EVN đề xuất ‘phát triển nhanh’ điện gió, mặt trời và hệ thống lưu trữ ở miền Bắc
08:02 | 11/10/2022
EVN kiến nghị giao các tập đoàn nhà nước ‘đầu tư thí điểm’ điện gió ngoài khơi Trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực mới đây, Tập đoàn Điện lưc̣ Việt Nam (EVN) đã kiến nghị cơ chế giao các tập đoàn nhà nước đầu tư thí điểm các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi (vì đây là các khu vực liên quan an ninh quốc gia, công nghệ mới, thi công phức tạp). Trên cơ sở kinh nghiệm đó, Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế để lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức xã hội hoá. |
Trong những ngày gần đây, thông tin về tình hình thiếu than cho sản xuất điện đang được dư luận quan tâm, nhất là miền Bắc chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng, kèm theo dự báo tiêu thụ điện tăng mạnh như quy luật hàng năm. Cùng với đó, đà tăng trưởng phục hồi của nền kinh tế khi dịch bệnh Covid-19 bị đẩy lùi cũng gây áp lực rất lớn đối với công tác bảo đảm cung ứng điện.
Nếu so sánh với kế hoạch cung cấp điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tình hình tiêu thụ điện của toàn quốc trong quý 1/2022 cho thấy tăng trưởng cao hơn kế hoạch dự kiến.
Trong một báo cáo tính toán cập nhật cân đối cung cầu điện năm 2022 của EVN cho thấy: Hệ thống đáp ứng đủ nhu cầu điện tại khu vực miền Trung và miền Nam. Riêng đối với khu vực miền Bắc, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào một số thời điểm, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng cao điểm.
Nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc hiện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Với tình hình thực tế của năm 2022, nguồn điện mới ở miền Bắc dự kiến vào vận hành rất ít, các nguồn điện mới bổ sung ở miền Trung và miền Nam (chủ yếu là năng lượng tái tạo) trong vài năm gần đây cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho phía Bắc do công suất truyền tải qua đường dây 500 kV bị giới hạn kỹ thuật ở mức bảo đảm an toàn và ổn định hệ thống.
Trong khi đó, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện gần đây gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như vào cuối tháng 3/2022, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện, nhiều tổ máy nhiệt điện than đã phải dừng và giảm phát.
Ngoài ra, thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cho biết: Tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới làm nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu. Hệ thống miền Bắc còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ (các tháng 5, 6, 7).
Với tinh thần tìm mọi giải pháp khắc phục các khó khăn về cung cấp điện, nhất là ở khu vực miền Bắc, EVN đã báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất một số giải pháp đồng bộ. Trong đó, EVN đề xuất sớm có cơ chế phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) ở khu vực miền Bắc nhằm tránh nguy cơ thiếu điện.
Theo đó, đến năm 2025 đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500 MW các nguồn điện NLTT (gồm 4.000 MW điện gió và khoảng 1.500 MW điện mặt trời, kèm theo hệ thống lưu trữ phù hợp để đáp ứng nhu cầu công suất trong các giờ cao điểm).
Mặt khác, EVN đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (không bán lên lưới). Riêng về điện gió ngoài khơi, EVN kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét bổ sung Quy hoạch và chấp thuận cho EVN triển khai đầu tư điện gió ngoài khơi khu vực Bắc bộ để tăng cường nguồn cấp điện khu vực phía Bắc.
Theo EVN, trong bối cảnh nguồn điện khu vực miền Bắc đang có nhiều khó khăn, việc đề xuất cơ chế phát triển nhanh các nguồn NLTT ở khu vực miền Bắc cũng cần được xem xét là một trong những giải pháp phù hợp. Đồng thời, đề xuất này cũng theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc khuyến khích thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cũng như thực hiện đúng tinh thần cam kết của Việt Nam tại COP26./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM