RSS Feed for Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Tạm kết) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 04:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Tạm kết)

 - Để tạm kết chuyên đề "Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0", Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) xung quanh chủ đề "Điện phải đi trước một bước vào cách mạng công nghiệp 40". Nhận định những thách thức cần phải vượt qua ngay tại "ngưỡng cửa" của cách mạng khoa học - công nghệ lần này. Đặc biệt là cách thức giải quyết của ngành điện đối với người lao động sẽ bị dôi dư trong tiến trình đổi mới.

Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 1)
Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 2)
Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 3)

BÀI 4 (TẠM KẾT): "ĐIỆN PHẢI ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC" VÀO CMCN 4.0

Năng lượng Việt Nam: Điều gì làm ông băn khoăn nhất khi ngành điện nói chung và NPC nói riêng đang bước vào Cuộc CMCN 4.0?

Ông Thiều Kim Quỳnh: Có lẽ là vấn đề năng suất lao động.

Năng lượng Việt Nam: Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Thiều Kim Quỳnh: Trước hết, đây luôn là vấn đề hấp dẫn, vì nó gắn liền với tăng thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc của con người. Chỉ tiêu năng suất lao động luôn đòi hỏi phải được đánh giá chính xác, công bằng, khách quan.

Như chúng ta đã biết, địa bàn kinh doanh của NPC trải rộng khắp miền Bắc, lưới điện phủ hết đủ các tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi có địa hình/điều kiện kinh tế - xã hội khác biệt, mật độ dân cư, mật độ/tính chất phụ tải khác nhau. Nhưng, chỉ tiêu năng suất lao động từ xưa đến nay lại được tính giống nhau (bằng sản lượng chia cho số nhân viên). Vì vậy, NPC đề ra nhiệm vụ khắc phục tình trạng này bằng các giải pháp công nghệ cao, như: lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu, đo đếm từ xa đối với 1.500 điểm ranh giới và đầu nguồn (đạt 100% yêu cầu); lắp đặt và thu thập dữ liệu đo xa công tơ tổng đầu trạm công cộng (32.354 điểm) và đầu trạm chuyên dùng (20.992 điểm); thu tiền điện qua ngân hàng; thanh toán tiền điện trực tuyến trên Website; tạo thêm nhiều tiện ích cho khách hàng (tiến tới phát hành thẻ mua - bán điện năng) nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của NPC.

Ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Năng lượng Việt Nam: Trong Cuộc CMCN 4.0, việc tăng năng suất lao động sẽ làm dư thừa lao động. Vậy, NPC sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?

Ông Thiều Kim Quỳnh: Đúng. Càng đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cao, năng suất lao động càng tăng, nhưng nguy cơ mất việc làm của người lao động cũng tăng. Nhưng, chúng tôi coi quy luật này như một mâu thuẫn cần giải quyết và khi giải quyết được mâu thuẫn thì NPC sẽ bước sang mức phát triển mới với chất lượng cao hơn. Chúng tôi coi việc đẩy người lao động ra ngoài xã hội là "hạ sách". Thay vào đó, chúng tôi giải quyết mâu thuẫn này theo 3 hướng:

Thứ nhất: NPC sẽ chủ động sắp xếp một cách có chọn lọc và có ưu tiên những người có năng lực, trình độ, phẩm chất thực hiện các công việc quan trọng ở các mức độ khác nhau (từ cán bộ quản lý đến công nhân kỹ thuật).

Thứ hai: Trong nhiều trường hợp, NPC sẽ phải đào tạo lại tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động.

Thứ ba: Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi trường hợp người lao động không còn phù hợp với điều kiện kinh doanh mới. Khi đó, chúng tôi sẽ phối hợp với tổ chức công đoàn vận động nhân viên về nghỉ chế độ dưới nhiều hình thức, và có vận dụng các cơ chế chính sách để đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa cho người lao động.

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho một số ví dụ cụ thể về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp công nghệ mới trong thời gian qua của NPC?

Ông Thiều Kim Quỳnh: Trước hết, NPC đã đầu tư trang bị và tổ chức 8 đội sửa chữa điện nóng (Hotline) tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ninh, Phú Thọ, và Thanh Hóa. Công tác đào tạo nhân lực cho các đội này đang được tiến hành tại TP. Hồ Chí Minh, các thao trường được xây dựng ở Bắc Ninh và Nghệ An. Dự kiến đến quý 3 năm 2018 sẽ hoàn thành 100% việc thực hiện trên lưới.

Hai là: NPC đã trang bị cho 15 công ty thành viên (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lào Cai, Phú Thọ, Thái nguyên, Vĩnh Phúc) các bộ vệ sinh sứ “Hotline”. Riêng Công ty Lưới điện Cao thế đã mua 2 bộ và đang mua tiếp 3 bộ.

Ba là: NPC đang triển khai chương trình xây dựng các trung tâm điều khiển từ xa và các trạm biến áp không người trực. Đến cuối 2017 sẽ có 11 trung tâm được đi vào hoạt động tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Các trung tâm này sẽ được kết nối về phòng điều hành của NPC tại Hà Nội.

Đây là bước đi ban đầu thực hiện một trong những nguyên lý quan trọng của Cuộc CMCN 4.0 là "kết nối vạn vật".

Năng lượng Việt Nam: Ông đánh giá thế nào về những kết quả ban đầu đã thu được trong lĩnh vực này?

Ông Thiều Kim Quỳnh: Nhìn chung, kết quả sản xuất kinh doanh của NPC tương đối khả quan. Theo số liệu cập nhật, sản lượng điện thương phẩm tháng 10/2017 của NPC ước đạt 5.051,78 triệu kWh, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Sản lượng điện thương phẩm luỹ kế 10 tháng đạt 47.566,26 triệu kWh, tăng 12,36% so với cùng kỳ và đạt 82,44% kế hoạch cả năm 2017 được EVN giao. Cơ cấu khách hàng cũng dịch chuyển tích cực: thành phần công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 63,43%, tăng trưởng 15,54%; thành phần quản lý tiêu dùng chiếm 30,23%, tăng trưởng 5,91%.

Đặc biệt, đến tháng 10/2017, tất cả 14 chỉ tiêu về dịch vụ khách hàng đều đạt quy định. Trong đó, đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cấp điện mới cho 135 khách hàng trung áp với thời gian giải quyết thủ tục trung bình là 5,15 ngày, giảm 1,85 ngày so với qui định. Riêng trong tháng 10 vừa qua, NPC đã đóng điện, đưa vào vận hành 14 công trình nâng công suất trạm biến áp 110kV và nhiều công trình lưới điện trung, hạ áp.

Năng lượng Việt Nam: Ông vừa nói "đã cắt giảm được 1,85 ngày" trong thủ tục hành chính về cấp điện. Điều này có ý nghĩa gì thưa ông?

Ông Thiều Kim Quỳnh: Đây là chỉ tiêu quan trọng trong bối cảnh cả EVN, Bộ Công Thương và Chính phủ đang phấn đấu giảm tối đa các thủ tục hành chính nói chung. Chúng ta biết rằng, đối với ngành điện - là ngành hạ tầng của sản xuất, có yêu cầu kỹ thuật rất cao và có tính lan tỏa nhanh, ngay lập tức, giảm được hơn 26% (1,85/7 ngày) thủ tục đưa điện đến các hộ sản xuất/tiêu dùng là tăng thêm được các sản phẩm phục vụ cho xã hội, góp phần tăng trưởng GDP theo chỉ đạo của Chính phủ. Nếu, ngành điện xưa nay vẫn bị coi là "độc quyền" thì việc thực hiện thủ tục cấp điện chỉ trong vòng 5,15 ngày là một thành tích đáng kể và có ý nghĩa nhiều mặt.

Năng lượng Việt Nam: Câu hỏi cuối cùng, xin ông cho biết khó khăn chủ yếu khi NPC bước vào Cuộc CMCN 4.0 là gì?

Ông Thiều Kim Quỳnh: Khó khăn, thách thức thì nhiều. (Cười)… Khó khăn cơ bản của NPC là "điện phải đi trước một bước", phải làm người đi đầu trong bất kỳ cuộc cánh mạng công nghiệp nào. Các cụ nói: "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau". Vào Cuộc CMCN 4.0 là ta đang phải "lội nước" chứ không phải đi "ăn cỗ". Mà lội nước lần này không thể theo cách "dò đá qua sông" được.

Nhân đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới 3 thách thức rõ nét nhất mà NPC cần phải vượt qua ngay tại "ngưỡng cửa" của Cuộc CMCN 4.0. Đó là:

Thứ nhất: Tỷ lệ tổn thất điện năng (đặc biệt là tổn thất thương mại) tại NPC, tuy đã giảm so với trước đây, nhưng tổn thất điện năng kỹ thuật vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực có điều kiện tương tự. Điều này đòi hỏi NPC phải tiếp tục các chương trình cải tạo lưới điện.

Thứ hai: Chương trình cải tạo lưới điện của NPC có mục tiêu là giảm tổn thất điện năng và tăng sản lượng thương phẩm (tăng doanh thu, giảm chi phí). Thực tế cho thấy, các hạng mục đầu tư về cải tạo lưới điện về mặt kỹ thuật đều không có gì khó khăn (đều khả thi), về mặt kinh tế đều có hiệu quả cao và có thời gian thu hồi vốn ngắn. Tuy nhiên, khó khăn cơ bản ở đây là đỏi hỏi nguồn vốn rất lớn.

Thứ ba: Chất lượng lao động, đặc biệt là trình độ của cán bộ quản lý cần được nâng cao hơn nữa. Có lẽ đây cũng là khó khăn chung của các ngành kinh tế khác. Nhưng đối với ngành điện, chúng tôi đặc biệt coi trọng vấn đề này.

Năng lượng Việt Nam: Xin trân trọng cám ơn ông!

NGUYỄN SƠN (THỰC HIỆN)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động