RSS Feed for Dự án đưa điện về nông thôn, miền núi chậm tiến độ do thiếu vốn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 25/04/2024 17:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự án đưa điện về nông thôn, miền núi chậm tiến độ do thiếu vốn

 - Tại buổi trả lời chất vấn của đại biểu trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, tình trạng chậm trễ, chưa hoàn thành dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi. Nguyên nhân do yêu cầu thời điểm đó, các dự án này không được tiếp tục bố trí vốn cũng như cung cấp các nguồn lực đầu tư cho các địa phương.

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Sau 22 năm nhìn lại
Điện đã 'đi trước một bước' trong xây dựng nông thôn mới

Đại biểu Phương Thị Thanh - Bắc Kạn đặt câu hỏi: Dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi trong thời gian vừa qua đã triển khai chậm, chưa đạt được tiến độ đề ra. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp thực hiện trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Chúng tôi rất cảm ơn ý kiến này. Bởi vì ở đây cũng là dịp để cho Bộ Công Thương thay mặt Chính phủ báo cáo lại với Quốc hội về những sự chậm trễ cũng như việc chưa hoàn thành nhiệm vụ đã được nêu ngay từ đầu nhiệm kỳ của Quốc hội. Tôi còn nhớ ngay trong phiên chất vấn lần thứ 3, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu của Đoàn Nghệ An cũng đã yêu cầu cam kết của Bộ trưởng Bộ Công Thương thay mặt Chính phủ đảm bảo thực hiện đề án về cung cấp điện cho nông thôn và vùng miền núi còn nhiều khó khăn.

Thưa Quốc hội, đây là một đề án chính trị rất quan trọng của Đảng, Nhà nước nhưng đến thời điểm này tôi xin được báo cáo là chúng ta không đảm bảo thực hiện được theo đúng tiến độ. Đề án với mục tiêu hướng tới là cung cấp điện lưới quốc gia cho hơn 1.000 hộ nông dân ở 17 xã và là 9.890 thôn bản trên cả nước ở tất cả những vùng núi, vùng nông thôn, vùng hải đảo, vùng đảo còn nhiều khó khăn cũng như một số nội dung khác liên quan đến cấp điện cho các trạm bơm tưới nước ở tại vùng ĐBSCL, có 13 tỉnh và thành phố. Quy mô tổng đầu tư dự kiến tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Trong kế hoạch năm 2017 và năm 2018, Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Chính phủ đã xây dựng các kế hoạch về cung cấp vốn cho những dự án này bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực, nguồn vốn từ các địa phương như là vốn ứng và nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu và các tổ chức khác.

Trong cơ cấu vốn đó thì nguồn vốn lớn nhất mà chúng ta trông đợi là từ các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Thế giới và của Liên minh châu Âu tới 24.000 tỷ đồng và phần còn lại là của các nguồn lực khác từ ngân sách nhà nước cũng như của địa phương và của Tập đoàn Điện lực.

Báo cáo với Quốc hội cuối năm 2017 đầu năm 2018 thì hoàn cảnh đặc thù lúc đó của chúng ta đang ở trần nợ công lên rất cao và xấp xỉ mức giới hạn. Theo chỉ đạo giám sát của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể tất cả các chương trình đang sử dụng các nguồn vay dưới danh nghĩa của quốc gia. Và chính vì vậy sau đó các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ tạm thời là không xem xét để đưa nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu, ngoại trừ một khoản duy nhất tương đương khoảng hơn 2.800 tỷ đồng đã được giải ngân từ Liên minh châu Âu. Chính vì vậy, các dự án này không được tiếp tục bố trí vốn cũng như cung cấp nguồn lực để thực hiện tiếp hoạt động đầu tư cho các địa phương. Tính đến nay, xét cả về tiêu chí vốn cũng như các chỉ tiêu của dự án chỉ có khoảng hơn 10% nội dung đầu tư của đề án này được thực hiện và khoảng 18,5% nguồn vốn được giải ngân từ các nguồn đã hiện hữu trên.

Sau khi Quốc hội và Chính phủ có những nỗ lực để thực hiện an toàn nợ công quốc gia và giảm trần nợ công xuống hiện nay chúng ta tiếp tục có những cơ sở để đảm bảo thuận lợi hơn cho việc triển khai đề án. Cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ động theo sự chỉ đạo của Chính phủ làm việc tiếp với Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu, chuẩn bị sẵn sàng những nguồn hỗ trợ từ tín dụng ưu đãi của hai tổ chức này với quy mô lên tới hơn 24.000 tỷ đồng. Chúng tôi thiết tha báo cáo với Chính phủ và kiến nghị với Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục sử dụng những nguồn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế để phục vụ cho việc triển khai thiện dự án này là dự án rất quan trọng, nhưng trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2021 tới năm 2025./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động