RSS Feed for Đề tài nghiên cứu của PTC2 giành giải thưởng cao nhất về khoa học | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 10:29
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề tài nghiên cứu của PTC2 giành giải thưởng cao nhất về khoa học

 - Ðề tài nghiên cứu khoa học "Lập quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp (MBA) 500kV tại hiện trường" của nhóm kỹ sư (KS) thuộc Công ty Truyền tải điện 2 (Tổng công ty truyền tải điện quốc gia) do KS Nguyễn Tiến Dũng làm chủ nhiệm vừa xuất sắc giành giải nhất "Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam" và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tặng Huy chương vàng. Ðây là giải thưởng cao nhất về khoa học và công nghệ của TP Ðà Nẵng trong 15 năm qua.

 

NGUYỄN THỊ ANH ÐÀO

KS Nguyễn Tiến Dũng

Kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng, hiện là Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2, là một người đam mê nghiên cứu khoa học và đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật, làm lợi cho công ty về nhiều mặt. Anh vừa làm công tác quản lý, vừa bảo đảm chuyên môn với nhiệm vụ quản lý kỹ thuật và vận hành hệ thống truyền tải điện từ khu vực từ Ðèo Ngang (Hà Tĩnh) đến Plây Cu (Gia Lai).

Với kinh nghiệm 22 năm công tác, KS Dũng cho rằng, muốn hoàn thành tốt chuyên môn, phải "bắt mạch" và vượt qua các yếu tố khách quan. Hệ thống điện ở nước ta phát triển nhanh. Bên cạnh đó, đặc thù của Hệ thống điện miền trung là nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, bão và mưa lũ lớn, nhiều. Vì thế, để bảo đảm vận hành cung cấp điện liên tục trong bão, lũ cần có các giải pháp tăng cường nghiên cứu, áp dụng vào thực tế để xử lý những vấn đề bức xúc trong quá trình vận hành, sửa chữa hệ thống điện.

Năm 1994, hệ thống điện siêu cao áp 500kV của Việt Nam lần đầu đưa vào vận hành. Nhưng đến năm 2007 (sau 14 năm vận hành) đã có đến 7/18 (gần 40%) pha bị hư hỏng nặng. Nhiều sự cố, cháy nổ các MBA 500kV xảy ra, không những gây thiệt hại lớn như mất điện trên diện rộng, làm ảnh đến sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh năng lượng mà còn mất an toàn cho con người, hư hỏng các thiết bị lân cận.

Tháng 8-2007, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã thiêu rụi máy biến áp AT1 tại Trạm biến áp 500 kV Ðà Nẵng, làm bảy tỉnh miền trung (lúc đó) gần như tê liệt hoàn toàn vì mất điện, mọi hoạt động sinh hoạt đời sống đến sản xuất đều ngừng trệ. Thời gian để khắc phục kéo dài cả tuần vì phải vận chuyển máy thay thế từ xa đến. Nguyên nhân vụ cháy là do máy AT1 đã bị lão hóa khi đưa vào sử dụng 14 năm mà không được bảo dưỡng.

Xuất phát từ nhu cầu bức thiết đó, với trăn trở là người quản lý mà để xảy ra cháy, nổ MBA thì chưa đạt được tiêu chí vận hành, bởi vậy KS Dũng mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Tổng công ty truyền tải điện quốc gia về ý tưởng này và đến đầu năm 2009, anh và sáu kỹ sư khác trong Công ty truyền tải điện 2 cùng bắt tay vào nghiên cứu đề tài khoa học "Lập quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa MBA 500kV tại hiện trường".

Trong giai đoạn 2009-2011, nhóm đã tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu cấu tạo, chất liệu các MBA 500kV ở Việt Nam và trên thế giới, từ đó đánh giá nền tảng để công tác bảo dưỡng các MBA siêu cao áp thành công. Với phương pháp bằng mọi cách phải tách được toàn bộ các tạp chất, các loại khí và nhất là độ ẩm trong toàn bộ các phần tử bên trong MBA, đưa MBA trở về tinh khiết tuyệt đối. Quá trình này phải  bảo đảm không làm biến đổi, hư hỏng các phần tử của MBA, và điểm chính của công nghệ là nâng cao nhiệt độ, đưa toàn bộ các phần tử bên trong MBA lên gần 90oC trong môi trường chân không trong thời gian dài.

Khi lý thuyết đã cơ bản thành công, cả nhóm bắt tay vào thực tế với việc phối hợp với đơn vị sửa chữa đã bảo dưỡng thành công 01 MBA 500kV tại Ðà Nẵng; đến tháng 9-2011, đã bảo dưỡng thành công 02 MBA 500kV tại Hòa Bình. Tổng thời gian tách máy để bảo dưỡng, sửa chữa khoảng 10 ngày, so với trước đây mất từ 15 đến 18 tháng. Ðiểm cốt lõi của công nghệ này là dùng dầu cách nhiệt được làm nóng ở 85oC bơm vào trong MBA, duy trì bên trong MBA môi trường chân không và nhiệt độ cao khoảng 80oC trong 24 giờ, khi đó toàn bộ các tạp chất, các loại khí, nước sẽ bị hút, đào thải ra ngoài, đưa cách điện MBA về tinh khiết tuyệt đối.

Việt Nam hiện có 78 MBA 550kV, nếu bảo dưỡng theo công nghệ này, mỗi năm chỉ mất khoảng 9,8 tỷ đồng. Còn nêu dùng phương án cũ, vận chuyển máy về hãng chế tạo nước ngoài bảo dưỡng, mỗi năm mất tổng chi phí khoảng 1.080 tỷ đồng. Nếu dùng phương pháp mua MBA để dự phòng thay thế khi bảo dưỡng sẽ mất tổng chi phí khoảng 508 tỷ đồng.

Ðây mới chỉ là MBA 500kV, còn hàng trăm MBA 220, 110, 35, 22kV đều có cấu tạo cơ bản giống nhau. Nếu tiếp tục áp dụng công nghệ này cho các MBA dạng nhỏ hơn sẽ làm lợi rất nhiều và quan trọng hơn là chủ động bảo đảm cung cấp điện cho toàn bộ nền kinh tế.

KS Dũng cho biết: Phương pháp này an toàn, không bị nóng cục bộ nên không làm hư hỏng các phần tử trong MBA, giải pháp công nghệ thích hợp để bảo dưỡng, sửa chữa được tại chỗ các MBA đã giúp chủ động kiểm soát thời gian trong công tác quản lý vận hành, cung cấp điện. Ðồng thời, bảo đảm an toàn, tính mạng con người khi có sự cố cháy nổ, ngăn ngừa hư hỏng các thiết bị, cung cấp điện an toàn, liên tục. Theo đánh giá đây là giải pháp ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm chi phí cho ngành điện mỗi năm hơn 125 tỷ đồng.

Mặc dù đề tài này được nghiên cứu để áp dụng cho riêng MBA 500kV, nhưng hiện nay Công ty Truyền tải điện 2 đã áp dụng công nghệ này để bảo dưỡng các MBA 110, 220kV thuộc phạm vi công ty quản lý và cũng cho kết quả rất tốt. Hiện Công ty Truyền tải điện 2 dự kiến áp dụng công nghệ này để bảo dưỡng hàng loại các kháng điện 500 kV đã vận hành từ năm 1994 và các MBA 220, 110...10kV. Công ty Truyền tải điện 1 và nhiều đơn vị truyền tải điện khác cũng áp dụng công nghệ này. 

Giải thưởng mà đề tài mang lại là thành công vượt xa mong đợi. Quan trọng nhất là an toàn cho con người. KS Dũng tâm sự: Mừng nhưng rất lo, vì cơ bản là lý thuyết, nhưng áp dụng thành công trong thực tế mới minh chứng được tính ứng dụng lâu dài cho ngành truyền tải điện Việt Nam.

Nguyễn Thị Anh Đào (Nguồn: Nhandan)

 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động