RSS Feed for Dầu khí Việt Nam: Tính đặc thù và những bất cập của cơ chế [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 01:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dầu khí Việt Nam: Tính đặc thù và những bất cập của cơ chế [Kỳ cuối]

 - Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới, theo chúng tôi, ngành Dầu khí Việt Nam cần thực hiện các biện pháp về thăm dò và phát hiện trữ lượng tài nguyên mới; Đầu tư mỏ dầu - khí ở nước ngoài (đây là biện pháp có tính chiến lược, lâu dài trong điều kiện tài nguyên dầu khí trong nước ngày càng cạn kiệt); Xây dựng kho và thực hiện dự trữ chiến lược về dầu, khí (nhằm bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia khỏi gián đoạn cung cấp, vượt qua những khủng hoảng năng lượng lớn); Và tham gia vào việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là nhiên liệu sinh học, vv...

Dầu khí Việt Nam: Tính đặc thù và những bất cập của cơ chế [Kỳ 1]
Dầu khí Việt Nam: Tính đặc thù và những bất cập của cơ chế [Kỳ 2]

KỲ CUỐI: VAI TRÒ CỦA NGÀNH DẦU KHÍ VỚI QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Vấn đề an ninh năng lượng và một số xu thế năng lượng trong tương lai

Có nhiều định nghĩa về an ninh năng lượng của các quốc gia, tổ chức quốc tế khác nhau, nhưng nhìn chung đều mang nội hàm chính là đảm bảo việc cung cấp năng lượng liên tục, bền vững và hiệu quả với giá cả hợp lý được chấp nhận. Về nguyên tắc, an ninh năng lượng cần phải đảm bảo cân bằng cung - cầu năng lượng quốc gia trong mọi tình huống. Trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia, ngành dầu khí có vai trò to lớn trong việc đảm bảo nguồn cung và dự trữ, lưu thông các nguồn năng lượng sơ cấp dầu, khí để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, cần phải tính toán khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp một cách hợp lý. Theo đó, hiện nay xu thế chung trên thế giới và Việt Nam là:

Thứ nhất: Than vẫn là nguồn năng lượng sơ cấp ổn định cho nhu cầu dài hạn của thế giới. Tuy vậy, cần tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới đốt than ít gây ô nhiễm môi trường hơn.

Thứ hai: Nhu cầu khí đốt sẽ tăng nhanh do có tính ưu việt về môi trường. Khí đốt được sử dụng trong nhiều ngành, đặc biệt là sản xuất điện và công nghiệp.

Thứ ba: Tiêu thụ dầu tăng chậm hơn so với khí đốt do sự biến động bất thường về giá, nhiều nước có chính sách chuyển từ sử dụng dầu sang năng lượng khác. Tuy nhiên, tiêu thụ dầu trong cân bằng năng lượng thế giới vẫn có tỷ trọng cao.

Thứ tư: Năng lượng thuỷ điện trong nhu cầu năng lượng sơ cấp của thế giới nhìn chung sẽ không tăng được nhiều. Các nguồn năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời, thuỷ triều và địa nhiệt vẫn còn nhiều dư địa và tăng nhanh với các thiết bị ngày càng hiệu quả, suất đầu tư ngày càng giảm mạnh.

Ngoài ra, có ba xu thế phát triển mạnh sẽ tác động đến ngành năng lượng là:

1/ Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

2/ Áp dụng các công nghệ hiện đại, lành mạnh về môi trường hướng đến mục tiêu tạo dựng nền kinh tế các bon thấp. Và,

3/ Các ngành năng lượng xanh làm thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng bền vững.

Nhìn chung, để đảm bảo an ninh năng lượng, phần lớn các quốc gia trên thế giới cần khắc phục những vấn đề như thiếu tiếp cận năng lượng; thiếu sự đa dạng hóa các nguồn năng lượng; sự phụ thuộc cao vào các năng lượng truyền thống; sự thiếu hụt ngày càng tăng giữa cung và cầu năng lượng trong nước; sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu; và thiếu cơ sở hạ tầng năng lượng tương xứng.

Cán cân năng lượng Việt Nam trong thời gian qua

Về xuất nhập khẩu năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã có sự thay đổi lớn. Theo đó, cán cân xuất khẩu năng lượng đã chuyển thành nhập khẩu năng lượng từ năm 2015, nước ta đã nhập siêu 3.459 KTOE. (Hình dưới đây thể hiện tương quan giữa xuất và nhập khẩu năng lượng trong giai đoạn 2009-2015).

Bảng1: Diễn biến xuất nhập khẩu năng lượng giai đoạn 2009-2015 (KTOE)

Qua diễn biến trên cho thấy, xu hướng giảm dần của xuất khẩu năng lượng trong những năm vừa qua. Lượng năng lượng xuất khẩu của năm 2015 chỉ còn gần 12 ngàn KTOE, tức là chỉ bằng 2/5 so với năm 2009. Trong khi đó lượng năng lượng nhập khẩu, sau một vài năm giảm sút, đã tăng mạnh trở lại vào năm 2015.

Xét về cơ cấu nhập khẩu, các sản phẩm dầu vốn vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất do các cơ sở hóa dầu trong nước không đủ năng lực cung ứng cho nền kinh tế. Những năm trước đây, các sản phẩm dầu chiếm gần như 100% cơ cấu nhập khẩu. Tuy nhiên, đến năm 2015, các sản phẩm dầu chỉ còn chiếm 74% cơ cấu, phần còn lại được chiếm lĩnh bởi than (với 25%).

Ngành Dầu khí Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Năm 2015, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp (NLSC) của Việt Nam là 70.588 KTOE, trong dầu khí chiếm 29.091 KTOE (tương đương 41,2%) - là nguồn cung lớn nhất. Về mặt gia tăng tỷ trọng thì khí có tỷ lệ tăng cao nhất với 13,4%/năm.

2000

2005

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Than

4.372

8.376

14.730

15.605

15.617

17.239

19.957

24.608

Dầu

7.917

12.270

17.321

16.052

15.202

14.698

17.700

19.540

Khí

1.441

4.908

8.316

7.560

8.253

8.522

9.124

9.551

Thủy điện

1.250

1.413

2.369

3.519

4.540

4.468

5.146

4.827

NL phi thương mại

14.191

14.794

13.890

14.005

14.121

13.673

12.745

11.925

Nhập khẩu điện

33

399

333

125

200

124

136

Tổng

29.171

41.794

57.025

57.075

57.857

58.801

64.797

70.588

Bảng 2: Diễn biến cung cấp năng lượng sơ cấp giai đoạn 2000-2015 (KTOE). Nguồn: Viện Năng lượng - năm 2016.

Những động lực chính cho tăng trưởng tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam được nhận dạng là tăng trưởng công nghiệp, sử dụng năng lượng dân dụng và mức độ cơ giới hóa trong giao thông.

Ngành Dầu khí Việt Nam đã tác động đến tất cả các chỉ số đánh giá về an ninh năng lượng và thể hiện vai trò quan trọng hàng đầu (do tỷ trọng của ngành dầu khí là lớn nhất trong tổng cơ cấu năng lượng sơ cấp, chiếm 41,2%).

TT

Chỉ số

Diễn giải

1

Thiếu hụt cung cầu dầu, khí

Chỉ số này thể hiện mức độ đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước từ các nguồn cung cấp dầu, khí nội địa. Chỉ số này càng cao thể hiện sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ bên ngoài, do đó, làm giảm an ninh năng lượng

2

Tỷ số trữ lượng và sản xuất (R/P) dầu, khí

Chỉ số này minh họa thời gian trong bao nhiêm năm trữ lượng chứng minh của các nguồn năng lượng dầu, khí hiện tại sẽ được duy trì với mức khai thác hiện tại. Chỉ số này giúp đánh giá sự bền vững của các nguồn năng lượng dầu, khí hiện tại trong tương lai để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước

3

Sự phụ thuôc vào nhập khẩu dầu, khí

Chỉ số này đo lường mức độ phụ thuộc vào nước ngoài trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng dầu, khí. Đó là tỷ số giữa sản lượng dầu, khí nhập khẩu và tiêu thụdầu, khí trong nước. Chỉ số này càng cao càng thể hiện mối đe dọa đến an ninh năng lượng

4

Tỷ trọng của chi phí nhập khẩu dầu, khí trong tổng chi phí nhập khẩu

Chỉ số này thể hiện gánh nặng tài chính của nền kinh tế, tỷ lệ này càng cao thì sự mất an ninh năng lượng càng năng nề. Chỉ số này được thể hiện qua lượng năng lượng nhập khẩu và giá năng lượng về dầu, khí

5

Tỷ trọng chi phí nhập khẩu dầu, khí trong doanh thu xuất khẩu

Chỉ số này đo khả năng tài chính nhập khẩu năng lượng dầu, khí từ nguồn thu ngoại hối của nền kinh tế

6

Tỷ trọng của chi phí nhập khẩu dầu, khí trong tổng thu nhập quốc nội

Chỉ số này đo khả năng tài chính nhập khẩu năng lượng dầu, khí từ nguồn thu nhập quốc gia

7

Đa dạng hóa nhập khẩu dầu thô

Chỉ số này đo mức độ đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu dầu thô. Việc đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu sẽ giảm thiểu các rủi ro gián đoạn cung cấp.

8

Đa dạng hóa cơ cấu nhiên liệu dầu, khi cho phát điện

Chỉ số này thể hiện tỷ trọng của các nhiên liệu dầu, khí trong công suất sản xuất điện. Sự quá lệ thuộc vào một loại hình nguồn có thể tăng mức độ dễ tổn thương của nền kinh tế trong việc đáp ứng nhu cầu điện


Bảng 3: Các chỉ số đánh giá vai trò nguồn năng lượng dầu, khí đối với mức độ an ninh năng lượng quốc gia. Nguồn: TERI - năm 2008.

Qua một số phân tích trên, có thể nói rằng, ngành Dầu khí Việt Nam hiện nay đang đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia xuyên suốt tất cả các khâu từ sản xuất đến lưu thông, phân phối và dự trữ.

Để vượt qua những thách thức về an ninh năng lượng trong giai đoạn chuyển sang nhập siêu năng lượng, đối với các nguồn năng lượng sơ cấp, Việt Nam cần thực hiện 2 nhóm giải pháp sau:

Một là: Hướng đến việc tiếp tục đảm bảo nguồn cung song song với giảm dần giảm sự phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch (mà trong đó dầu khí là quan trọng).

Hai là: Phát triển hạ tầng năng lượng hiệu quả và đa dạng hóa hệ thống năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng. Theo đó, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới, ngành Dầu khí Việt Nam cần tích cực thực hiện những biện pháp sau:

Thứ nhất: Thăm dò và phát hiện trữ lượng tài nguyên mới. Biện pháp này tập trung vào tìm kiếm những trữ lượng mới để tăng trữ lượng và cung cấp nội địa. Trong giai đoạn hiện nay cần tăng cường các hoạt động tìm kiếm, thăm dò ở vùng nước sâu, xa bờ (lưu ý các vùng nhạy cảm) gắn với công tác bảo vệ chủ quyến quốc gia trên biển.

Thứ hai: Đầu tư mỏ dầu, khí ở nước ngoài. Biện pháp này tăng cường mua cổ phần sở hữu các mỏ dầu, khí ở nước ngoài qua các hình thức để tăng cường nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp và gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho ngành Dầu khí Việt Nam trên cơ sở các mối quan hệ chiến lược về chính trị - ngoại giao với các quốc gia chủ mỏ.

Đây là biện pháp có tính chiến lược, lâu dài trong điều kiện tài nguyên dầu khí trong nước ngày càng cạn kiệt.

Thứ ba: Xây dựng kho và thực hiện dự trữ chiến lược về dầu, khí. Biện pháp này có thể bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia khỏi gián đoạn cung cấp từ vài ngày đến vài tháng, vượt qua những khủng hoảng năng lượng lớn. Tuy nhiên, biện pháp này đòi hỏi nguồn vốn lớn và nhất là cơ chế thực hiện đặc thù trong việc đầu tư, dự trữ dầu thô, khí và các sản phẩm nhiên liệu khác.

Thứ tư: Tham gia vào việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là nhiên liệu sinh học. Biện pháp này nhằm thúc đẩy năng lượng nông thôn, đa dạng hóa các cơ cấu năng lượng và làm giảm sự lệ thuộc vào dầu, khí nhập khẩu thông qua sử dụng nhiên liệu sinh học mà ngành Dầu khí Việt Nam đang là những nhà đầu tư lớn nhất hiện nay.

Thứ năm: Thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả. Biện pháp này có thể được thực hiện thông qua luật bảo tồn năng lượng, tiêu chuẩn sử dụng năng lượng hiệu quả, dán nhãn năng lượng, ưu đãi về vốn và thuế, vv…

Đón đọc chuyên đề tiếp theo: "Ảnh hưởng của biến động giá dầu đến nền kinh tế Việt Nam và giải pháp"

ThS. NGUYỄN NGỌC TRUNG - BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động