RSS Feed for Đô thị xanh: Cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 11:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đô thị xanh: Cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành

 - Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà, xây dựng, khuyến khích phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng xanh hóa… là 2 trong 5 nhiệm vụ chính của ngành Xây dựng theo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.

Cần Thơ tiết kiệm điện: Từ khẩu hiệu tới hành động

Bộ Xây dựng cho biết, đã chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và trong nước tổ chức nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, định hướng chính sách, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu ngành xây dựng.

Theo thống kê ban đầu báo cáo của 59 đô thị từ loại IV trở lên trong cả nước, hiện nay đã có 24/59 đô thị đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện đô thị tăng trưởng xanh. Trong đó có 7 đô thị đã xây dựng Nghị quyết chỉ đạo; 15 đô thị xây dựng kế hoạch, 6 đô thị có chương trình thực hiện.

Đặc biệt, 2 đô thị Sa Pa và Sóc Trăng đã ban hành Chiến lược về tăng trưởng xanh. Một số đô thị khác như Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tam Kỳ… cũng đang tiến hành nghiên cứu xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu. TP Hải Phòng và thị trấn Liên Nghĩa đã ban hành nhiều nhất các văn bản có liên quan...

Sa Pa là đô thị đã ban hành Chiến lược về tăng trưởng xanh - Ảnh: Nguồn Internet.

Tuy nhiên, trong 24 đô thị nói trên, có đến 15 đô thị chỉ có 1 văn bản chỉ đạo. Mặc dù các đô thị từ loại I đến loại IV đều đã có chỉ đạo, định hướng nhưng có thể nhận định sơ bộ việc chỉ đạo triển khai xây dựng đô thị tăng trưởng xanh cần phải tiếp tục đẩy mạnh.

Một nguyên nhân khách quan của việc triển khai thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh còn nhiều khó khăn là do chưa có khái niệm rõ nét về đô thị tăng trưởng xanh, chưa có các tiêu chí cụ thể cũng như chưa có nhiều ví dụ thực tiễn về lĩnh vực này ở cấp độ quy mô toàn đô thị.

Nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu các mô hình cho tổng thể đô thị gần gũi với quan điểm đô thị tăng trưởng xanh với các tên gọi khác nhau như đô thị xanh, đô thị sinh thái (Eco City), đô thị kinh tế - sinh thái (E2 city), đô thị kinh tế - môi trường và công bằng (E2 and Equity City), đô thị thông minh (Smart City, Ubiquious City)...

Tại mỗi quốc gia lại có sự luận giải và áp dụng các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực và trình độ phát triển khoa học công nghệ, thị trường phục vụ, truyền thống và đặc điểm điều kiện tự nhiên... Do đó, việc triển khai áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như điều kiện đặc thù của mỗi đô thị cần có những lộ trình, kế hoạch cụ thể.

Hiện nay, có 8 đô thị nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, chủ yếu tập trung cho việc nghiên cứu xây dựng chiến lược thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Hầu hết báo cáo của các địa phương đã đề nghị có sự hỗ trợ từ Trung ương cũng như hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và trong nước trong việc xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho đô thị; xây dựng các công cụ quản lý điều hành; chia sẻ các bài học kinh nghiệm thực tế; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực; hỗ trợ các dự án đầu tư ưu tiên...

Việc xây dựng kế hoạch hành động cần đảm bảo có khả năng lồng ghép được vào quy hoạch của địa phương về các lĩnh vực sản xuất tiêu dùng bền vững, giảm phát thải nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu, xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế, xây dựng và thực hiện các chỉ số phát thải.

Tình hình đô thị hóa trên toàn quốc cũng như xu hướng tác động của các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các đô thị phải có tầm nhìn, kế hoạch dài hạn, xây dựng cơ sở bền vững cho sự tăng trưởng dựa trên động lực có tính cạnh tranh cũng như có hiệu suất cao. Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh sẽ là một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy hệ thống về tăng trưởng đô thị, đòi hỏi có sự thống nhất vào cuộc của các cấp các ngành cũng như các bên liên quan trong xã hội.

Với tư duy đúng, lộ trình phù hợp và những giải pháp sáng tạo, đô thị tăng trưởng xanh sẽ đóng góp một phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Theo: baoxaydung.com.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động