RSS Feed for Cơ chế cho các dự án điện gió, mặt trời  ‘chuyển tiếp’ cần được ban hành sớm | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 06:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cơ chế cho các dự án điện gió, mặt trời ‘chuyển tiếp’ cần được ban hành sớm

 - Hiện nay, các dự án điện gió, điện mặt trời không hoàn thành đấu nối kịp trước thời hạn 31/12/2020 và 31/10/2021 đang chờ giá bán điện. Đó là một số vốn lớn xã hội đã bỏ ra, cần phải được sử dụng. Do đó, mới đây, Bộ Công Thương đã có Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ để giải quyết vấn đề này.
Các bộ chuyên ngành xem xét cơ chế cho các dự án điện khí, điện gió, mặt trời VN Các bộ chuyên ngành xem xét cơ chế cho các dự án điện khí, điện gió, mặt trời VN

Văn phòng Chính phủ có Văn bản số: 1148/PC-VPCP, ngày 22/6/2022 gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về “cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí Việt Nam”.

Những dự án điện gió nghìn tỉ của Việt Nam chờ cơ chế Những dự án điện gió nghìn tỉ của Việt Nam chờ cơ chế

Từ phản ảnh của Tuổi trẻ Online về việc "nhà đầu tư điện gió 'kêu cứu' Thủ tướng vì nguy cơ phá sản do… chờ cơ chế", Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Công Thương "kiểm tra và xử lý ngay". Nhưng những quy định bất cập vẫn chưa được tháo gỡ đang đẩy nhà đầu tư điện gió tiếp tục rơi vào cảnh bế tắc.


Cho đến ngày hết hạn, các Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích (giá FIT) điện mặt trời và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về giá FIT cho điện gió đã phát huy tốt kết quả. Từ chỗ hầu như không có gì, chỉ trong ba năm (2019 - 2021) đã có 16.564 MW công suất đặt điện mặt trời (bao gồm 8.904 MW điện mặt trời tập trung và 7.660 MW điện mặt trời mái nhà) và 4.126 MW điện gió được đưa vào vận hành với giá FIT khuyến khích của Chính phủ.

Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19 và một số nguyên nhân trong thủ tục đầu tư, đến nay còn 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng không kịp hoàn thành COD trước 31/10/2021 nên chưa được bán điện. Bên cạnh đó, 452 MW điện mặt trời cũng đã hoàn thành sau thời hạn 31/12/2020 nên phải chờ xác định giá bán điện hơn một năm, vẫn chưa được bán điện. Ngoài ra, còn một số dự án triển khai dở dang. Các dự án đó được gọi chung là dự án chuyển tiếp. Chủ đầu tư đã bỏ tiền ra đầu tư số tiền hàng nghìn tỷ đồng, nếu không được huy động sẽ gây lãng phí vốn xã hội, hỏng hóc thiết bị.

Để tránh lãng phí đầu tư xã hội và đồng thời có thêm nguồn điện bổ sung vào lưới điện quốc gia, Bộ Công Thương đã có đề xuất phương án trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá cho các dự án điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp. Có thể tóm tắt nội dung phương án đề xuất như sau: Bộ Công Thương xây dựng và ban hành quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định khung giá phát điện, quy định khung giá phát điện đối với điện gió, điện mặt trời làm cơ sở để EVN đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư dự án, tương tự cách làm với các dự án nguồn điện khác như thủy điện, nhiệt điện, tua bin khí, v.v... (Phương án đã được nêu trong Báo cáo 17/BC-BCT ngày 27/1/2022).

Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành như: Luật Điện lực, Luật giá và các Nghị định hướng dẫn, Bộ Công Thương nhận thấy: Phương án này tuân thủ theo các quy định của các văn bản luật và dưới Luật hiện hành.

Điện gió và điện mặt trời sẽ có quy mô ngày càng lớn, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia nên việc duy trì các chính sách hỗ trợ sẽ không còn phù hợp. Việc cam kết mua toàn bộ điện cũng không còn hợp lý khi quy mô điện mặt trời và điện gió quá lớn, có thời điểm ảnh hưởng tới khả năng điều độ của hệ thống, phải tiết giảm công suất phát của chúng.

Trong tương lai, Bộ Công Thương thấy rằng: Các dự án điện gió, điện mặt trời cũng sẽ phải thực hiện theo cơ chế đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và EVN trong khuôn khổ khung giá và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ:

Thứ nhất: Đối với các dự án chuyển tiếp: Chấp thuận cơ chế như phương án nêu trên.

Thứ hai: Với các dự án điện gió, điện mặt trời trong tương lai: Chấp thuận áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện như phương án nêu, đảm bảo tính thống nhất của hành lang pháp lý với các dự án.

Thứ ba: Với các dự án đã được công nhận vận hành thương mại: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo để Bộ Công Thương có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN với các chủ đầu tư nhằm hài hòa lợi ích giữa bên bán - bên mua - người tiêu dùng điện và Nhà nước.

Thứ tư: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có Quyết định điều chỉnh các Quyết định trước đây về cơ chế khuyến khích phát triển điện gió và điện mặt trời.

Một ví dụ gần đây về khung giá phát điện là Quyết định 820/QĐ-BCT ngày 29/4/2022 của Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện năm 2022, trong đó quy định giá mua điện cho nhiệt điện than và thủy điện.

Theo chúng tôi, cơ chế cho các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp cần phải được ban hành sớm nhằm tránh lãng phí nguồn lực xã hội và áp lực cho nhà đầu tư, cũng như góp phần giảm tình trạng thiếu điện vào những ngày nắng nóng./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động