tham gia sâu rộng hơn vào thị trường toàn cầu.
Phía trước là hàng loạt các thách thức, EVNNPC xác định tiếp tục phải vượt qua. Một, các yếu tố thị trường đầu vào của sản xuất kinh doanh điện biến động khó dự báo trước. Hai, nhu cầu vốn rất lớn cho đầu tư phát triển lưới điện, cho hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật so với khả năng tự cân đối của Tổng công ty. Ba, các hiện tượng biến đổi môi trường và khí hậu cực đoan có thể tác động xấu, thường xuyên hơn tới sản xuất, kinh doanh điện. Bốn, trong quá trình tái cơ cấu để đáp ứng yêu cầu thị trường điện, công tác tổ chức lại bộ máy điều hành, sắp xếp các đơn vị, bố trí lại lực lượng lao động... sẽ diễn ra ở nhiều đơn vị, nhưng không được ảnh hưởng tới nhiệm vụ đảm bảo sản xuất cung ứng điện.
Với nhận định trên, Tổng công ty xác định 5 mục tiêu cơ bản, phấn đầu thực hiện trong thời gian tới: Cung cấp điện an toàn - ổn định, hoàn thành tốt các nhiệm vụ kế hoạch EVN giao. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân cho người lao động, với tốc độ cao hơn lạm phát. Tối ưu hóa chi phí, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực và khả năng tự cân đối tài chính trong từng đơn vị. Đổi mới quản lý, đáp ứng lộ trình phát triển thị trường điện. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng theo phương châm 3 dễ “ dễ tiếp cận - dễ tham gia - dễ giám sát”.
Song để hoàn thành các mục tiêu đề ra, EVNNPC chỉ đạo các đơn vị trong Tổng Công ty nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo từ EVN, Tổng công ty, năng động sáng tạo tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả SXKD và tăng năng suất lao động. Thực hiện tốt các quy chế, quy định, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật. Tăng cường liên kết giữa các bộ phận đảm bảo bộ máy của Tổng Công ty, từ các phòng ban cơ quan đến các cơ sở, từ lãnh đạo đến nhân viên hoạt động ăn khớp nhịp nhàng; có sự phối kết hợp chặt chẽ và có tinh thần trách nhiệm cao.
Về công tác kinh doanh điện năng và kiểm tra, giám sát mua bán điện, EVNNPC chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: Tiếp tục cải cách triệt để các thủ tục nội bộ, thực hiện phân cấp theo quy trình kinh doanh để thực hiện đạt và vượt chỉ số tiếp cận điện năng theo chỉ đạo của Chính Phủ và Tập đoàn; Chủ động cung cấp thông tin tới khách hàng bằng việc nâng cao chất lượng dịch vụ của trung tâm chăm sóc khách hàng. Cung cấp thông tin đầy đủ trên Web, thực hiện trao đổi thông tin tương tác với khách hàng; Triển khai tới tất cả các Điện lực dịch vụ cấp điện thông qua việc sử dụng máy tính bảng để khảo sát, lập dự toán, in phiếu thu, thu tiền, chụp ảnh hồ sơ… ngay tại nhà khách hàng để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng; Tổng công ty tổ chức xây dựng các quy chế, quy định, quy trình, các định mức sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực hiện của các đơn vị để nâng cao hiệu quả lao động và tối ưu hóa chi phí trong sản xuất kinh doanh; Tập trung củng cố và hoàn thiện mô hình tổ chức, hoàn thiện cơ chế phân cấp để tạo sự chủ động cho các điện lực theo đúng quy chế 212.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp, từng bước đổi mới toàn diện công tác tổ chức sản xuất kinh doanh để sẵn sàng đáp ứng cho thị trường bán buôn cạnh tranh; Nâng cao công tác theo dõi, quản lý tổn thất điện năng theo từng đường dây trung áp, theo từng trạm biến áp phân phối. Kết hợp với kết quả tính toán tổn thất điện năng kỹ thuật để đề xuất và thực hiện các giải pháp giảm tổn thất điện năng hiệu quả; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng thiết bị khi thực hiện các dự án cải tạo, thay thế thiết bị, thực hiện tốt việc phối hợp giữa các đơn vị trong việc điều hành, đấu nối, sửa chữa lưới điện…
Để hoàn thành kế hoạch được giao, Tổng công ty cũng đề nghị EVN một số nội dung:
Thứ nhất, Tập đoàn chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia khẩn trương đẩy nhanh các dự án trạm 220kV Thanh Nghị, Phú Thọ, Lạng Sơn, Quỳnh Lưu đưa vào vận hành năm 2016 và sớm hoàn thành các công trình lưới điện 550-220kV đang triển khai theo kế hoạch của Tập đoàn.
Thứ hai, EVN tiếp tục tạo điều kiện cho Tổng công ty tiếp cận các nguồn vốn vay ODA với lãi suất ưu đãi để đầu tư cải tạo lưới điện hiện có. Hiện nay Tổng công ty phải đầu tư nhiều dự án 220kV, 110kV có tính chất truyền tải, công ích (như đấu nối các nhà máy thuỷ điện) có suất đầu tư cao, thu hồi vốn lâu, trong khi phải đi vay vốn và chịu lãi suất cao, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Thứ ba, Tập đoàn sớm triển khai đồng bộ công tác sửa đổi các chương trình phần mềm quản lý phù hợp với phương thức thu thập dữ liệu tính toán để triển khai tách bạch chi phí phân phối - bán lẻ, xác định chi phí công ích được thuận lợi, chính xác.
Thứ tư, Tập đoàn sớm sửa đổi định mức chi phí phân phối điện trong đó đưa đủ vào định mức chi phí quản lý vận hành lưới điện nông thôn, chi phí DVBLĐN theo đúng quy định tại quy trình kinh doanh, chi phí kiểm định công tơ.
Thứ năm, đề xuất giảm bớt đầu mục định mức chi phí, nghiên cứu quy định định mức chi phí phân phối theo đồng/kWh (đã loại trừ khấu hao tài sản, chênh lệch tỷ giá, lãi vay) để tăng cường tính chủ động thực hiện theo chiến lược từng năm của đơn vị.
Về quy định không cắt điện từ tháng 3-7 năm 2016 cho công tác SCL, EVNNPC cho rằng đầu tư xây dựng sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch cắt điện của các đơn vị cho các tháng cuối năm, vì vậy, EVNNPC đề xuất: Cần có văn bản chỉ đạo cụ thể để các đơn vị thuận tiện trong công tác triển khai thực hiện.
Một số Công ty chưa hoàn thành xong việc thoái vốn giai đoạn 2012-2015, EVNNPC đề nghị EVN cho phép gia hạn thêm thời hạn thực hiện trong năm 2016 và 2017. Cạnh đó, để cải thiện hệ số khả năng thanh toán nợ. Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cũng đề nghị EVN xem xét các giải pháp: Ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi và vốn NSNN cho các dự án trọng điểm của NPC để giảm các khoản vay TDTM; Xem xét giao giá bán điện nội bộ với tỷ suất lợi nhuận sau thuế cao hơn 1%.
Mục tiêu năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 đã được đề ra, ngay những ngày đầu năm mới 2016, toàn Tổng công ty đang nỗ lực tối đa, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các chỉ tiêu kế hoạch SXKD điện năm 2016
- Điện thương phẩm: 51,1 tỷ kWh, tăng trưởng 13.94%.
- Tổn thất điện năng: 6,2% giảm 0,16% so với KH giao.
- Giá bán bình quân: 1.568 đ/kWh, tăng 26,3 đ/kWh so với thực hiện năm 2015.
- Tiết kiệm điện: Tối thiểu 1,5% Điện thương phẩm.
- Chỉ số tiếp cận điện năng: 9,9 ngày.
NangluongVietnam Online