RSS Feed for Điện nơi Đảo tiền tiêu của Tổ quốc | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 08:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện nơi Đảo tiền tiêu của Tổ quốc

 - Huyện đảo Cát Hải thành phố Hải Phòng bao gồm hai đảo Cát Hải và Cát Bà có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ của Vịnh Bắc bộ cũng như vùng đông Bắc của Tổ quốc, ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân lên đảo Cát Bà, người thăm hỏi bà con và dặn dò cán bộ, chiến sỹ trên đảo tiền tiêu phải nâng cao ý thức gìn giữ biển đảo và góp phần xây dựng cuộc sống mới. Hàng năm huyện Cát Hải tổ chức kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm đảo Cát Bà để ôn lại truyền thống tốt đẹp và mãi ghi nhớ ngày Người đặt chân lên đảo.

Hoàn thành dự án cấp điện công khu công nghiệp Hải Hà

Do đặc thù vị trí địa lý, mãi năm 1991 điện lưới quốc gia mới vươn ra đảo Cát Hải, ngày đó là ngày lịch sử của toàn thể bà con trên đảo Cát Hải vốn chỉ biết quanh năm gắn bó với nghề chài lưới và làm muối, có lẽ đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của cuộc đời những người vạn chài.

Năm 1998 điện lưới được kéo ra đảo Cát Bà, vùng đảo đá bừng lên sáng ngỡ ngàng và đẹp lung linh như hòn ngọc được mài giũa, theo lời kể của một người dân trên Đảo ngày đóng điện trạm biến áp Xã Phù Long, một cụ già nhờ con cháu dắt ra xem điện và nói, từ xưa đến nay không có điện, giờ tôi mới thỏa lòng mong ước, kể chết cũng nhắm mắt xuôi tay.

Còn một xã duy nhất trên đảo cũng là xã duy nhất của thành phố Hải Phòng chưa có điện lưới, xã Việt Hải nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Bà cô lập hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài, muốn vào xã phải mất 60 phút đi đò, không bao giờ trên 80 hộ dân của Xã nghĩ rằng ngày 18 tháng 8  năm 2009 dòng điện lưới đã vượt rừng núi và biển cả đến với xã vùng sâu, kể từ ngày có điện bộ mặt của xã Việt Hải đã đổi thay hoàn toàn.

Có thể nói, điện đã đóng góp rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của huyện đảo, theo thống kê 10 năm trở lại đây, kinh tế huyện Cát Hải đã có những bước tiến vượt bậc, cụ thể là: tốc độ tăng trưởng bình quân 13,4%/năm, cao gấp 1,22 lần mức bình quân của thành phố Hải Phòng; quy mô kinh tế tăng 3,52 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,38 lần, tăng trưởng nhóm ngành dịch vụ đạt bình quân 16,7%/năm, tăng 2,67 lần so với năm 2003… Đáng chú ý là ngành du lịch được đầu tư phát triển nhanh và đúng hướng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, với số lượng khách năm 2013 đạt trên 1,3 triệu lượt, tăng 6 lần so với 10 năm trước. Kinh tế thủy sản phát triển đều ở cả 4 lĩnh vực: khai thác, chế biến, nuôi trồng và dịch vụ, tổng giá trị tăng 6,54 lần. Sự tăng trưởng của nền kinh tế đi liền với sự tăng trưởng của điện, năm 2010 sản lượng điện tiêu thụ toàn Huyện đạt 25,58 triệu kWh, đến năm 2014 dự kiến đạt 32,21 triệu kWh (tăng 125% so với năm 2010)

Để giữ vững dòng điện liên tục, ổn định không thể quên những công sức của công nhân Điện lực Cát Hải, theo thống kê, Điện lực Cát Hải quản lý 9200 khách hàng mua điện, lưới điện tương đối lớn với 100,41 km đường dây trung thế, 84,38 km đường dây hạ thế, 44 trạm biến áp phân phối, đặc thù lưới điện huyện Đảo rất phức tạp, chủ yếu đi qua đầm, hồ, vượt biển, và vượt núi, rừng, địa bàn chia cắt nên công việc quản lý rất vất vả, chúng tôi có dịp gặp anh Đinh Minh Thiện- Giám đốc điện lực Cát Hải và được biết có những lần tàu thuỷ đâm đứt đường dây vượt biển mất điện toàn huyện, từ Chủ tịch, Bí thư, Công an, Biên phòng Huyện đến Công ty điện lực Hải Phòng và công nhân Điện lực Cát Hải nhanh chóng vào cuộc truy tìm tàu gây sự cố, một mặt huy động nhân lực, vật tư, cảnh báo luồng để gấp gáp đóng điện trở lại.


 

Kiểm Tra cột điện cao thế vợt biển cấp điện cho đảo Cát Bà - Ảnh Mạnh Hùng P7

Anh Thiện nhớ lại kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời người thợ điện là sau khi Phó giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng Nguyễn Thanh Hưng chỉ đạo khắc phục sự cố đứt dây cột vượt biển đêm ngày mấy lần ngày thường, các trạm biến áp quá tải cục bộ mất điện làm cho chúng tôi phải tập trung cao độ để xử lý, cứ mỗi khu vực mất điện là anh em không thể yên tâm phải xử lý bất kể ngày đêm vì không thể để khách hàng mất điện trong thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, an ninh chính trị, sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến du khách. Công việc nhiều là thế, ngoài giờ làm việc giám đốc và công nhân tranh thủ làm việc để giải quyết những việc tồn đọng, phần lớn anh em ở đất liền xung phong ra đảo, vì bận rộn cũng chỉ dành được ít thời gian về thăm gia đình nhưng anh em vẫn vui vẻ. Ngoài đảo Cát Bà công nhân Điện lực sống và sinh hoạt tập thể, hết giờ làm việc lãnh đạo và công nhân quây quần bên mâm cơm tập thể tuy đạm bạc nhưng đầm ấm như gia đình. Với sự đoàn kết, quyết tâm của sức trẻ, cán bộ công nhân viên Điện lực luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm tốt nhiệm vụ cấp trên giao xứng đáng với tên gọi là người thợ điện nơi đảo tiền tiêu, đất của Tổ quốc.

Trước khi chia tay chúng tôi, anh Thiện tâm sự: “Là những người thợ điện vùng biển đảo, hơn lúc nào, chúng tôi hiểu phải giữ bằng được dòng điện thân yêu, vì khi ánh điện bừng lên là đảo đang sống, nhưng đẹp hơn và cũng thật ý nghĩa hơn, vùng biên giới biển đã có ánh sáng của Đảng và chủ quyền của chúng ta được khẳng định.

Còn gì ý nghĩa và vẻ vang hơn sự cống hiến, nhất là được cống hiến vì cuộc sống, vì an ninh chính trị của một vùng biển đảo thân yêu của tổ quốc, chúng tôi nguyện đem hết sức mình hiến dâng cho ngành điện thân yêu”.

TRỌNG NGHĨA

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động