RSS Feed for Điện lực miền Bắc: Hướng đến dịch vụ ngày càng hoàn hảo [Kỳ 6] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 19:10
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện lực miền Bắc: Hướng đến dịch vụ ngày càng hoàn hảo [Kỳ 6]

 - Nằm phía Đông của Đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, huyện Đảo Cô Tô cách Cảng Vân Đồn khoảng 60 km là một quần đảo nằm trong Vịnh Bắc bộ, bao gồm các đảo: Cô Tô Lớn, Cô Tô Nhỏ, Đảo Thanh Lân, Đảo Trần và vô số hòn đảo nhỏ khác. Kể từ tháng 10/2013 khi có nguồn điện lưới quốc gia, giấc mơ về một cuộc sống ấm no, giàu đẹp, văn minh của cán bộ nhân dân nơi đảo tiền tiêu phía Đông Bắc tổ quốc đã và đang trở thành hiện thực.

Điện lực miền Bắc: Hướng đến dịch vụ ngày càng hoàn hảo [Kỳ 1]
Điện lực miền Bắc: Hướng đến dịch vụ ngày càng hoàn hảo [Kỳ 2]
Điện lực miền Bắc: Hướng đến dịch vụ ngày càng hoàn hảo [Kỳ 3]
Điện lực miền Bắc: Hướng đến dịch vụ ngày càng hoàn hảo [Kỳ 4]
Điện lực miền Bắc: Hướng đến dịch vụ ngày càng hoàn hảo [Kỳ 5]

KỲ 6: ÁNH SÁNG NIỀM TIN

Nỗ lực vượt khó nơi vùng biển tiền tiêu Tổ quốc

Sau khi đặt chân lên Đảo, ông Nguyễn Hữu Trọng (nguyên Giám đốc Điện lực huyện đảo Cô Tô), Phó Giám đốc Điện lực Vân Đồn đưa chúng tôi đến tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đây 57 năm về trước (1961) Bác Hồ đã từng đến thăm và nói chuyện với cán bộ nhân dân trên đảo.

Sau khi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu tại khu di tích, ông Nguyễn Hữu Trọng tiếp tục lái xe đưa anh em chúng tôi dạo một vòng quanh đảo.

Kiểm tra chỉ số công tơ.

Vừa đi ông Trọng vừa kể: Huyện Đảo Cô Tô là một quần đảo bao gồm trên 30 đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 đảo lớn Cô Tô và Thanh Lân. Hiện huyện Đảo Cô Tô có 3 đơn vị hành chính là: Thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và xã Thanh Lân với diện tích 47,3 km2, dân số gần 6.000 người. Đời sống của người dân trên đảo chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt, chế biến hải sản và dịch vụ du lịch.

Từng là người lính biên phòng bảo vệ đảo, ông Trọng hiểu rất rõ cuộc sống của người dân nơi đây. Do ở xa đất liền, điều kiện đi lại khó khăn nên đời sống của người dân rất thấp, chủ yếu là tự cung, tự cấp. Khi chưa có điện lưới quốc gia, người dân sử dụng điện máy phát từ Ban quản lý Cảng Cô Tô. Do công suất máy phát nhỏ nên lượng điện chủ yếu đủ phục vụ sinh hoạt, còn dùng cho kinh doanh, dịch vụ là không đáng kể.

Để khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có, đưa huyện Đảo Cô Tô phát triển ngang tầm với cả nước, được sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và tỉnh Quảng Ninh quyết tâm đưa điện lưới quốc gia vượt biển ra Đảo Cô Tô, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Dự án đưa điện lưới ra huyện Đảo Cô Tô chính thức được khởi công ngày 4/11/2012, với tổng mức đầu tư 1.107 tỷ đồng do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. Trong đó, nguồn kinh phí của tỉnh Quảng Ninh từ ngân sách và huy động xã hội hóa là 883 tỷ đồng và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc là 284 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ chôn ngầm cáp 22 kV dưới đáy biển và rải dây điện 110 kV trên không bằng khinh khí cầu.

Quy mô dự án gồm: 23,226 km đường dây 110 kV 2 mạch; đường dây trên không 22 kV; 8 trạm cắt 22 kV; 18 trạm biến áp 22/0,4 kV, với tổng công suất 3.730 kVA và 39,54 km đường dây hạ áp; 1.197 công tơ đo đếm cấp điện cho toàn bộ huyện Đảo Cô Tô.

Sau 350 ngày, đêm khẩn trương thi công, với tinh thần “thần tốc, táo bạo, sáng tạo” công trình đã hoàn thành đóng điện vào tháng 10/2013.

Khởi sắc một vùng biển đảo

Sau khi có điện lưới quốc gia, Điện lực Cô Tô được thành lập với 15 cán bộ, CNV làm nhiệm vụ quản lý vận hành 50 km đường dây 22 kV. Trong đó, cáp ngầm trên biển gần 18 km, đường dây trên không hơn 40 km; hơn 40 km đường dây hạ thế, 42 TBA.

Gặp gỡ vào trò chuyện với cán bộ công nhân viên Điện lực Cô Tô, trên gương mặt của họ, ai ai cũng rất phấn khởi, tự hào; vì theo quan điểm của họ, "khó khăn là mẹ đẻ của thành công", càng khó khăn thì phẩm chất của người thợ điện càng ngời sáng.

Qua 5 năm đi vào vận hành, hệ thống lưới điện trên đảo luôn an toàn, ổn định, khách hàng phát triển ngày một đông, doanh thu năm sau cao hơn năm trước.

Từ ngày tiếp nhận điện từ Ban quản lý Cảng đến nay, Điện lực Cô Tô đã phát triển được trên 2.000 khách hàng. Trong đó, 1.800 khách hàng dùng vào mục đích sinh hoạt, trên 200 khách hàng dùng vào sản xuất, kinh doanh.

Ông Trọng cho biết thêm: Từ một huyện đảo cơ sở hạ tầng kém phát triển, đến nay, cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thiện, đặc biệt cơ sở y tế, giáo dục, giao thông, điện, hệ thống viễn thông phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội mà điểm nhấn là cơ sở hạ tầng du lịch.

Trước ngày chưa có điện lưới quốc gia chỉ có 2 cơ sở lưu trú, đến nay Cô Tô  có 235 cơ sở, khách sạn lưu trú với hơn 2.500 phòng; trong đó có nhiều khách sạn đạt chuẩn 3, 4 sao, mỗi tháng tiêu thụ hàng trăm triệu đồng tiền điện.

Lượng khách du lịch cũng tăng dần. Năm 2013, Cô Tô mới đón 5 nghìn lượt khách, năm 2015 đón 180 nghìn lượt khách thì năm 2017, huyện đã đón tới 320 nghìn lượt, trong đó, khách du lịch quốc tế tăng trưởng trên 250%. Doanh thu từ du lịch năm 2017 đạt trên 570 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần năm 2013.

Bà Bùi Thị Lý - Giám đốc Công ty Khánh Linh, Thị trấn Cô Tô trả lời Phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Khi được hỏi về chất lượng điện và thái độ phục vụ của cán bộ công nhân viên Điện lực Cô Tô, bà Bùi Thị Lý - Giám đốc Công ty TNHH Khánh Linh vui vẻ cho biết: Từ khi có điện lưới quốc gia, chúng tôi mới dám mở rộng đầu tư và đầu tư rất hiệu quả. Điện ổn định an toàn, giá cả hợp lý, nhân viên ngành điện rất nhiệt tình, thân thiện, mỗi khi có trục trặc là có mặt xử lý kịp thời, cho nên chúng tôi yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ các doanh nghiệp có lượng tiêu thụ điện lớn mà hầu hết người dân trên đảo cũng đều có nhận xét như ông Dương Ngọc Sử, ở Khối 1, Thị trấn Cô Tô: Trước đây dăm bảy hộ dân phải góp tiền mua một náy phát điện chạy một ngày dăm ba tiếng, nay có điện lưới quốc gia bà con hết sức phấn khởi. Điện không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn phục vụ nhân dân phát triển kinh tế, như chăn nuôi, chế biến bảo quản hải sản, điện làm cho bộ mặt thôn xóm, khu phố khởi sắc, văn minh.

Ông Dương Ngọc Sử - Khối 1, Thị trấn Cô Tô trả lời Phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Ông Sử cho biết: Khác với trước đây, nguồn điện bây giờ rất ổn định, cán bộ ngành điện rất nhiệt tình. Ngoài việc xử lý các yêu cầu của khách hàng, Điện lực Cô Tô còn tổ chức nhiều đợt hướng dẫn người dân sử dụng điện làm sao cho an toàn, tiết kiệm.

Có thể nói, người dân trên Đảo Cô Tô coi nguồn điện quốc gia như là một cứu cánh để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu như năm đầu có điện lưới quốc gia chỉ tiêu thụ được 200.000 kWh/tháng, doanh thu đạt trên 340 triệu đồng, thì đến năm 2018, sản lượng điện tiêu thụ bình quân mỗi tháng từ 1,2 đến 1,5 trệu kWh, doanh thu trên 4 tỷ đồng.

Để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định phục vụ tốt phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, sau 5 năm đưa điện ra đảo, đến nay Điện lực Cô Tô đã phát triển thêm hàng chục km đường dây, hàng chục trạm biến áp, đưa tổng dung lượng các trạm biến áp trên địa bàn toàn huyện lên 12.080 kVA.

Hiện nay, chỉ có 11 hộ sinh sống trên Đảo Trần đang chờ nguồn điện của dự án, còn lại 100% hộ dân Thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và xã đảo Thanh Lân đều được sử dụng điện an toàn, ổn định.

Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tháng 6/2016, Điện lực Cô Tô sát nhập với Điện lực Vân Đồn nên trên đảo chỉ còn lại một đội quản lý vận hành gồm 7 cán bộ, CNV.

Đảm nhận một khối lượng công việc rất lớn, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, với tình yêu biển đảo và sự phối hợp nhịp nhàng từ Điện lực Vân Đồn, những người thợ điện được phân công bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió đã đoàn kết bên nhau, đem hết nhiệt tình, khả năng và trách nhiệm thực hiện có hiệu quả công việc được giao.

Theo đó, Công ty Điện lực Quảng Ninh cũng dành nhiều sự ưu tiên về kinh phí, vật tư thiết bị cho Cô Tô sửa chữa, khắc phục hậu quả mưa bão, cải tạo, nâng cấp hệ thống chống quá tải để hệ thống lưới điện, TBA luôn an toàn ổn định.

Cô Tô là huyện đảo tiền tiêu cách Vân Đồn khoảng 60 km nên khi có mưa bão thường bị cô lập hoàn toàn với đất liền. Không thể trông chờ vào sự ứng cứu, hỗ trợ trong ngày một, ngày hai từ đất liền, PC Quảng Ninh đã chỉ đạo Điện lực Vân Đồn thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: phương án tại chỗ; lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và phương tiện tại chỗ.

Theo đó, lãnh đạo Điện lực Vân Đồn đã cùng với Đội quản lý vận hành lưới điện trên đảo khảo sát lập phương án xử lý sự cố và phương án phòng chống bão lụt cụ thể, chi tiết, sát thực tế; thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra; khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết của thiết bị; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và lực vũ trang trên đảo trong việc huy động nhân lực, trang thiết bị, phương tiện tham gia khắc phục xử lý nhanh các sự cố.

Từ một huyện đảo nghèo, khó trăm bề, đến nay Cô Tô đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, quốc phòng an ninh đảm bảo, du lịch dịch vụ đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa. Có được thành quả to lớn đó, không thể không nói đến sự đóng góp của những người thợ điện Quảng Ninh anh hùng từ khi đưa được nguồn điện lưới quốc gia ra đảo.

Chia tay huyện Đảo Cô Tô, chia tay những người thợ điện nơi đầu sóng ngọn gió, trong sự tiễn đưa lưu luyến trên bến cảng giữa trùng khơi, anh Nguyễn Hữu Trọng, người đã có nhiều năm giữ đảo và bây giờ lại cùng những người đồng đội mới đem ánh sáng niềm tin về cho đảo, cho biết thêm: Từ một huyện đảo tỷ lệ hộ nghèo rất cao, nay hộ nghèo chỉ 1,27%, thu nhập bình quân 3.000 USD/người/năm.

Hiện nay, phát huy lợi thế sau khi có điện lưới quốc gia, huyện Đảo Cô Tô đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, tạo mọi điều kiện cho người dân Cô Tô phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng theo định hướng tập trung phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ và nông nghiệp tiểu thủ công nghiệp; trong nông nghiệp lấy kinh tế thủy sản, kinh tế biển làm nền tảng, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, để làm giàu và bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển nơi tiền tiêu của tổ quốc.

(Đón đọc kỳ tới...)

TRẦN VŨ THÌN - PHAN THANH DŨNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động