RSS Feed for Điện hạt nhân và những bước đi thận trọng của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 19/09/2024 11:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện hạt nhân và những bước đi thận trọng của Việt Nam

 - Phát triển điện hạt nhân Việt Nam, công tác chuẩn bị phải tiến hành trong thời gian dài, thận trọng, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của người dân.

Cơ chế đặc thù cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Điện hạt nhân: Kinh nghiệm người Việt tại Pháp

Ngày 12/3, tại Thành phố Lạng Sơn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ) phối hợp với Cục Năng lượng Nguyên tử tổ chức hội thảo “Công tác truyền thông khoa học và công nghệ 2015 - Nội dung và kế hoạch tuyên truyền phát triển điện hạt nhân”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Doãn Phác, nguyên Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử cho biết, với các quốc gia bắt đầu chương trình điện hạt nhân, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp như Việt Nam, việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trung bình mất khoảng 15 năm.

Ông Lê Doãn Phác nhận định, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đầu tiên ở Việt Nam, lớn về quy mô và đầu tư, thời gian chuẩn bị và xây dựng dài, tính rủi ro cao, trong khi nước ta chưa có kinh nghiệm trong quản lý, triển khai dự án.

Vì vậy công tác chuẩn bị phải tiến hành trong thời gian dài, thận trọng, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của người dân.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phải thực hiện hết sức chặt chẽ, việc chuẩn bị đầu tư và phát triển các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 phải đảm bảo được 3 yêu cầu cơ bản: Bảo đảm an toàn, an ninh cao nhất; thực hiện đúng quy định của pháp luật và dự án phải có hiệu quả kinh tế.

Ông Phan Minh Tuấn, Phó trưởng ban Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, hiện nay hệ thống điện Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nhiệt điện và thủy điện. Theo dự kiến trước đây, đến năm 2020, Việt Nam khởi động tổ máy phát điện hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên, thời hạn này có thể phải lùi lại.

“Trong khi các nguồn điện khác phát triển chậm mà dân số tăng, nhu cầu dùng điện tăng lên, nhiệt điện vẫn sẽ là chủ đạo. Một số phương án sản xuất điện sẽ được ưu tiên là điện hạt nhân và thủy điện tích năng", ông Phan Minh Tuấn nói.

Hiện nay, thủy điện chiếm gần một nửa tổng công suất nguồn điện quốc gia. Nhưng dự kiến, đến năm 2030, thủy điện chỉ còn khoảng 12%, trong khi nhiệt điện tăng đến hơn một nửa. Trong điều kiện giá thành nhập khẩu nhiên liệu rất đắt đỏ, điện hạt nhân là giải pháp quan trọng.

Theo tính toán, đến năm 2050, điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng 15 - 20% tổng công suất điện.

Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, khẳng định, việc phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng. Không thể phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn năng lượng. Các nhà quản lý luôn phải tính đến phương án rủi ro khi một loại năng lượng nào đó ngừng hoạt động, phải có một loại năng lượng khác thay thế.

Bên cạnh đó là các tham luận, ý kiến của các bộ, ban ngành, chuyên gia, nhà khoa học xoay quanh những khó khăn, thách thức và công tác chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam và tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến năm 2014, trên thế giới có 436 lò phản ứng (LPƯ) đang hoạt động tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng công suất là 373.504 MW.

Các nước có số LPƯ năng lượng đang hoạt động nhiều nhất là Mỹ (100 LPƯ), Pháp (58 LPƯ), Nhật (48 LPƯ), Nga (33 LPƯ), Hàn Quốc (23 LPƯ)…

Năm 2014, có 2 LPƯ mới được đưa vào vận hành thương mại là Atucha-2 của Achentina, công suất 692 MW và Ningde-2 của Trung Quốc, công suất 1018 MW.

Đặc biệt, hiện có 71 LPƯ (tổng công suất đặt là 67.682 MW) đang được xây dựng tại 16 nước, trong đó có 2 nước bắt đầu xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên là Belarus và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAEA). Còn LPƯ được lập kế hoạch xây dựng hiện nay là 99 LPƯ, trong đó Trung Quốc chiếm đa số (35 LPƯ), tiếp đến Nga (22 LPƯ), Mỹ (17 LPƯ), Nhật Bản (9 LPƯ…

Về lâu dài, tăng trưởng dân số và nhu cầu điện năng ở các nước đang phát triển cũng như những lo ngại về biến đổi khí hậu, an ninh cung cấp năng lượng và biến động giá các loại nhiên liệu khác, tiếp tục khẳng định tổng công suất phát ĐHN vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động