RSS Feed for Cộng đồng hạt nhân trên toàn cầu kêu gọi COP26 ủng hộ điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 11:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cộng đồng hạt nhân trên toàn cầu kêu gọi COP26 ủng hộ điện hạt nhân

 - Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) - Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên hợp quốc, dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Glasgow (từ ngày 1 - 12/11/2021). Dù hội nghị chưa diễn ra, nhưng không khí đã nóng lên khi trước thềm hội nghị - với trên 100 tổ chức hiệp hội hạt nhân trên toàn cầu kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “nghe theo khoa học” và nhấn mạnh rằng: Để đáp ứng mục tiêu không phát thải nhà kính toàn cầu vào năm 2050 thì sản lượng năng lượng hạt nhân ít nhất phải tăng gấp đôi.


Điều kiện ‘cần’ và ‘đủ’ để Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân

Phát thải CO2 và giải pháp điện hạt nhân tiên tiến


Các hiệp hội này đại diện cho hơn 80.000 chuyên gia, kỹ sư, nhà khoa học trẻ trong cộng đồng hạt nhân, các nhà môi trường học và các công dân quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu đều tán thành rằng: COP26 sẽ là “một cơ hội quan trọng để các quốc gia trên thế giới sẽ xích lại gần nhau và có sáng kiến đưa ra hành động chung làm thay đổi cách chúng ta nghĩ về khí hậu và xây dựng mục tiêu rõ ràng cho con đường hướng tới mục tiêu không phát thải khí nhà kính”.

Cộng đồng hạt nhân đang kêu gọi Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson, Chủ tịch COP26 Alok Sharma và Thư ký điều hành Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc Patricia Espinosa thừa nhận vai trò quan trọng của hạt nhân song song với năng lượng tái tạo trong việc giúp đạt được mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050.

Trước đó, vào tháng 2/2021, sáng kiến “Hạt nhân vì sự thay đổi Khí hậu” - tập hợp các chuyên gia và các nhà khoa học trong ngành hạt nhân từ hơn 150 hiệp hội - đã công bố một báo cáo của COP26 với tiêu đề “Không phát thải nhà kính cần năng lượng hạt nhân”. Báo cáo đưa ra bằng chứng khoa học đằng sau lý do tại sao Mục tiêu Không phát thải nhà kính cần năng lượng hạt nhân và kêu gọi tất cả các bên tham gia COP26 thực hiện cách tiếp cận dựa trên khoa học và công nghệ - tự nhiên (technology-neutral: Các tiêu chuẩn kỹ thuật được thiết kế để hạn chế các tác động tiêu cực từ bên ngoài) đối với chính sách và tài chính năng lượng.

Để hướng tới cuộc họp của Ban tổ chức COP sẽ diễn ra trong ba tuần tới, ngày 2/6/2021 vừa qua, trên 100 hiệp hội hạt nhân trên khắp thế giới đã tuyên bố ủng hộ báo cáo này.

Các hiệp hội thông báo rằng: Sản lượng năng lượng hạt nhân sẽ cần phải tăng 40% vào năm 2030 và ít nhất là gấp đôi vào năm 2050 để đáp ứng mục tiêu Không phát thải nhà kính toàn cầu, như đã đề cập trong Lộ trình Không phát thải nhà kính toàn cầu vào năm 2050 gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

IEA cho biết rằng, Vương quốc Anh và thế giới “hoàn toàn đi chệch hướng” trong việc phát triển năng lượng hạt nhân mới theo yêu cầu trong Kịch bản Phát triển Bền vững của IEA.

Cần phải tăng đáng kể năng lượng hạt nhân trong cả bốn lộ trình để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, như được xác định trong phần tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách của Báo cáo đặc biệt của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Bốn lộ trình IPCC cho thấy sản lượng hạt nhân tăng từ 98% đến 501% từ năm 2010 đến năm 2050.

“Đã đến lúc chúng ta sử dụng các căn cứ khoa học hơn là những chuyện mê tín (urban myth) để quyết định chính sách năng lượng trong tương lai của mình” - Geraldine Thomas, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử tại Khoa Y, Khoa Phẫu thuật và Ung thư, Đại học Hoàng gia London cho biết.

“Bạn có thực sự muốn vứt bỏ năng lượng hạt nhân ra khỏi chiến lược chung để giúp đạt tới mục tiêu không phát thải nhà kính, trong khi mà các bằng chứng khoa học cho thấy đây là một trong những cách tốt nhất để tạo ra năng lượng?”

“Hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy và bền vững. Theo quan điểm của tôi, nguồn năng lượng hạt nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đạt được mục tiêu không phát thải nhà kính” - Fiona Rayment, Giám đốc Khoa học và Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Hạt nhân Quốc gia của Vương quốc Anh, cung cấp thêm thông tin.

Hannah Paterson, Chủ tịch Mạng lưới Thế hệ Trẻ của Viện Hạt nhân cho biết: “Những người trẻ tuổi nhận thức rất rõ về cuộc khủng hoảng khí hậu mà họ sẽ phải gánh chịu”. Họ nhận ra rằng, một bộ công cụ gồm các giải pháp của cả năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo hoạt động đồng thời là điều cần thiết và cần nhanh chóng để xoay chuyển tình thế tiến thoái lưỡng nan trong tương lai.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng COP26 lắng nghe lợi ích của năng lượng hạt nhân, các quốc gia có thể thực hiện quyết định sáng suốt về các phương pháp tiếp cận công nghệ để đạt được mục tiêu không phát thải khí nhà kính”./.

BIÊN DỊCH: NGUYỄN THỊ THU HÀ - VINATOM

NGUỒN: https://www.world-nuclear-news.org

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động